Home / Trang chủ  / Tin tức  / Giải quyết các vấn đề phân định biên giới trên biển của Việt Nam

Giải quyết các vấn đề phân định biên giới trên biển của Việt Nam

Ngày nay, truyền thông và dư luận quan tâm nhiều về vấn đề biển Đông,  thật ra còn những vấn đề khác về chủ quyền biển mà Việt Nam đang và tiếp tục cố gắng

Ngày nay, truyền thông và dư luận quan tâm nhiều về vấn đề biển Đông,  thật ra còn những vấn đề khác về chủ quyền biển mà Việt Nam đang và tiếp tục cố gắng giải quyết.

Chủ quyền và biên giới quốc gia là một trong những vấn đề trọng yếu, là mối quan tâm hàng đầu của mọi dân tộc.
Các quốc gia ven biển nằm đối diện (giữa Việt Nam với Thái Lan, Philippines, Indonésie, Malaisie, Brunei) hay kế cận nhau (giữa Việt Nam với Trung Quốc và Campuchia), khi xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tùy theo khoảng cách bờ biển của các nước nằm đối diện hay kế cận nhau đã tạo ra các vùng lãnh hải chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và vùng thềm lục địa chồng lấn.


Việc phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia liên quan là một vấn đề hết sức quan trọng và thiêng liêng vì nó liên quan đến chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, đến lợi ích quốc gia. Việc phân định đòi hỏi phải áp dụng chặt chẽ pháp luật và thực tiễn quốc tế trong điều kiện và hoàn cảnh tự nhiên cụ thể, mỗi quốc gia vừa phải bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình ; đồng thời, phải tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng được pháp luật và thực tiễn quốc tế thừa nhận của các quốc gia láng giềng.


Theo quan điểm của Việt Nam, việc giải quyết tốt đẹp về phân định ranh giới biên giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia liên quan cần dựa trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và công bằng mà các bên đều chấp nhận được.

Kết quả đàm phán trong mấy chục năm qua giữa Việt Nam và các nước láng giềng đã giúp từng bước xác định rõ phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác và quản lý, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia láng giềng, giảm nguy cơ tranh chấp xung đột, giữ gìn hòa bình và ổn định trên vùng biển chung quanh của đất nước. 


Việc phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia liên quan còn có ý nghĩa quan trọng trong quản lý hoạt động khai thác hải sản trên biển, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ngư dân và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép. Và ngược lại, ngư dân các nước láng giềng cũng không được đánh bắt trái phép trên vùng biển của Việt Nam.

Do đó, ngoài việc phải đàm phán giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam còn phải giải quyết phân định ranh giới biển và vùng chồng lấn trên biển với nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaisie, Indonésie, Thái Lan, Campuchia.

Quan điểm của Việt Nam là giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo thông qua thương lượng hòa bình, tránh đối đầu vũ trang, bảo đảm quá trình hợp tác phát triển, ổn định và hòa bình ở khu vực.

Việt Nam đã có các cuộc đàm phán song phương, đa phương giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển, nhằm sớm ký các hiệp định phân định ranh giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan, đồng thời xây dựng các bản thỏa thuận thực hiện cam kết chung trên các vùng biển chồng lấn.


Phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Giữa Việt Nam và Trung Quốc tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Ngoài vấn đề chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn liên quan đến khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.

Trải qua nhiều vòng đàm phán, năm 2000 Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, theo đó, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích Vịnh và Trung Quốc được hưởng 46,77% diện tích Vịnh và Hiệp định hợp tác nghề cá trong khu vực vịnh Bắc Bộ.

Vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn trong vịnh Bắc Bộ được giải quyết một cách tốt, tình hình vịnh Bắc Bộ sau khi 2 hiệp định được ký kết đã ổn định hơn trước. Mặc dù mới đây, tháng 3/2024, Trung Quốc tuyên bố « một số đường cơ sở và điểm lãnh hải » của họ, trong đó vạch đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa).


Giải quyết vùng chồng lấn và tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Malaisie

Giữa Việt Nam và Malaisie tồn tại vùng chồng lấn rộng 2.800 km2, do vậy cả hai nước đều có nhu cầu đàm phán phân định ranh giới rõ ràng. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hai nước đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm, tiếp xúc nhằm giải quyết tình trạng chồng lấn. Tháng 5/1992, Việt Nam và Malaisie đã ký kết Thỏa thuận hợp tác thăm dò khai thác chung ở vùng chồng lấn. Mới đây, trong tháng 5/2024, Vietsopetro đã khám phá Giếng BA-1X có trữ lượng khoảng 84 triệu thùng, giếng này sẽ được hai nước khai thác chung.

Tuy nhiên do vùng biển của hai quốc gia còn liên quan đến Thái Lan và Campuchia, nên vấn đề ký kết một hiệp định có tính chất phân định ranh giới trên biển giữa hai nước chưa được thực hiện.

Từ năm 1986 đến 2021, Việt Nam và Malaisie vẫn duy trì thực hiện các cuộc đàm phán song phương, đa phương và phối hợp cùng với Thái Lan, Campuchia để giải quyết khu vực chồng lấn này.


Giải quyết vùng chồng lấn và tranh chấp trên biển với Thái Lan

Giữa Việt Nam và Thái Lan có một vùng chồng lấn trên biển rộng khoảng 6.000 km2, được hình thành từ ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam do Chính quyền Việt Nam Cộng hòa công bố năm 1971 và đường ranh giới thềm lục địa của Thái Lan công bố năm 1973.

Ngày 09/8/1997, tại Bangkok, Việt Nam và Thái Lan đã ký kết Hiệp định phân định biên giới trên biển giữa hai nước. Theo hiệp định này, 32,5% diện tích vùng chồng lấn thuộc Việt Nam, đường ranh giới phân chia vùng chồng lấn đồng thời cũng được xem là ranh giới thềm lục địa và ranh giới vùng đặc quyền kinh tế trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan.

Trong thời gian qua, hai nước vẫn chủ động tiến hành đàm phán song phương, đa phương, phối hợp với cùng các nước có liên quan, đặc biệt là Campuchia và Malaisie giải quyết các vấn đề tồn tại, hướng tới một giải pháp đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực vịnh Thái Lan và khu vực ngoài khơi vịnh Thái Lan.


Giải quyết chồng lấn và tranh chấp trên biển với Indonésie

Trên vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Indonésie, theo quy định của luật biển quốc tế, hình thành một vùng chồng lấn rộng khoảng 42.000 km2. Từ năm 1979 đến năm 1991, Việt Nam và Indonésie đã tiến hành nhiều vòng đàm phán cấp chuyên viên và cấp chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến vùng biển chồng lấn. Thông qua các vòng đàm phán, đã thu hẹp vùng chồng lấn xuống còn 4.500 km2.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng của cả hai nước, vào ngày 23/6/2003, Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonésie đã được hai nước ký kết. Như vậy, sau 25 năm kể từ năm 1978, khi Việt Nam và Indonésie mở cuộc đàm phán đầu tiên để giải quyết những tranh chấp về chủ quyền trên biển liên quan đến lợi ích trực tiếp của hai nước, một hiệp định chính thức về phân chia ranh giới trên biển đã được ký kết.

Riêng đối với Việt Nam, ngoài ý nghĩa đã ký được với Indonésie, bản hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa trên biển giữa hai nước còn có một ý nghĩa khác, đó là Việt Nam có thêm cơ sở, tạo hậu thuẫn thuận lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Năm 2022, trong chuyến thăm Indonésie, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo thông báo Việt Nam và Indonésie đã hoàn tất đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).


Giải quyết phân định biển với Campuchia

Vấn đề chồng lấn và tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Campuchia là một vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm bởi những yếu tố do lịch sử để lại. Ngày 07/07/1982, Chính phủ của hai nước sau quá trình đàm phán đã ký hiệp định thiết lập « Vùng nước lịch sử » chung và thỏa thuận sẽ thương lượng vào một thời gian thích hợp nhất để hoạch định đường biên giới trên biển.

Tháng 9/1991, hai bên đã có cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Phnom Penh và đưa ra văn bản thỏa thuận một số vấn đề liên quan đến quyền lợi chung của hai nước, như cần tôn trọng nội dung “Hiệp định vùng nước lịch sử” mà hai nước đã ký kết năm 1982. Trong khi chưa có đường biên giới trên biển, việc đánh bắt hải sản của ngư dân hai nước vẫn được duy trì theo tập quán cũ.

Đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên bao gồm dầu khí, các mỏ khoáng sản, hai bên sẽ cùng nhau thỏa thuận trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lợi ích chung, hai bên sẽ cùng tiến hành công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự trên biển. Ngoài vùng nước lịch sử, hai bên tạm thời có thể tiến hành thăm dò khai thác theo cách lấy đường trung tuyến giữa đảo Thổ Chủ của Việt Nam và đảo Poulo Wai của Campuchia làm cơ sở phân định.

Hai bên tiếp tục tiến hành các vòng đàm phán các cấp với mục đích từng bước tháo gỡ những bất đồng, tạo sự đồng thuận trong giải quyết vấn đề tranh chấp, đặc biệt khi Campuchia đã trở thành thành viên của UNCLOS vào năm 2019 với những điều khoản mà quốc tế đang chấp nhận và thực thi.


Phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và Philippines : vấn đề Trường Sa

Cho đến nay, giữa Việt Nam và Philippines chưa có hiệp định hay thỏa thuận phân định ranh giới biển giữa hai nước.

Hiệp định Paris ký năm 1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha, đã quy định Tây Ban Nha bàn giao Philippines cho Mỹ quản lý. Hiệp định xác định phạm vi lãnh thổ quần đảo Philippines, trên bản đồ kèm theo thì lãnh thổ của Philippines không bao gồm một đảo nào nằm trong quần đảo Trường Sa.

Giai đoạn 1970 – 1995 : Năm 1971, Philippines đưa ra yêu sách chủ quyền và quan điểm của mình cho rằng : một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vô chủ, không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ quốc gia nào khác.

Thực tế lịch sử cho thấy, trong lúc Việt Nam đang tập trung nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lợi dụng tình hình đó, từ năm 1971 đến năm 1973, Philippines đã đưa quân chiếm năm đảo ở phía Bắc và phía Đông Bắc của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là : Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông.

Cho đến tháng 02/1979, Philippines đã chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với số đảo nêu trên mà Philippines gọi là nhóm đảo Kalayaan. Để giảm bớt tình hình căng thẳng giữa hai nước, ngày 07/11/1995, hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Philippines đã bắt đầu tiến hành đàm phán.

Kết quả đàm phán đã đạt được thỏa thuận về 9 nguyên tắc ứng xử cơ bản đối với vùng biển đảo có tranh chấp trong khu vực Biển Đông, trong đó có những nội dung chính: 1/ Hai bên đồng ý thông qua thương lượng, hòa bình tìm kiếm các giải pháp cơ bản cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. 2/ Hai bên tự kiềm chế không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy hợp tác song phương hoặc đa phương về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, khí tượng, chống thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ, chống cướp biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ tài nguyên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa. 3/ Bảo đảm tự do hàng hải theo thực tiễn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. 4/ Hai bên từng bước tăng cường hợp tác và giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Mặc dù những nội dung nêu trên không phải là cơ sở pháp lý, nhưng đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định trên biển. Vùng biển giáp ranh giữa hai nước không diễn ra xung đột vũ trang. Những nội dung nêu trên là cơ sở để hai bên tiếp tục đàm phán và duy trì hòa bình trên vùng biển giáp ranh giữa hai nước.

Ngày 26/10/2010, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Philippines Benigno S.Aquino III trong chuyến thăm Nhà nước Việt Nam. Trong cuộc hội đàm hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là nguyện vọng và lợi ích chung của các nước trong khu vực Biển Đông và điều quan trọng là cần thực hiện nghiêm chỉnh DOC, nhất trí tiến hành soạn thảo và hướng tới thông qua COC.

Hai nước tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cơ bản dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, những quy định của UNCLOS và biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp chủ quyền về biển, đảo ở khu vực. Từ năm 2010 đến năm 2022, hai bên duy trì hòa bình, ổn định trên biển làm cơ sở quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định của khu vực Biển Đông, nhất là trong bối cảnh diễn ra cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có Trung Quốc.

Tóm lại, từ năm 1995 đến năm 2022, hai bên đã thể hiện được quan điểm hòa bình giải quyết các bất đồng về chủ quyền trên biển liên quan đến hai nước. Hai nước Việt Nam và Philippines đã có những thỏa thuận ở các cấp Bộ trưởng Ngoại giao, cấp Thủ tướng Chính phủ, cấp Tổng thống và Chủ tịch nước.

Những thỏa thuận đó, đã góp phần giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hữu nghị, tin cậy lẫn nhau. Đây là cơ sở thuận lợi cho vấn đề phân định biên giới trên biển giữa hai nước trong các giai đoạn tới.

Tuy nhiên, do quan điểm chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa giữa hai nước có sự khác biệt, cho nên quá trình đàm phán phân định biển giữa Việt Nam và Philippines vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hai bên vẫn cam kết giải quyết những bất đồng mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán, dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content