EVFTA thúc đẩy các doanh nghiệp Pháp quan tâm đến Việt Nam
Sau gần 1 năm có hiệu lực, Hiệp định tự do thương mại Âu châu-Việt Nam (EVFTA) đã và đang tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới cho các trao đổi thương mại giữa
Sau gần 1 năm có hiệu lực, Hiệp định tự do thương mại Âu châu-Việt Nam (EVFTA) đã và đang tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới cho các trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam.
Gần 50 doanh nghiệp tỉnh Saône-et-Loire, trong đó có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp, chế biến gỗ và chế tạo máy móc công nghiệp, đã tham dự buổi tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), được tổ chức ngày 16/9 tại thành phố Mâcon, thủ phủ của tỉnh này ở miền Trung nước Pháp.
Diễn đàn được Phòng Thương mại và Công nghiệp (Chambre de Commerce et d’Industrie -CCI) tỉnh Saône-et-Loire phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, tổ chức. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Chủ tịch CCI tỉnh Saône-et-Loire, ông Michel Suchaut, Thị trưởng thành phố Mâcon, ông Jean-Patrick Courtois và các đại diện thương mại, kế hoạch đầu tư, xuất nhập khẩu khẩu, hải quan Việt Nam và Pháp cũng đã tham dự.
Khai mạc buổi tọa đàm, ông Michel Suchaut cho rằng với dân số gần 100 triệu người và một tầng lớp trung lưu dự tính chiếm đến 50% dân số Việt Nam vào năm 2035, nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng cũng như tiêu dùng của Việt Nam rất lớn, biến Việt Nam thành một mảnh đất về cơ hội làm ăn, một đối tác không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp Pháp.
Saône & Loire là tỉnh có diện tích lớn thứ 6 tại Pháp và nổi tiếng về các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như rượu vang Bourgogne, nhiều loại pho mát, thịt bò cao cấp cũng như có một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dược phẩm, chế biến gỗ, vận tải đường thủy…
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết, hiện Việt Nam đang là nền kinh tế lớn thứ 3 tại ASEAN và là một động lực tăng trưởng bền vững kéo dài nhiều năm qua. Với vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ để tiến vào khu vực Đông Nam Á và rộng hơn, là khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Việt Nam có những tiềm năng to lớn để đáp ứng được các nhu cầu của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Pháp. Đại sứ cho rằng sự hiện diện của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Saône-et-Loire là một minh chứng lớn cho sự mong muốn hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Pháp đang từng bước mở cửa trở lại, tiến trình phục hồi nền kinh tế của Pháp đang có dấu hiệu vô cùng mạnh mẽ và ấn tượng.
Là người đã có gần 20 năm tìm hiểu và gắn bó với thị trường Việt Nam, ông Thibault Giroux, đại diện cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam nhận định : “Hiện, dịch bệnh cũng có một số tác động nhưng chỉ trong ngắn hạn, không ảnh hưởng lớn đến tổng thể của Hiệp định EVFTA cũng như các trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp. Tình hình hiện nay rất khó khăn cho các nhà đầu tư Pháp và Việt Nam qua lại tìm hiểu thị trường, nhưng tôi có niềm tin lớn là Việt Nam sẽ sớm thoát ra khỏi khó khăn y tế và trong vài tháng nữa, chúng ta sẽ chứng kiến Việt Nam mở cửa trở lại để đón các nhà đầu tư, cũng như cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tiến sang Pháp và châu Âu. Chúng ta sẽ nhanh chóng quay lại trạng thái bình thường”.
Tại diễn đàn, các đại diện đầu tư và thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, các đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cùng các chuyên gia hợp tác quốc tế và hải quan của Pháp đã cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, cũng như các mảng ưu tiên trong chiến lược đầu tư và thương mại của Việt Nam.
Ngoài ra, các đại diện thương mại và đầu tư của Việt Nam cũng giới thiệu chi tiết các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh mà Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được đối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Pháp, như linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng cũng như các sản phẩm nông nghiệp độc đáo.
Trên thực tế, sau gần 1 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khiến hàng rào thuế quan từng bước bị xóa bỏ, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang có những cú hích lớn, giúp đưa nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hơn sang thị trường Pháp.