Dệt may Việt Nam đứng trước khó khăn
Trước bối cảnh năm 2023, tăng trưởng của thế giới thấp hơn năm 2022, sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu tiếp tục suy giảm, các yếu tố bất lợi của
Trước bối cảnh năm 2023, tăng trưởng của thế giới thấp hơn năm 2022, sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu tiếp tục suy giảm, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, dệt may Việt Nam đã trải qua 5 tháng đầu năm chật vật với kim ngạch xuất khẩu giảm gần 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, xuất khẩu dệt may 5 tháng đạt 12,32 tỷ USD, giảm 17,8%, xơ sợi 1,73 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là do đồng tiền Việt Nam đắt hơn 20% so với các quốc gia cạnh tranh, đồng thời lãi suất ở Việt Nam ở mức 9 – 11% trong khi các quốc gia khác duy trì ở mức 3,5 – 7%. Cùng với đó, giá điện của Việt Nam đã tăng 3% kể từ ngày 4/5/2023 cũng đã kéo theo nhiều áp lực lên đối với các doanh nghiệp dệt may.
Với những điều kiện trên nếu như các doanh nghiệp duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh thì sẽ lỗ ít nhất 15%. Bài toán này đặt ra nhiều thách thức, bởi các doanh nghiệp dệt may trong nước đang mất đi rất nhiều lợi thế trước các đối thủ để có thể duy trì khách hàng, đơn hàng.
Dệt may Việt Nam còn đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc mở cửa. Với chính sách thúc đẩy hoạt động sản xuất sau đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp dệt may của quốc gia này có quy mô sản xuất lớn nhất thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh với quốc gia này.
Ngoài các yếu tố trên, chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người/tháng. Cụ thể, tiền lương tại Bangladesh ở mức 95 USD/người/tháng hay Campuchia 190 USD/người/tháng, Ấn Độ 145 USD/người/tháng. Đây cũng là gánh nặng đè lên các doanh nghiệp Việt Nam.
Với tình hình thị trường như hiện tại, hầu hết các DN lớn trong ngành như : Việt Tiến, Phong Phú, Việt Thắng… đều giảm mục tiêu kinh doanh kém xa so với năm trước. Với không ít doanh nghiệp FDI, tình hình cũng không ngoại lệ. Ví dụ điển hình là công ty Pou Yuen đã sa thải hơn 7000 công nhân từ đầu năm đến nay.