Dư luận Pháp ủng hộ bà Trần Tố Nga trong hành trình đi tìm công lý
Ngay sau khi Tòa phúc thẩm Paris ngày 22/8/2024 ra phán quyết bác bỏ đơn kiện dân sự của bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, kiện 14 tập đoàn hóa chất Mỹ
Ngay sau khi Tòa phúc thẩm Paris ngày 22/8/2024 ra phán quyết bác bỏ đơn kiện dân sự của bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, kiện 14 tập đoàn hóa chất Mỹ đã cung cấp cho quân đội nước này chất độc da cam/dioxin để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí, thông tấn, phát thanh và truyền hình Pháp như AFP, RFI, TV5Monde, France 24, Le Monde, Le Figaro, Libération, L’Humanité, l’Express, le Point… đã đồng loạt đăng tin và nhắc lại cuộc chiến vì công lý đầy gian nan vất vả của bà.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp, luật sư William Bourdon bày tỏ sự phản đối và nhấn mạnh việc Tòa phúc thẩm Paris đồng ý với phán quyết của Tòa đại hình Evry – nơi bà Trần Tố Nga đệ đơn lần đầu tiên vào năm 2019, chấp nhận “quyền miễn trừ tài phán” của các công ty hóa chất Mỹ cho thấy “các vị quan tòa đã có thái độ bảo thủ, trái với tính hiện đại của luật pháp và trái với luật pháp quốc tế, cũng như luật pháp châu Âu”. Luật sư William Bourdon cũng cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng thân chủ, là bà Trần Tố Nga, đệ đơn lên Tòa Giám đốc thẩm (là tòa án tối cao tại Pháp).
Ông Nguyễn Văn Bổn – một lãnh đạo lão thành của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) – cho biết truyền thống của hội từ những năm 1960 là tham gia tất cả các cuộc đấu tranh vì những nạn nhân chất độc da cam và đó cũng là lý do UGVF cùng 13 hội đoàn khác lập nên Ủy ban ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga ngay từ khi bà bắt đầu khởi kiện 14 công ty hóa chất Mỹ có liên quan.
Ông Nguyễn Văn Bổn khẳng định: “Chúng tôi buồn nhưng không mất tinh thần. Vì truyền thống của Việt Nam là trường kỳ kháng chiến, chúng ta không thể thắng đế quốc và các tập đoàn đế quốc trong 1 ngày, 1 năm hay 10 năm, mà phải đấu tranh lâu dài mới có thể thắng được. Do đó chúng tôi dứt khoát tiếp tục cuộc đấu tranh”.
Bà Bùi Kim Tuyết – một Việt kiều tại Pháp, cũng là thành viên của UGVF – bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tinh thần đấu tranh của bà Trần Tố Nga, không chỉ cho bản thân mà còn cho tất cả nạn nhân da cam Việt Nam. Chia sẻ nỗi buồn với bà Nga về phán quyết của tòa án, bà Bùi Kim Tuyết khẳng định sẽ tiếp tục “trường kỳ” cùng ông Nguyễn Văn Bổn và bà con kiều bào, ủng hộ bà Trần Tố Nga trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đắc Hà, đại diện Ủy ban ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, đồng thời cũng là đại diện UGVF chia sẻ ông là thế hệ Việt kiều thứ hai, sinh ra và lớn lên tại Pháp, nhưng tấm lòng luôn hướng về Việt Nam, nên rất quan tâm và hiểu rằng các nạn nhân da cam Việt Nam đã phải chịu nhiều ảnh hưởng của chất độc hóa học này và cho đến nay vẫn còn hàng triệu người đang phải gánh chịu nỗi đau đó.
Bày tỏ sự thất vọng và nỗi buồn trước phán quyết của toà án, nhưng không vì thế mà buông tay, ông Đắc Hà khẳng định: “Cũng như bà Trần Tố Nga, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, tiếp tục ủng hộ bà trong vụ kiện lên Tòa giám đốc thẩm. Để đồng hành cùng bà, chúng tôi đã dự kiến tổ chức nhiều hoạt động, huy động các thế hệ thành viên của UGVF tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ bà tại các quảng trường République và Trocadéro, trong các sự kiện lớn của chúng tôi như Tết và chừng nào bà còn đấu tranh thì chúng tôi còn ở bên cạnh bà”.
Thay mặt tổ chức Collectif Vietnam Dioxine, ông Kim Vo Dinh bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết của tòa án Paris. Ông cho rằng trong vụ chất độc da cam, không chỉ Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm, mà các công ty hóa chất cũng liên đới, vì khi sản xuất, họ thừa biết hậu quả và mức độ nguy hiểm của hóa chất mà vẫn làm, khi ra tòa họ lại phủ nhận tất cả trách nhiệm của mình.
Thất vọng nhưng không lùi bước, ông cam kết: “Chúng tôi sẽ ở bên cạnh bà Trần Tố Nga, huy động nguồn lực để ủng hộ bà và các nạn nhân da cam Việt Nam, tiếp tục tuyên truyền để mọi người biết đến tình cảnh của các nạn nhân và đấu tranh giành công lý cho họ”.
Là đại diện của thế hệ trẻ người Việt Nam tại Pháp, chị Micheline Phạm cho biết tinh thần đấu tranh suốt đời của bà Trần Tố Nga, một người phụ nữ 82 tuổi, đã truyền nhiều cảm hứng cho các bạn trẻ Việt kiều thế hệ thứ 3, thứ 4 như chị, thúc đẩy họ tham gia cuộc đấu tranh ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam.
Chị Micheline Phạm khẳng định: “Bất kể như thế nào, chúng tôi cũng sẽ ủng hộ bà Trần Tố Nga, sẽ tiếp tục cùng bà lên Tòa Giám đốc thẩm và vận động người khác cùng tham gia. Trong cuộc chiến này, ít nhất chúng ta đã thắng lợi về mặt tinh thần vì suốt năm qua, chất độc da cam và các nạn nhân đã được nhắc đến rất nhiều trong các hội đoàn, trên các diễn đàn và báo chí truyền thông. Và giờ đây chúng tôi sẽ làm tất cả để tiếp tục đấu tranh cùng bà Trần Tố Nga.”
Là một trong những thành viên trẻ của Collectif Vietnam Dioxine, cô Amel Chaibi tâm sự cũng như những thành viên khác trong nhóm, cô rất buồn về kết quả phiên tòa. Cô bày tỏ: “Chúng tôi coi kết luận này của tòa là bất công, tạo điều kiện để các công ty này gây tổn hại đến con người và môi trường. Bà Trần Tố Nga là người phụ nữ mà tôi luôn cảm phục, người đã đấu tranh suốt đời, không mệt mỏi. Đó là lý do tôi ở đây ủng hộ bà, hiện nay và cả sau này”.
Cô khẳng định cùng với các thành viên của Collectif Vietnam Dioxine, cô sẽ vận động tuyên truyền để mọi người biết được trách nhiệm của các công ty hóa chất, đấu tranh trả lại công bằng cho bà Trần Tố Nga.
Bà Thượng nghị sĩ danh dự Hélène Luc, trong bức thư chia sẻ với phóng viên TTXVN cũng bày tỏ thất vọng về việc Tòa phúc thẩm Paris ra phán quyết không chấp nhận đơn khiếu nại của bà Trần Tố Nga yêu cầu các công ty hóa chất Dow, công ty Monsanto và 11 công ty khác phải thừa nhận trách nhiệm.
Bà khẳng định quyết định bảo thủ này của tòa án sẽ không ngăn cản bà Trần Tố Nga và tất cả bạn bè của bà tiếp tục đấu tranh, thậm chí khiến họ càng nỗ lực để sự thật phải được chiến thắng. Bà nêu rõ: “Với tư cách là Chủ tịch danh dự của Hội Hữu nghị Pháp – Việt, đã từng đứng ra tố cáo tội ác này trong hội nghị quốc tế ngày 19/11/1966 và là thành viên trong Ủy ban ủng hộ vụ kiện, tôi đánh giá cao việc bà Trần Tố Nga đã đệ đơn lên Tòa Giám đốc thẩm. Tôi cam đoan là Ủy ban ủng hộ vụ kiện sẽ dốc hết sức lực để ngày càng nhiều người dân Pháp biết đến tội ác đã xảy ra ở Việt Nam”.
Bà nhấn mạnh cuộc chiến công lý này rất quan trọng vì “cần thiết cho tất cả những người đã thiệt mạng, cho những ai đang phải chịu đựng những dị tật khiến họ không thể tận hưởng cuộc sống, cho những đứa trẻ sinh ra với dị tật và cuối cùng là ngăn chặn điều này xảy ra nhiều hơn nữa cho nhân loại”.
Phán quyết của Toà phúc thẩm Paris đã khép lại một chặng đường đã qua, nhưng chưa phải là kết thúc. Điều này mở ra một hành trình mới cho cuộc đấu tranh vì công lý của các nạn nhân da cam. Chắc chắn sẽ không kém phần khó khăn, gian khổ, nhưng bà Trần Tố Nga sẽ không đơn độc, vì bên cạnh bà vẫn có các luật sư, các hội đoàn, bà con kiều bào, bạn bè Pháp và quốc tế, nhân dân Việt Nam, cùng tất cả những ai yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh.
Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)