Việt Nam ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 44,1°C
Các nhà khoa học cho biết Việt Nam đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 44,1 độ C vào thứ Bảy 06/05/2023 tại một trạm thời tiết ở phía bắc đất nước, một hiện tượng
Các nhà khoa học cho biết Việt Nam đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 44,1 độ C vào thứ Bảy 06/05/2023 tại một trạm thời tiết ở phía bắc đất nước, một hiện tượng cực đoan nhưng có thể sẽ xảy ra lần nữa.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nhiệt độ này được đo tại một trạm ở tỉnh Thanh Hóa. Con số này vượt qua kỷ lục quốc gia trước đó là 43,4 độ C được ghi nhận vào ngày 20/4/2019 tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
“Đây là một kỷ lục đáng lo ngại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên,” chuyên gia khoa học khí hậu Nguyễn Ngọc Huy nói với AFP.
“Tôi nghĩ rằng kỷ lục này sẽ còn bị phá vỡ nhiều lần nữa,” ông nói thêm. “Nó xác nhận rằng các mô hình khí hậu khắc nghiệt hóa ra là chính xác.”
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu làm trầm trọng thêm các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Nông dân Nguyễn Thị Lan nói với AFP rằng nhiệt độ ở TP Đà Nẵng ngày càng nóng buộc những người làm nông phải bắt đầu làm việc ngày mới sớm hơn.
“Chúng tôi phải hoàn thành trước 10 giờ sáng để tránh nóng,” cô nói.
Khí hậu Việt Nam phân hóa từ Bắc vào Nam nhưng cả nước hiện đang bước vào những tháng nóng nhất.
– Cái nóng tột độ –
Trên khắp đất nước, các chuyên gia thời tiết và chính quyền đã khuyến cáo người dân nên ở trong nhà vào những giờ nóng nhất trong ngày.
Thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ “đối phó hiệu quả với nắng nóng, hạn hán và thiếu nước có thể xảy ra”.
Chính quyền cũng yêu cầu công ty cấp nước của thành phố đảm bảo cung cấp đủ nước cho sinh hoạt.
Đến trưa thứ Bảy, khu trung tâm Hà Nội gần như vắng tanh, nhiều người trú trong nhà tránh nắng.
Nắng nóng đã tác động lớn đến sức khoẻ của nhiều người. Tại các bệnh viện TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ người cao tuổi, trẻ em đến thăm khám, nhập viện điều trị tăng đột biến. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch, tiêu hóa và hô hấp gia tăng.
Các nước láng giềng cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục.
Cơ quan khí tượng Thái Lan báo cáo nhiệt độ cao kỷ lục 44,6°C ở tỉnh Tak phía tây. Tại Miến Điện, truyền thông đưa tin một thành phố ở phía đông nước này ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 43,8°C.
Xa hơn về phía tây, Dhaka, thủ đô của Bangladesh, nơi từ lâu đã chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất kể từ những năm 1960.
Tại Ấn Độ, các cơ quan khí tượng cho biết nhiều vùng của đất nước đang trải qua nhiệt độ cao hơn bình thường từ 3 đến 4 độ.
Một báo cáo gần đây của các chuyên gia khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) đã chỉ ra rằng mỗi sự gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm gia tăng các rủi ro tự nhiên lớn (sóng nhiệt, lượng mưa lớn, hạn hán, v.v.).