Home / Trang chủ  / Tin tức  / Trà Shan tuyết Việt Nam: Định nghĩa – Đặc điểm – Tình hình thực tế – Bản đồ.

Trà Shan tuyết Việt Nam: Định nghĩa – Đặc điểm – Tình hình thực tế – Bản đồ.

Năm 2019, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng một gói trà Shan tuyết cổ thụ cho thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia nhân chuyến thăm chính thức của Malaysia sang Việt Nam. Món quà

Năm 2019, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng một gói trà Shan tuyết cổ thụ cho thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia nhân chuyến thăm chính thức của Malaysia sang Việt Nam. Món quà ngoại giao này, có nguồn gốc từ huyện Na Hang – tỉnh Tuyên Quang, đã khẳng định trà Shan tuyết là đại diện cho 1 trong những đặc sản của Việt Nam.

Từ lâu nay, những ai yêu trà Việt và trong giới trà (nhà sản xuất, nhà phân phối, cửa hàng) đều biết và tự hào về nguồn trà Shan tuyết của Việt Nam. Quá trình đó đã đưa đến nhiều tín hiệu tích cực, nhiều hệ thống phân phối trà quốc tế bắt đầu bán trà Shan cho người dân châu Âu và nhận được những phản hồi tích cực. Và giá cả trà Shan, đặc biệt là bạch trà, hiện thuộc loại đắt đỏ nhất Việt Nam, giá trung bình phải tính đến đơn vị triệu cho vài trăm gramme trà.

Tuy vậy, đối với những người “ngoại đạo” với trà, hoặc vừa tiếp cận không lâu với nguồn trà Việt, thì tên gọi “Trà Shan tuyết” vẫn không liên kết với thông tin nào cụ thể, vẫn ít nhiều bỡ ngỡ trước rất nhiều thông tin giới thiệu lẫn quảng cáo hiện nay, nhất là về các giá cả thuộc vào loại đắt đỏ nhất của trà Shan tuyết trên thị trường Việt.

Một phần giá cả và sự ưa chuộng trà Shan cũng đến từ thông tin rằng trà Shan là trà sạch tự nhiên do mọc hoang dã trong thiên nhiên. Hẳn nhiều người còn chưa quên, chỉ cách đây hơn 5 năm, hàng chục container trà xuất khẩu của Việt Nam đã bị trả lại từ một số nước châu Âu và Đài Loan. Lý do của việc trà bị trả về, theo thông báo, là do có dư lượng 2 hoạt chất thuốc BVTV Acetamiprid và Imidacloprid vượt mức cho phép của các nước châu Âu, trong khi tại Việt Nam, hai hợp chất này vẫn trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây trà. Thực tế, không chỉ 2 hoạt chất trên, mà còn những hoạt chất khác như: Fipronil, Acetamiprip, Imidacloprid, Carbendazim, Cypermethrin, và Buprofezin, tuy được sử dụng ở Việt Nam nhưng bị nghiêm cấm tại châu Âu và Đài Loan. Việc trà Việt bị trả về không phải lần đầu, cũng không phải là sự việc mới; không chỉ trà nói riêng, mà còn các sản phẩm nông nghiệp-thủy sản Việt đều có khi không vượt được ngưỡng kiểm định của quốc tế, từ đó, ta đặt ra câu hỏi về chất lượng trà Việt, đó là nỗi trăn trở không chỉ của riêng ai.

Trong bối cảnh đó, trà Shan được giới thiệu là loại trà sạch tự nhiên, đã thu hút được sự quan tâm của người yêu trà trong lẫn ngoài nước, hơn nữa lại là trà “made in Vietnam” mang sự đặc biệt về cả nguồn gốc, lịch sử, lẫn hương vị.

Để hiểu hơn về trà Shan tuyết, còn được gọi là “vua của các loại trà” nói chung, bài viết sơ lược này sẽ đi theo 3 câu hỏi sau:

– Trà Shan tuyết là gì?

– Đặc điểm của trà Shan tuyết là gì?

– Các vùng trà Shan ở Việt Nam: Tình hình – Vấn đề – Thành phẩm?


1. TRÀ SHAN TUYẾT LÀ GÌ?

Loại cây mà chúng ta thường gọi chung chung là trà, có tên khoa học là Camellia sinesis (sin là cách phát âm cho từ Chine hay China). Gia đình cây trà Camellia sinesis này khá đông đúc các thành viên, gồm các giống trà khác nhau biến đổi tùy theo từng vùng địa lý và khí hậu, cứ thế thêm tên các phân nhánh vào tên chung. Ví như cây trà lá nhỏ ở Trung Hoa được gọi là giống trà Camellia sinensis var. sinensis, còn cây trà lá to ở Ấn Độ là giống trà Camellia sinensis var. assamica vì được phát hiện lần đầu ở vùng Assam, Ấn.

Ở Việt Nam, vào đầu thế kỷ 20, trong một bài viết của kỹ sư nông nghiệp Jean Gobeaux đăng trên Báo chuyên ngành nông nghiệp và thực vật, đã cho biết rằng: Trà Việt Nam lúc bấy giờ, nếu theo phân loại của kỹ sư Pasquier thì có 3 nhóm chính là: nhóm trà Moyen-Tonkin, nhóm trà Macrophylla (sau này gọi là trà giống Trung du), và nhóm trà Shan; còn nếu theo phân loại của Tiến sĩ Cohan Duart thì Việt Nam có 4 giống trà chính gồm: Assamica, Shan, Macrophylla (Trung Du), và Bohéa (Kỳ Môn). Trong bất kỳ phân loại nào, nổi bật hơn cả vẫn là giống trà Shan.

Như vậy, Shan là tên riêng của một giống trà, có lẽ được lấy từ tên bản Xang ở Hà Giang là nơi thực hiện việc thực địa lúc bấy giờ. Shan được đặt tên khoa học là Camellia sinensis var. ShanGiống trà này thuộc thân gỗ, cao từ 6 đến 10 mét, lá to với đầu lá dài, răng cưa nhỏ và dày, búp lá có nhiều lông tơ trắng mịn. Phẩm chất trà cao hơn các giống trà khác về lượng tanin, chất hòa tan,… Hàm lượng polyphenol (chống oxy hóa) trong trà xanh từ giống Shan ở vùng Tà Xùa cao hơn hẳn hàm lượng được báo cáo trên thế giới, cụ thể là gấp đôi trà xanh Nhật và gần gấp ba trà đen Sri Lanka.

Điểm đặc biệt đáng kể liên quan nguồn gốc giống trà Shan, là: Nếu như ở Trung Quốc, nơi vẫn được xem là xứ sở của danh trà, nhưng người ta cho đến nay vẫn chỉ biết những vùng trà do con người trồng từ bao đời, chưa tìm ra được dấu tích của trà hoang; thì ở Việt Nam, người ta lại tìm ra được những rừng trà cổ mọc hoang dã trong thiên nhiên, và đó chính là trà Shan.  

Trên thế giới hiện nay, vùng sinh sống của trà Shan khá hạn chế trên thế giới, chỉ rải rác ở 4 nơi sau đây:

– Vân Nam, Trung Quốc (trà Shan tuyết Vân Nam còn được gọi là trà Đại Lý, mang tên nước từng tồn tại vào thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 12, trước khi thuộc về lãnh thổ Trung Quốc hiện nay),

– vài nơi ở Thái Lan,

– miền bắc Miến Điện,

– và miền Bắc của Việt Nam. 

Ở Việt Nam, những rừng cây Shan tuyết đã có từ lâu đời, đến nỗi chưa ai xác định được niên đại khởi sinh của nó. Từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 1950, các nhà khoa học, thực vật học quốc tế đã nghiên cứu về trà ở Việt Nam. Vào năm 1976, Djemukhatze, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, sau những nghiên cứu về sự tiến hóa của cây trà mọc hoang dại ở Tứ Xuyên, Vân Nam (Trung Quốc), Ấn Độ, ở Việt Nam (cụ thể là Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Lạng Sơn,…) đã đưa ra kết luận rằng: “… cây chè cổ Việt Nam, tổng hợp các catechin đơn giản nhiều hơn cây chè Vân Nam, ở cây chè Vân Nam chất catechin phức tạp nhiều hơn ở cây chè Việt Nam, như vậy là một loại hình tiến hóa sau cây chè Việt Nam”, từ đó ông đề xuất sơ đồ tiến hóa cây trà từng bước như sau: Camellia – Chè Việt Nam – Chè Vân Nam lá to – Chè Trung Quốc – Chè Assam Ấn Độ.

Dù thế nào, qua những nghiên cứu và kết luận của giới khoa học quốc tế từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, ta đã xác định được ít nhất hai thông tin quan trọng sau:

– giống trà Shan thuộc về giống trà thủy tổ mọc trong thiên nhiên,

– Những rừng trà Shan cổ thụ hiện nay ở miền Bắc Việt Nam chính là loại cây bản địa đã sinh sống và tồn tại từ hàng nghìn năm, không phải du nhập giống từ nơi khác đến.

Cùng với trà Trung du, thì trà Shan là loại trà bản địa của Việt Nam, khác biệt với cây trà ở Trung Quốc, Ấn Độ,…


2. ĐẶC ĐIỂM CỦA TRÀ SHAN TUYẾT LÀ GÌ?

So với lá của cây trà thông thường, thì lá và búp trà Shan to hơn, gần như kích thước của lá trà ở xứ nhiệt đới Ấn Độ. Cái tên “Shan tuyết” xuất phát từ những búp và lá trà được phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng như tuyết; ta có thể gọi ngắn gọn là trà Shan.

Lá của cây Shan cũng làm ra được bạch trà, lục trà, hồng trà như cây trà thường, và cho ra hương vị độc đáo riêng. Mỗi vùng trà Shan lại cho ra một màu nước riêng rất thú vị và độc đáo (có thể đọc thêm trong quyển “Ngang dọc đường trà” của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng).

2 loại lục trà làm từ trà Shan tuyết của 2 vùng trà khác nhau là Lũng Phìn (Hà Giang) và Tà Sùa (Sơn La), cho ra 2 ấm trà khác nhau về màu sắc-hương-vị.

Một loại trà từ cây Shan nổi tiếng nhất trong lịch sử là trà phổ nhĩ – đặc sản truyền thống trứ danh của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với thời kỳ thịnh vượng nhất là dưới đời Minh-Thanh.

Tuổi thọ của trà Shan tuyết rất cao, nên có những cách gọi tùy theo nhóm tuổi của cây như sau:

– Cây Shan mới được trồng, ít tuổi, được gọi là Thai Địa Trà.

– Cây Shan đã hàng chục năm tuổi, nhưng dưới một trăm năm, được gọi là Shan Đại thụ.

– Cây trà Shan hàng trăm năm tuổi được gọi là Shan Cổ thụ.

Trà Shan cổ thụ là loại được săn tìm và ưa chuộng hơn cả. Chúng cũng giống như ẩn sĩ, chỉ mọc ở những dãy núi cao nơi mây phủ quanh năm, tương đương từ 1.000 mét trở lên. Chúng sống đời thanh bạch, trên thì hấp thụ sương mù, dưới thì đâm rễ thật sâu vào đá núi hút lấy dưỡng chất nhiều khoáng chất. Những thân cây to vững chãi trước những áp lực ngoại cảnh, nội khí mạnh mẽ nuôi dưỡng cây hàng trăm năm; vì vậy, những lá trà của Shan tuyết cổ thụ vẫn luôn được xem là tinh túy của trời đất, vừa tinh khiết vừa mạnh mẽ, rất tốt để nạp vào cơ thể.

Ngay lá trà Shan cổ thụ cũng được phân ra thành hai nhóm dựa theo kích thước để làm tiêu chuẩn, đặc biệt đối với trà Phổ Nhĩ. Trà Phổ Nhĩ làm từ lá trà Shan to hái từ cây chỉ có một thân cây chính, được gọi là Đại Diệp trà; còn làm từ lá trà Shan nhỏ, của cây cổ thụ gồm nhiều thân nhỏ vươn lên từ cùng một gốc, được gọi là Phổ Nhĩ Kim.  

Trà Shan được thu hoach từ 3 đến 4 vụ trong năm: vụ đầu vào cuối tháng 3 – đầu tháng 4 (thời điểm này, trà đạt chất lượng cao nhất), vụ hai vào tháng 5-tháng 6 (đạt năng suất cao nhất năm), vụ ba vào tháng 8, và vụ bốn vào tháng 10 – tháng 11.

Trà làm từ Shan tuyết cổ thụ, nhất là bạch trà, với những tính chất riêng tinh túy của nó, luôn có giá đắt đỏ nhất trên thị trường, nên số lượng cây Shan ngày càng hiếm trong thiên nhiên hoang dã.

Những rừng cây Shan cổ thụ đang đứng trước sự nguy hiểm do sự khai thác quá mức của con người với những phương pháp hái như leo lên cành, chặt phá,… chưa kể tình trạng ngày càng xấu của hệ sinh thái thiên nhiên (đất, nước, môi trường, không khí). Với tốc độ phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch,… như hiện nay, thì các vấn đề môi trường đã xuất hiện, và nếu không có những giải pháp hiệu quả, có lẽ chỉ trong một hoặc vài thập niên tới, các cây Shan cổ thụ nói riêng, các vùng trà ở Việt Nam nói chung đều sẽ bị đưa vào tình thế khó khăn để cho ra nguồn thành phẩm trà sạch, ổn định, có chất lượng.

Do đó, từ những năm qua, việc cải tạo hệ sinh thái theo hướng hữu cơ, việc nhân giống trà Shan đang được thực hiện với tầm quan trọng và ưu tiên lớn, bởi vì đó mới chính là hướng giải pháp thiết thực cho tương lai bảo tồn các rừng trà Shan – giống cây bản địa Việt Nam.


3. CÁC VÙNG TRÀ SHAN Ở VIỆT NAM: TÌNH HÌNH – VẤN ĐỀ – THÀNH PHẨM?

Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, đến năm 2020, tổng diện tích trồng trà ở Việt Nam là khoảng 130 nghìn ha, trong đó 24% là diện tích các vùng trà Shan, số liệu này cho thấy vùng trà Shan khá nhiều khi chiếm ¼ tổng diện tích so với các giống trà khác (Việt Nam giờ đã có hơn 170 giống trà).

Hiện tại, Việt Nam có các vùng trà Shan hoang dã và các vùng Shan được con người nhân giống trồng mở rộng. Trên thực tế, vùng rừng trà Shan hiện nay ở Việt Nam có diện tích tổng cộng là khoảng 16.000 ha, bao gồm cả hai loại là loại trà Shan cổ hàng trăm năm, và loại trà Shan mới được trồng trong khoảng 50 năm gần đây. Tiêu biểu một số nơi với vài vấn đề, thông tin như sau:

– Vùng cây trà Shan cổ thụ nổi tiếng là: Suối Giàng (Yên Bái), Vị Xuyên (Hà Giang), Tà Xùa / Tà Sùa (Sơn La), Tủa Chùa (Lai Châu). Một số nơi đã được Viện Nghiên cứu Chè đến đánh số cây để lập chương trình bảo tồn, và vẫn do các hộ dân chăm sóc, khai thác.

Nổi bật trong đó là rừng trà Shan ở Suối Giàng (Yên Bái) với diện tích khá lớn là 293 ha trà cổ thụ, nơi đây cũng có tục cúng cây chè tổ của người H’Mông. Còn những cây trà cổ thụ lâu đời nhất lại ở xã Nậm Ty thuộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Cho đến nay, tỉnh Hà Giang là nơi có diện tích trà Shan lớn nhất nước với 11.000 ha, trong đó huyện Hoàng Su Phì là nơi rất đặc biệt với diện tích lớn nhất là khoảng 4.000 ha và xấp xỉ 10.000 cây Shan có tuổi từ 100 năm trở lên.   

Một số vùng trà Shan rừng nhỏ như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) , Bằng Phúc (Bắc Cạn), Kỳ Sơn (Nghệ An),… tuy nhiên cho ra sản lượng trà rất nhỏ, và đang phải đối mặt với vấn đề rất lớn là trà bị dư lượng nhiều, chủ yếu từ thuốc trừ cỏ do người dùng quanh vùng.

– Vùng cây trà Shan được nhân giống có hệ thống, hoặc được người dân trồng ở các địa phương như tại: Mộc Châu (Điện Biên), Tam Đường (Lào Cai), Than Uyên-Trần Phú (Yên Bái), Hà Giang, Sơn La,… Sản lượng trà Shan ở những nơi này ổn định hơn, nhiều nơi đã cải tạo cách thức trồng và khai thác theo hướng hữu cơ từ khoảng một thập niên cho đến nay, và mời chuyên gia quốc tế về thẩm định, chứng nhận.

VẤN ĐỀ:

Nếu cây trà Shan được biết đến là trà sạch tự nhiên, bởi chỉ mọc ở những vùng núi cao xa lánh đô thị và những khu công nghiệp, thì những vấn đề hiện tại của trà Shan cũng xoay quanh khái niệm “sạch” ấy: Nguồn đất – Nguồn nước – Nguồn không khí trước sự biến đổi khí hậu và phát triển công nghiệp, đô thị sẽ mãi sạch được không?

Bên cạnh vấn đề trà bị dư lượng do các loại thuốc gây ô nhiễm môi trường, thì sản lượng thành phẩm và chất lượng trà Shan ở đầu ra cũng đối diện với nhiều bài toán. Nếu như tổng sản lượng trà khô từ tất cả các vùng trà Shan vào khoảng 4.000-5.000 tấn, thì chỉ khoảng 15% trong số đó có khả năng được chứng nhận hữu cơ, nghĩa là tương đương 600 tấn trà khô/năm. Như vậy, rất ít trà Shan đạt chuẩn hữu cơ châu Âu (đất sạch, nước sạch, môi trường không ô nhiễm) để được xuất đi, đẩy mạnh danh tiếng trà và kinh tế cho Việt Nam. Số trà Shan còn lại, nghĩa là hơn 80%, được bán ở thị trường nội địa hoặc bán giá rẻ để xuất đi các nước gần.

Trong 600 tấn trà khô/năm có thể được chứng nhận hữu cơ quốc tế, thì 400 tấn đã thuộc về nhóm VOSTEA – Liên minh các nhà sản xuất trà hữu cơ Việt Nam – với nguồn trà chủ yếu từ các vùng trà lớn vẫn còn khả năng cải tạo hệ sinh thái theo hướng hữu cơ đúng chuẩn, như Bắc Hà, Trạm Tấu, Sùng Đô, Sinh Long, Cụm liên minh Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hà Giang,… Đối với những vùng trà nhỏ hoặc siêu nhỏ nhưng có trà Shan đặc biệt như Tủa Chùa, Tà Xùa, Pulateng, thì VOSTEA cũng đang kết hợp với vài đơn vị chế biến trong nỗ lực cải thiện các nguồn môi trường tương ứng. Ngoài trà Shan, VOSTEA cũng đang tập trung cho nguồn trà Ô long/ Bát Tiên.

Ngoài vấn đề sạch từ môi trường thì trà Shan còn đối diện câu hỏi về sản lượng và phát triển kỹ thuật trà. Trước đây, việc khai thác cây trà Shan thường gắn với tập tục của đồng bào các dân tộc vùng cao, đó là dạng khai thác tự nhiên, không đầu tư thâm canh. Vì vậy, sản lượng không cao, và phương thức xử lý không đồng đều về chất lượng môi trường lẫn chất lượng thành phẩm. Trong khi nguồn cây trà và kỹ thuật làm trà của Việt Nam cũng được xem là lâu đời và có đặc điểm riêng, thì vấn đề chính vẫn nằm ở thói quen tư duy, đầu tư kỹ thuật, và những khó khăn trong việc cải thiện hệ sinh thái. Khi hầu hết các vùng trà Shan do bà con các dân tộc chăm sóc và hái lá, cung cấp nguồn trà cho các nơi; thì việc nâng cao chất lượng và thu nhập cho bà con để duy trì cũng như phát triển nguồn trà Shan là hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với việc giữ gìn môi trường thiên nhiên trong lành giữa những biến động về kinh tế lẫn biến đổi môi trường toàn cầu.


Cho đến giờ, trà Việt Nam xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ chủ yếu là trà vụn (PS, BPS,  Broken, Fanning, Dust) để cho vào túi lọc mà ít dạng trà nguyên lá dạng ngon. Thực tế này rất đáng tiếc cho nguồn trà Việt Nam, nhất là khi ta có trà Shan như một giống trà bản địa độc đáo và danh trà thơm ngon gắn với miền Bắc Việt Nam!

Theo Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại – VIOIT, một trong những mục tiêu của ngành chè Việt Nam là phát triển an toàn, bền vững, ổn định diện tích trồng chè của Việt Nam khoảng 130-140 nghìn ha; “đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%; Nâng tỷ lệ chè chất lượng cao (chè xanh, chè Ô long…) lên 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030”.

Như vậy, trà Shan trong cuộc vận hành chung của ngành trà, thì hướng đến những chứng nhận an toàn và chất lượng cao không chỉ của hệ thống kiểm định Việt Nam mà còn của quốc tế, sẽ là một hướng đi mang tính chiến lược để tìm đầu ra cho trà Việt Nam nói chung, trà Shan nói riêng. Mà quan trọng nhất, có lẽ đầu tiên hết là phải bắt nguồn từ sự hiểu biết và yêu mến của người dân trong nước đối với trà Shan bản địa.

Nguyễn Thanh Hằng

Nguồn tham khảo:

– Khoa học Văn hóa Trà Việt Nam và thế giới, PGS. Đỗ Ngọc Quỹ – TS. Đỗ Thị Ngọc Oanh, NXB Nông nghiệp, 2008.

– Giáo trình cây chè, TS. Lê Tất Khương (chủ biên) – Hoàng Văn Chung – Đỗ Ngọc Oanh,  NXB Nông Nghiệp,1999.

– Observation sur la culture du Théier en Indochine, M. J. Goubeaux, Journal d’agriculture traditionnelle et de botanique appliquée, 1934.

– Ngang dọc đường trà, Đỗ Quang Tuấn Hoàng, NXB Dân Trí, 2019.

– Cây trà Shan rừng Việt Nam, Nguyễn Quốc Vọng, NXB Đà Nẵng, 2021.

– Báo cáo về hiện trạng chè Shan tại 5 tỉnh ở Việt Nam, Agrifood Consulting International, 2018.

– Tin Thủ tướng tặng trà: https://vtv.vn/trong-nuoc/thu-tuong-malaysia-ket-thuc-chuyen-tham-chinh-thuc-viet-nam-2019082819121564.htm

– Trang web Bộ Công Thương Việt Nam: https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/nganh-che-viet-nam–thuc-trang-va-giai-phap-4420.4050.html

– Trang web Báo Nông nghiệp Việt Nam: https://nongnghiep.vn/che-viet-nam-xk-bi-tra-lai-da-ngheo-con-neo-d141983.html

– Trang web Thanh tra Việt Nam: https://thanhtravietnam.vn/van-de-trong-tuan/hang-dinh-doc-ben-tay-cam-cua-tra-ve-dan-xu-ta-an-an-toan-184554.html

– Trang web Vietnam Business: https://vnbusiness.vn/viet-nam/moi-lo-lon-khi-nong-san-thuc-pham-xuat-khau-bi-tra-ve-1086872.html

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content