Tour tàu xe lửa xuyên Việt giá hơn 200 triệu đồng mỗi khách
Ngày 18/12/2024, toa tàu xuyên Việt hạng sang Sjourney do Công ty PYS Travel hợp tác cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt và Công ty
Ngày 18/12/2024, toa tàu xuyên Việt hạng sang Sjourney do Công ty PYS Travel hợp tác cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm khởi chạy chuyến đầu tiên, đưa 13 du khách nước ngoài trải nghiệm “du lịch chậm” từ TP.HCM đến Hà Nội trong vòng 8 ngày 7 đêm.
Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết đoàn khách quốc tế đến từ các quốc gia như Đức, Mỹ, Anh, Bỉ, đã tham quan các di tích địa phương như Bảo tàng nước mắm, tháp Pô Sah Inư, Bàu Trắng, Mũi Né.
Theo dự kiến, đoàn tàu sẽ khởi hành từ 2 đầu TP.HCM và Hà Nội trên chuyến SE61/62 vào mỗi thứ 4 hàng tuần và dừng lại tham quan trong 1 ngày mỗi nơi tại một số điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Phan Thiết – Nha Trang – Hội An – Huế – Quảng Bình – Ninh Bình.
Theo trang web chính thức của Sjourney, bên trong tàu được thiết kế theo phong cách Đông Dương (Indochine) năm 1930 với tông màu trung tính. Đoàn tàu có tổng cộng ít nhất 13 toa, bao gồm 10 toa ngủ (trong đó mỗi toa chỉ có 3 buồng hạng VIP dành cho khách với tiêu chuẩn 7 sao) và khu vực Bistro Car (một quầy rượu, một lounge và một nhà hàng). Tại toa ngủ, du khách có thể lựa chọn phòng cabin giường đôi hoặc cabin giường đơn với diện tích khoảng 10 m2 và có quản gia riêng.
Giai đoạn một trong năm 2025 tàu vận hành 3-4 chuyến mỗi tháng. Một chuyến tàu có 28 người phục vụ. Đội ngũ nhân viên tàu gồm 12 tiếp viên đường sắt, thông thạo tiếng Anh, trong đó có hai trưởng tàu, hai nhân viên kỹ thuật điện, một kiểm tu và bảo vệ, tiếp viên. Phía đơn vị vận hành có 16 nhân viên, riêng phục vụ ăn uống là 10 người.
Chuyến tàu có giá 7.320 USD (186 triệu đồng) mỗi khách, áp dụng trong tháng 12. Năm 2025, giá vé là 8.610 USD (219 triệu đồng) mỗi khách.
Trên mỗi chuyến tàu, du khách được cung cấp các bữa ăn hạng sang với các món ăn địa phương và quốc tế và được chế biến bởi đầu bếp riêng. Hành trình bao gồm tour tham quan được thiết kế riêng theo yêu cầu, đưa du khách khám phá các điểm du lịch dọc chiều dài đất nước.
Ông Trần Sỹ Sơn, Chủ tịch PYS Travel kỳ vọng sản phẩm đường sắt này sẽ tạo ra một hướng đi mới cho trải nghiệm du lịch cao cấp tại Việt Nam. Theo ông, du lịch trải nghiệm cao cấp nên đi theo xu hướng 5C của thế giới hiện nay, gồm culture (văn hóa), cuisine (ẩm thực), community (cộng đồng), content (trải nghiệm độc đáo) và customization (cá nhân hóa).
“Mặc dù cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, du lịch Việt Nam muốn hướng tới phân khúc cao cấp nên từng bước xây dựng, bám theo tiêu chí 5C”, ông Sơn nói. « Có như vậy mới thu hút được các khách hạng sang đến Việt Nam ».