Ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững
Năm 2024, thiên tai, đặc biệt là Bão số 3 (Yagi), đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, song ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì đà tăng
Năm 2024, thiên tai, đặc biệt là Bão số 3 (Yagi), đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, song ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng.
Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành trong năm 2024 ước đạt mức tăng trưởng 3,1% – 3,4%.
Trong đó : Trồng trọt tăng 1,7 – 1,9 ; chăn nuôi tăng 5,3 – 5,5% ; thủy sản tăng 5,0 – 5,2% ; lâm nghiệp tăng 4,0 – 4,2%.
Sản lượng lúa ước đạt 43,7 triệu tấn, tăng 0,4%, năng suất lúa cũng tăng lên mức 61,4 tạ/ha ; sản lượng thịt hơi các loại 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% ; sản lượng thủy sản 9,6 triệu tấn, tăng 2,4% ; sản lượng gỗ khai thác gần 22,9 triệu m³, tăng 9,8%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2024 ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023 ; xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Những sản phẩm đạt giá trị cao hàng đầu như : Lâm sản đạt 17,2 tỷ USD, tăng 18,9% ; Thuỷ sản 9,8 tỷ USD tăng 10,3% ; Rau quả 7,2 tỷ USD, tăng 28,4% ; Gạo 5,8 tỷ USD tăng 23,1% ; Cà phê 5,4 tỷ USD tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Đây là điều kiện quan trọng để duy trì sự ổn định và nâng cao giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Việt Nam đã ký kết thêm nhiều nghị định thư với Trung Quốc, mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, và cá sấu nuôi. Nông sản Việt Nam cũng đã xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như TikTok, Taobao và JD.com, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.
Thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu rất lớn về thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra, là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng ước đạt 12,6 tỷ USD trong năm 2024. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ trái cây lớn, với nhiều tiềm năng cho trái cây nhiệt đới và các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe.
ASEAN là một thị trường quan trọng đối với xuất khẩu gạo, cà phê và trái cây của Việt Nam. Gạo Việt Nam đã vững chắc “ngôi đầu” tại khu vực Đông Nam Á, chiếm từ 70-85% lượng gạo nhập khẩu của các quốc gia lớn như Philippines, Indonésie, Singapour. Bên cạnh đó, các sản phẩm cà phê và trái cây nhiệt đới như sầu riêng, xoài, nhãn, chuối đang ngày càng được yêu thích tại các quốc gia ASEAN, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
EU là một trong những thị trường quan trọng của nông sản Việt Nam. Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần lưu ý đến các quy định mới từ EU, đặc biệt là Quy định EUDR (Quy định về Giải trình Nguồn gốc Hàng hóa) có hiệu lực từ ngày 31/12/2025 liên quan đến kiểm tra an toàn thực phẩm và chứng nhận nguồn gốc hàng hóa.