TP HCM siết chặt Chỉ thị 16 trong hai tuần từ 23/8 đến 6/9/2021
Khẳng định "không phong tỏa thành phố trong hai tuần tới", Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM chiều 21/8 cho biết chỉ tiếp tục nâng cao các biện pháp, tương xứng với tính chất, mức
Khẳng định “không phong tỏa thành phố trong hai tuần tới”, Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM chiều 21/8 cho biết chỉ tiếp tục nâng cao các biện pháp, tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch.
Theo Ban chỉ đạo, việc siết chặt dựa trên 4 yếu tố : Trung ương tăng cường thêm quân đội, công an, y tế cùng với lực lượng thành phố sẵn có ; thêm thiết bị, thuốc men phù hợp với tình hình dịch bệnh đang tăng nhanh ; cung cấp thêm lương thực phẩm cho người dân và cuối cùng thực hiện nghiêm hơn Chỉ thị 16.
Hỗ trợ người dân
Chính quyền chia địa bàn thành các vùng với nguy cơ khác nhau. Người dân ở “vùng xanh” (an toàn), “vùng vàng” (nguy cơ thấp) và có điều kiện được tự đi chợ một lần trong tuần. Người dân ở “vùng cam” (nguy cơ cao) và “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao), người dân sẽ được đi chợ giúp một tuần một lần, người dân trả tiền. Người khó khăn ở cả bốn vùng trên sẽ nhận được suất hỗ trợ đồ ăn, nhu yếu phẩm.
Về y tế, thành phố sẽ lập 400 trạm lưu động. Nhân sự gồm y bác sĩ địa bàn và lực lượng tăng cường của thành phố hoặc trung ương. Các trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ điều trị bệnh lý nền khác, tiêm vaccine… đảm bảo nhu cầu y tế cho nhân dân.
Về an sinh, thành phố cùng lúc triển khai ba gói hỗ trợ lao động nghèo, người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Kế hoạch sẽ hỗ trợ hơn một triệu hộ lao động nghèo và 669.000 lao động tự do, kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Số hộ nghèo được đề nghị bổ sung là diện sống trong các khu nhà trọ, lưu trú công nhân, khu phong tỏa. Mức đề xuất 1,5 triệu đồng mỗi hộ. Quận, huyện tạm ứng ngân sách địa phương để chi khẩn cấp.
Quân đội vào cuộc
Ngày 21 và 22/8, các chuyến bay liên tục khởi hành từ Nội Bài (Hà Nội), hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất (TP HCM), đưa hàng trăm công an, bộ đội quân y hỗ trợ thành phố chống dịch. Các chiến sĩ có nhiệm vụ giữ trật tự an toàn giao thông, phòng chống dịch tại cửa ngõ TP HCM.
Lực lượng quân y sẽ chia làm 60 tổ đến nhà thăm khám, chăm sóc F0 và làm các nhiệm vụ khác khi được giao. Thành lập 367 bệnh xá lưu động đến từng địa bàn phường xã, hộ gia đình. Ngày 23/8, thêm 600 cán bộ, nhân viên quân y và trang thiết bị sẽ theo đường hàng không vào Nam chống dịch. Tổng cộng, lực lượng quân y khoảng 2.300 người đang làm nhiệm vụ tại 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, điều trị Covid-19 ở TP HCM.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng huy động khoảng 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 tham gia.
Bộ đội đợt này được tăng cường vào trước hết nhằm giúp TP HCM thực hiện triệt để chỉ thị “nhà cách ly với nhà, phố phường cách ly với phố phường, quận huyện cách ly với quận huyện”. Ngoài lực lượng chức năng được ra đường thì không ai được ra ngoài để đảm bảo giãn cách xã hội nghiêm túc trong 15 ngày tới.
Vì vậy, bộ đội sẽ tham gia các chốt kiểm soát cùng các lực lượng khác như công an, hải quan, quản lý thị trường, y tế.
Theo kế hoạch của TP HCM, người dân ở những nơi bị phong tỏa và lao động nghèo sẽ được cung cấp lương thực miễn phí trước mắt trong 15 ngày. Bộ đội sẽ mang lương thực đến phát từng nhà.
TP HCM sẽ tiếp nhận lương thực, thực phẩm từ các đầu mối, đóng thành các túi. Lương thực sẽ đảm bảo cho mỗi gia đình từ 7-10 ngày, 15 ngày giãn cách thì dự tính cấp 2 lần. Rau, củ, quả, thịt, cá cũng được đóng sẵn túi, từ 3 đến 5 ngày sẽ được vận chuyển một lần đến từng gia đình.
Ngoài ra, quân đội cũng triển khai nhóm mua giùm tại các siêu thị, trạm lưu động cho những người có điều kiện để người dân không phải ra khỏi nhà.
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân. TP dự kiến sẽ cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn TP.HCM.
Theo tính toán, nhu cầu tiêu dùng bình là 10.964 tấn/ngày. Trong đó, gạo : 1.981 tấn ; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở…) : 660 tấn ; thịt gia súc : 755 tấn ; thịt gia cầm : 660 tấn; thực phẩm chế biến : 236 tấn ; trứng gia cầm : 108 tấn (2,1 triệu quả) ; rau củ quả : 4.246 tấn ; đường : 236 tấn ; sữa : 1.742 tấn (1,7 triệu lít) ; dầu ăn : 189 tấn ; muối : 47 tấn ; nước chấm : 104 tấn (79.865 lít).
Như vậy, mức nhu cầu tiêu dùng bình quân của TP trong 1 tuần (7 ngày) là 76.747 tấn ; trong 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống của người dân ước khoảng 19 triệu lít/ngày, (566 triệu lít/tháng) ; các mặt hàng phòng, chống dịch : khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng) ; nước sát khuẩn (loại 0,5 lít) : 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng).
Trong ngày 21/08/2021, hệ thống tin nhắn tự động cũng đã gửi đi thông điệp của chính quyền TP tới người dân trước thời điểm 0h ngày 23/8. “UBND TP.HCM đề nghị nhân dân TP an tâm, không thu gom hàng hóa. Người dân ở vùng có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được cung cấp lương thực, thực phẩm. Người dân ở vùng an toàn sẽ được đi chợ 1 lần/tuần. Người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ các túi an sinh xã hội. Đề nghị người dân không tập trung đông người sẽ dễ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Mong người dân hãy ủng hộ, chung sức cùng thành phố”, nội dung tin nhắn ghi.
Tổng hợp