Huỳnh Hữu Nghiệp (1935-2023)
Hội người Việt Nam tại Pháp vô cùng đau đớn báo tin ông Huỳnh Hữu Nghiệp, nguyên Phó chủ tịch của Hội, hội viên kỳ cựu, đã từ trần ngày 13-04-2023, hưởng thọ 87 tuổi. Ban
Hội người Việt Nam tại Pháp vô cùng đau đớn báo tin ông Huỳnh Hữu Nghiệp, nguyên Phó chủ tịch của Hội, hội viên kỳ cựu, đã từ trần ngày 13-04-2023, hưởng thọ 87 tuổi.
Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Pháp xin thành thật chia buồn cùng chị Linh và hai cháu Diệu Khánh và Chí Dũng.
Tiểu sứ ông Huỳnh Hữu nghiệp
Ông Huỳnh Hữu Nghiệp sinh năm 1935, tại làng Bình Phú Đông, tỉnh Gò Công cũ, nay là xã Phú Thành, tỉnh Tiền Giang.
Ông sang Pháp du học từ cuối năm 1952 tại Bordeaux.
Đầu năm 1953, ông Huỳnh hữu Nghiệp bắt đầu tham gia vào phong trào Việt kiều yêu nước do ông Dương Quang Trung phụ trách, sau khi nhà cầm quyền Pháp xiết chặt kiểm soát các hoạt động và đã trục xuất một số Việt kiều giữ vai trò trách nhiệm phong trào.
Sau khi đậu bằng tú tài năm 1954, ông Huỳnh Hữu Nghiệp chuyển đến học cử nhân tại Đại Học khoa học Montpellier, và tham gia Ban trách nhiệm phong trào tại đây (cùng với ông Nguyễn Vĩnh Mỹ, sau này là một cán bộ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam).
Năm 1956, ông được cử làm đại diện của phong trào tại Montpellier, dự Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều cùng với nhiều hoạt động của phong trào sinh viên Pháp và các nước chống thực dân Pháp, nhất là các cuộc chiến tranh chông thực dân và đế quốc.
Cuối năm 1955, ông đến Paris tiếp tục học cử nhân khoa học. Ông bắt đầu tham gia Ban trách nhiệm phong trào tại Paris với nhiệm vụ đối ngoại trong giới sinh viên (Ủy ban sinh viên chống thực dân).
Năm 1965, phong trào Việt kiều yêu nước chủ trương công khai hóa, bước đầu qua việc thành lập Hội Liên hiệp sinh viên, ông Huỳnh Hữu Nghiệp được cử làm Chủ tịch Hội để thực hiện chủ trương này, đến năm 1968.
Đến tháng 08/1968, khi bắt đầu cuộc thương lượng giữa ta và Mỹ, ông là một trong những người đại diện Hội hỗ trợ cho các phái đoàn trong nước sang Pháp dự các hội nghị lớn, trong việc biên dịch và phiên dịch, bắt đầu trong đoàn VNDCCH trong Hội nghị 2 bên với Mỹ (từ tháng 5 đến cuối năm 1968) rồi sau đó trong phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam (CPCMLT CHMNVN) trong Hội nghị 4 bên từ 1968 đến 1973.
Sau khi ký kết Hiệp định Paris, ông Huỳnh Hữu Nghiệp tiếp tục đảm trách công tác đối ngoại trong Hội nghị giữa hai bên miền Nam Việt Nam tại La Celle Saint-Cloud (1973-1975).
Cuối năm 1975, ông được cử làm chuyên gia phụ tá cho Đại sứ Đinh Bá Thi, quan sát viên của CPCMLT dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc từ tháng 8 đến tháng 10/1975. Sau đó trở về Pháp làm tùy viên báo chí của Phái đoàn thường trực CPCMLT cho đến khi thống nhất đất nước đầu năm 1976.
Sau đó ông lại được chuyển về công tác tại Đại sứ quán CHXHCNVN tại Pháp, Bỉ – Hà Lan, Luxembourg.
Từ 1975 đến 1988, ông được Bộ ngoại giao mời làm chuyên viên tại Đại sứ quán nước Việt Nam tại Paris.
Từ năm 1988, ông trở lại hoạt động phong trào của Hội, lãnh đạo các lĩnh vực kinh tế-tài chính, tham gia các hoạt động của phong trào để đóng góp xây dựng đất nước, đặc biệt là việc nối lại và đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các nước Tây Âu, nhất là trong những năm Mỹ phong tỏa Việt Nam. Cũng trong thời gian này, ông là Phó chủ tịch Hội NVNTP, là Tổng biên tập báo Đoàn Kết của Hội. Hiện ông đã tạm nghỉ do tình trạng sức khỏe kém.
Tham gia Hội NVNTP đến nay đã hơn 60 năm, ông Huỳnh Hữu Nghiệp đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và Bộ ngoại giao Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp ngoại giao. Khi tuổi đã cao, sức đã yếu, ông luôn tự hào vì tình yêu dành cho đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc đã được thể hiện hết mình trong hoạt động của Hội NVNTP từ những ngày đầu tiên, khi còn là phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp, từ năm 1952, khi mới đặt chân đến nước Pháp học tập.
Trích sách “Một thế kỷ – Một con đường 1919-2019″ do HNVNTP xuất bản
Vĩnh biệt người Anh thân thương
Sáng hôm nay, thứ sáu, tôi đang đọc các báo mạng để xem có tin tức nào liên quan đến trong nước đáng chú ý nhằm đưa lên site của Hội, thì được anh Nguyễn Văn Bổn báo tin là anh Nghiệp đã mất sáng hôm qua. Ôi, thật bàng hoàng. Từ nhiều năm nay, tôi đã từng chứng kiến sự ra đi của những người anh, người chị, thậm chí của nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, những người đã từng cùng nhau hoạt động trong phong trào từ những năm đất nước còn bị chia đôi. Tự đáy lòng, tôi biết đây là qui luật chung đối với mỗi con người, trước sau rồi ông trời cũng gọi ta về. Nhưng, tôi không thể ngờ được rằng nay lại đến lượt Anh. Tôi cứ ngỡ rằng chỉ mới đây thôi, mình đã gặp Anh, mạnh khỏe, minh mẫn, nhưng suy nghĩ lại, mới nhận ra rằng đó là vào dịp Hội đón nhận tấm Huân chương Độc lập lần thứ nhì, hôm đó, hai anh em đã từng chụp chung tấm hình kỷ niệm cùng với anh Ngô Kim Hùng. Thế mà đã 4 năm rồi. Cuộc đời xoay vần, thấm thoát trôi nhanh. Sau đó, qua nhiều sự kiện lớn của Hội, đặc biệt nhân ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Hội, không thấy anh, tôi có hỏi và được biết anh đang nghỉ dưỡng ở miền Nam nước Pháp, bên gia đình con trai của anh.
Anh Nghiệp ơi, anh còn nhớ chăng những ngày tháng u uất của năm 1991 xa xôi đó, khi Hội ta bị rạn nứt bởi biến cố Đông Âu, phần lớn ban biên tập báo Đoàn Kết đã tự ý rời khỏi Hội. Tờ Đoàn Kết, từ khi ra đời, trải qua nhiều thế hệ, đã có lập trường bảo vệ đất nước. Đó là lý tưởng, nguyện vọng của hầu hết anh chị em hội viên. Và đó, cho đến ngày hôm nay, cũng đã chứng minh là chính nghĩa. Và lúc ấy, Anh đã đứng ra chịu xào, gánh vác tờ báo. Vào thời điểm đó, báo Đoàn Kết chỉ còn có vài người, tôi còn nhớ có anh Lục Lang, chị Trinh và anh Ngô Thuần Phương. Anh đã lặn lội đi tìm thêm cộng tác viên, hơn thế nữa, trong những cơ hội về nước, Anh đã kiếm ra được những người đồng ý viết bài cho báo. Từ đó mới có những Lá thư từ Hà Nội, Lá thư từ Thành phố Hồ Chí Minh… Anh còn có sáng kiến cho in báo ở trong nước, để giảm chi phí cho Hội so với phải in tại Pháp. Và như vậy, cứ hai tháng một lần, hai anh em đã lên Roissy trong chiếc xe Renault Twingo nhỏ của anh, để nhận báo rồi đưa về Hội quán Petit Musc và cùng chị Ngọc Lan đóng vào bao thư từng số theo danh sách người mua báo dài hạn và dán tem để gửi đi bưu điện. Số lượng báo lúc ấy cũng trên dưới 1000 tờ. Phải mất mấy ngày mới xong công việc này. Và như vậy, ròng rã suốt 9 năm trời, cho đến năm 2000, anh mới bàn giao lại tờ báo cho Ban chấp hành mới.
Đối với tôi, là một người em trong Hội, Anh là một trong những người anh đi trước, có nhiều đóng góp cho phong trào, cho đất nước. Anh là Chủ tịch đầu tiên của hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp năm 1965. Anh chuyên về đối ngoại và là thành viên chính thức của đoàn Mặt trận, sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời trong suốt 5 năm Hội nghị Paris (từ 1968 đến 1973). Anh cũng đã từng là chuyên gia tư vấn bên cạnh Đại sứ Việt Nam tại Pháp.
Anh là người điềm tĩnh, ít nói. Trong mỗi kỳ Đại hội, Anh thường chủ tọa các phiên họp toàn thể, biết hướng dẫn buổi họp và có những phát biểu xác đáng, súc tích. Tôi được biết, Anh rất được nể trọng, trong Hội cũng như ngoài Hội, kể cả trong phe “đối lập”, có lẽ cũng và không chỉ vì những đức tính này.
Hôm nay, được tin Anh ra đi, tôi không khỏi bùi ngùi, thổn thức, như vừa mất đi một người thân trong gia đình. Mà thật vậy, Hội là gia đình lớn của tôi và Anh là người anh cả, hơn thế nữa, là người con ưu tú của đại gia đình Hội người Việt Nam tại Pháp.
Phạm Nguyên Thy – Paris 14-04-2023