Home / Trang chủ  / Tin tức  / Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam

Từ tháng 3-2024, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, dông lốc, mưa đá

Từ tháng 3-2024, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, dông lốc, mưa đá… liên tục xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tần suất xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu đang nhiều hơn. 

Biến đổi khí hậu đã hiện hữu trước mắt mỗi người Việt, diễn ra hàng ngày hàng giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất của nhiều gia đình, người dân, ảnh hưởng đến các vấn đề nông nghiệp, nguồn nước, môi trường và sinh thái hệ, kinh tế, xã hội.

Thiên tai dị thường xảy ra dồn dập

  • Mưa dông, lốc đã xảy ra tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Quảng Ninh gây thiệt hại rất nặng nề. Mưa đá, dông lốc khiến bé gái 5 tuổi ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) tử vong do sập nhà và hàng chục người bị thương ở Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng. Bên cạnh đó, trận dông lốc trên khu vực biển ở Quảng Ninh ngày 21/4 khiến tàu đánh cá của ngư dân bị chìm làm cho 4 người mất tích

  • Hai tỉnh miền Trung Ninh Thuận, Bình Thuận đang cao điểm hạn hán, nhiều hồ cạn trơ đáy, cá chết khô, người dân khó khăn trong cuộc sống và sản xuất nông nghiệp. 

  • Xâm nhập mặn tại khu vực Tây Nam Bộ trong những ngày tới. Theo đó, do nắng nóng vẫn gay gắt cộng thêm việc nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên xâm nhập mặn vẫn tiếp tục xảy ra ở Tây Nam Bộ. Từ đầu năm tới nay, trên toàn khu vực Nam Bộ nói chung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng rất ít mưa, nhiệt độ tăng, nắng nóng xuất hiện sớm và kéo dài, bốc hơi mạnh, khô hạn xảy ra trên diện rộng. Đồng thời, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông chảy về thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.Tình trạng này khiến cho nhiều tỉnh thành đang thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất. Ở Cà Mau, các sông kênh, rạch khô kiệt, kèm theo là hiện tượng sụt lún, sạt lở đất. Tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, vào sâu nội đồng.

Nhiệt độ tăng cao

Nắng nóng gay gắt trên 40 độ C xảy ra tại hàng loạt địa phương trong những ngày qua. Có thể kể đến ngày 14/4, nhiều nơi ở Bắc Bộ và Trung Bộ quan trắc được nhiệt độ cao nhất trên 40 độ C như : Sông Mã (Sơn La) 41 độ C, Mường Lay (Điện Biên) 40 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 40,3 độ C… Trong đó, Yên Châu (Sơn La) ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày là 42,2 độ C. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, thời kỳ từ 21/3-20/4, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn 2-3 độ C, có nơi cao hơn 3-4 độ C, các khu vực còn lại phổ biến cao hơn 1-2 độ C so với trung bình nhiều năm.

Trong các đợt nắng nóng xảy ra thời gian này, một số trạm khí tượng ghi nhận được nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử và thiết lập giá trị nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được.

Từ 1-20/4, nhiệt độ cao nhất ngày 3/4 ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) ghi nhận 40,5 độ C, vượt lịch sử 40,4 độ C vào năm 2016. Biên Hoà (Đồng Nai) ngày 9/4, nhiệt độ cao nhất ngày là 40 độ C, cao hơn 1 độ C so với giá trị lịch sử quan trắc được tháng 4/2020…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, năm 2024, mùa hè năm nay, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Trọng tâm nắng nóng ở Bắc Bộ rơi vào tháng 5, tháng 6, Trung Bộ nắng nóng có thể kéo dài sang tháng 7, tháng 8. Tại Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5/2024. 

Khô hạn ở Tây Nguyên và Nam Bộ dự báo kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5/2024. Trung Bộ, khô hạn khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 4-7/2024. Trong đó, khô hạn tại Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có thể còn duy trì đến tháng 8/2024.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content