Cung ứng hàng cho TP HCM thời gian giãn cách
Từ 8h sáng ngày 07/07, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dừng các hoạt động tập kết hàng trực tiếp cho đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch. Trước đó một ngày
Từ 8h sáng ngày 07/07, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dừng các hoạt động tập kết hàng trực tiếp cho đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch. Trước đó một ngày (ngày 06/07) chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cũng ngưng hoạt động sau khi xuất hiện nhiều ca dương tính, lan đến một số quận huyện và tỉnh lân cận. Chợ đầu mối Hóc Môn cũng tạm ngưng hoạt động từ 28/06 để phòng dịch sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19.
Như vậy cả 3 chợ đầu mối lớn của TPHCM đã dừng hoạt động. Theo Sở Công thương TPHCM, tỉ trọng hàng hóa lưu thông qua 3 chợ đầu mối này (hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố như mặt hàng rau-củ-quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% – 70% thị phần thị trường TPHCM.
Ngoài ra, đến nay đã có gần 110 chợ và khoảng 60 siêu siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố phải tạm đóng cửa.
Hiện TP HCM chỉ còn 59 chợ truyền thống hoạt động. Trước đây lượng hàng về các chợ đầu mối khoảng 7.000-7.500 tấn mỗi ngày. Nhưng khi dịch bùng phát, sản lượng chỉ còn 4.500-5.000 tấn và thậm chí chỉ còn 2.000 tấn khi cả 3 chợ đầu mối dừng. Vì vậy, dù kênh phân phối hàng qua siêu thị đã tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường, tình trạng thiếu hụt vẫn xảy ra đây đó.
Những ngày qua, người dân TP HCM và một số tỉnh phía Nam đổ xô đi mua hàng thiết yếu tích trữ khiến các kệ hàng thực phẩm tươi sống tại một số siêu thị nhiều thời điểm hết sạch.
Dù 3 chợ đầu mối đã tạm đóng cửa nhưng để không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đảm bảo việc cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân, TP đã bố trí điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Sau 3 ngày hoạt động, lượng hàng hóa tập kết về điểm trung chuyển ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã tăng từ 8 tấn lên 75 tấn ngày/đêm. Ngay khi đến điểm trung chuyển, hàng hóa được các thương nhân chuyển sang các xe vận chuyển thẳng về các chợ truyền thống còn mở cửa. Các thương nhân và người tham gia việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn hạn sử dụng, thực hiện 5K, xe được khử khuẩn.
Điểm trung chuyển này là khu đất trống rộng 16.000 m2 dành cho các thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện phòng chống dịch bệnh. Sắp tới sẽ mở thêm trạm trung chuyển ở chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.
Hiện, thành phố đã phối hợp cùng các siêu thị, doanh nghiệp phân phối… mở thêm nhiều điểm bán lưu động với giá bình ổn, đưa hàng về tận các khu dân cư, nhất là vùng bị phong tỏa. Từ 13/7, 34 điểm bán tại hệ thống bưu cục của Viettel Post, khoảng 200 điểm bán lưu động tại bưu cục của Bưu điện Việt Nam (VNPost) và các điểm bán của siêu thị Aeon, MM Mega Market tại một số quận, huyện đã được mở. Còn chuỗi siêu thị Coop-Mart đã có kế hoạch dự trữ 200 tấn / tháng hàng nhu yếu phẩm.