Miền Bắc đang thiếu điện trầm trọng
Miền Bắc chủ yếu phụ thuộc vào thủy điện và nhiệt điện. Nhưng năm nay thủy điện - chiếm khoảng 43% - sụt giảm 5.000 MW sản lượng do các hồ lớn trên bậc thang
Miền Bắc chủ yếu phụ thuộc vào thủy điện và nhiệt điện. Nhưng năm nay thủy điện – chiếm khoảng 43% – sụt giảm 5.000 MW sản lượng do các hồ lớn trên bậc thang sông Đà cạn nước, một số thậm chí trơ đáy. Nhiệt điện – chiếm hơn 48% cũng gặp sự cố vì vận hành liên tục từ cuối năm 2022, không có thời gian bảo dưỡng.
Dù có thêm các nguồn tiền miền Nam, miền Trung chuyển ra, tình hình vẫn căng thẳng, ít nhất đến tháng 7 – thời điểm có lũ thượng nguồn sông Đà. Tháng 8 có thể được giải tỏa khi miền Bắc qua giai đoạn mùa khô.
Thuỷ điện
Hồ thủy điện Lai Châu – hồ ở bậc thang trên cùng của dòng sông Đà, và một số hồ như Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết – ngưỡng có thể phát. Hiện chỉ hồ Hòa Bình còn nước để cấp điện tới ngày 12-13/6.
Ngày 10/06, hai thủy điện lớn Sơn La và Lai Châu có thể vận hành phát trở lại ở mức tối thiểu, khi nước trong hồ cao hơn mực nước chết 0,96 m / 4,1 m.
Hơn 200 nhà máy thủy điện nhỏ ở miền Bắc cũng được cho chạy vào cao điểm tối (17-20h và 20-22h), huy động khoảng 1.000 MW.
Nhiệt điện
Thông thường, nhà máy nhiệt điện vận hành khoảng 6.000 giờ một năm, cần có khoảng nghỉ để bảo dưỡng, sửa chữa, nhưng vừa qua được huy động cao, không nghỉ và thời gian hỏng kéo dài, ảnh hưởng cung ứng điện.
3 tổ máy của các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Vũng Áng 1 và Cẩm Phả dự kiến khắc phục xong sự cố trong tháng 7 hoặc 8.
Ngày 10/06, các tổ máy của các nhà máy Quảng Ninh, Thái Bình 2 đủ điều kiện vận hành trở lại. Riêng tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 dự kiến vận hành lại ngày 13/6. Như vậy, miền Bắc có thêm khoảng 1.000 MW công suất nguồn điện.
Nhập khẩu
Điện nhập từ Lào và Trung Quốc, mặc dù chỉ cung cấp khoảng 1,3% trong tổng nguồn cung cả nước, và 2,7% điện cho miền Bắc nhưng hiện hai nước này cũng đối diện tình trạng hạn hán nên lượng bán cho Việt Nam rất ít, không đáng kể, bình quân khoảng 10-11 triệu kWh một ngày.
Tiếp viện từ miền Nam, miền Trung qua đường dây 500 kV
Để có thêm điện cho miền Bắc trong giai đoạn căng thẳng này, một lượng không nhỏ được “trung chuyển” từ miền Nam, miền Trung ra qua đường dây siêu cao áp 500 kV.
Giai đoạn 26/5-8/6, bình quân mỗi ngày lượng điện truyền tải ra Bắc qua đường dây 500 kV là 48,7 triệu kWh, gấp 12 lần cùng kỳ năm ngoái.
Công suất truyền tải vận hành an toàn trên đường dây này ở mức 2.100-2.200 MW, nhưng hiện đã tăng lên 2.500-2.700 MW. Đây là khó khăn trong điều phối, vận hành an toàn đường dây. Vì thế, một loạt hệ thống tự động giám sát vận hành đã được đưa vào để kịp thời theo dõi, giữ ổn định.
Tình hình thiếu điện sẽ còn căng
Trong khi đó, miền Bắc dù bớt nắng nóng nhưng vẫn được dự báo sẽ đối mặt thời tiết khắc nghiệt, hạn hán sắp tới.
Từ đầu tháng 6 tới nay, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4.
Riêng Hà Nội, điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 8/6, mức tiêu thụ bình quân đạt hơn 85,6 triệu kWh.