Chi phí điều trị cho 1 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam
COVID-19 được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, do đó người mắc COVID-19 (F0) khi điều trị đều được ngân sách nhà nước chi trả 100% (nếu không có bệnh nền kèm theo). Trường
COVID-19 được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, do đó người mắc COVID-19 (F0) khi điều trị đều được ngân sách nhà nước chi trả 100% (nếu không có bệnh nền kèm theo).
Trường hợp có bệnh lý nền, bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chi trả theo quy định (nếu tham gia BHYT), người bệnh phải chi trả một phần chi phí không quá lớn (khoảng 20% trong tổng số chi phí BHYT).
Vậy ngân sách phải chi trả bao nhiêu cho một ca F0 ?
Một chuyên gia y tế cho hay điều đó còn tùy mức độ nặng nhẹ của ca bệnh. Thông thường, các ca F0 tầng 2, 3 (có tất cả 3 tầng điều trị) sẽ cần hỗ trợ thở máy theo các mức độ, bao gồm thở không xâm lấn, có xâm lấn và nặng phải cần đến lọc máu hoặc can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Chỉ tính riêng thuốc men, vật tư y tế tiêu hao điều trị, tốn ít nhất từ 1-1,5 triệu đồng/ngày (37-55 €/ngày) cho ca bệnh thở máy không xâm lấn ; ít nhất từ 3-3,5 triệu/ngày (111-130 €/ngày) thở máy có xâm lấn.
Với ca phải lọc máu liên tục hoặc can thiệp ECMO tốn ít nhất từ 20-30 triệu/ngày (740-1110 €/ngày), tùy thuộc vào bệnh trạng, số ngày điều trị dài hay ngắn sẽ kéo theo chi phí phát sinh.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, với bệnh nhân phải hồi sức chuyên sâu, thở máy, lọc máu liên tục và chạy ECMO (tim phổi nhân tạo)… chi phí điều trị rơi vào khoảng từ 1,2 – 1,5 tỉ đồng/người (44 440-55 550 €/người). Tùy thuộc vào thời gian điều trị, các bệnh nhân nặng có thở máy, chưa can thiệp ECMO chi phí khoảng từ 100-200 triệu/người (3700-7400 €/người). Còn đối với các bệnh nhân nhẹ và vừa trung bình (có triệu chứng), chi phí dao động từ 1-20 triệu đồng/người (37-740 €/người).
Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 18-9, cả nước có 677.023 trường hợp mắc COVID-19, trong đó số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.477 ca, cụ thể thở máy không xâm lấn (1148 ca = 1,15 tỷ-1,72 tỷ/ngày), thở máy xâm lấn (771 ca = 2,3 tỷ-2,7 tỷ/ngày) và ECMO (34 ca = 0,68 tỷ-1,02 tỷ/ngày)). Nếu dựa trên những con số trên thì số tiền mà Nhà nước phải chịu đựng sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng, đó là chỉ riêng phần điều trị.
Thực tế đối với người dân ra sao ?
Khoảng giữa tháng 8/2021, mẹ của chị K.P. (32 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) mắc COVID-19 sau 2 ngày cách ly điều trị tại nhà bắt đầu khó thở, buộc phải gọi cấp cứu chuyển vào bệnh viện. Thế nhưng các bệnh viện đều thông báo “kín giường”, kể cả bệnh viện nơi đăng ký bảo hiểm y tế.
Sau một lúc tìm kiếm vô vọng, may mắn có một bệnh viện tư nhân ở quận Bình Tân tiếp nhận. “Gia đình phải đóng viện phí tổng cộng 41 triệu đồng với 8 lần chuyển khoản, bệnh viện gọi đây là tiền tạm ứng.
« Khi tôi nêu thắc mắc, phía bệnh viện có giải thích rằng kinh phí điều trị chưa được Nhà nước rót về, do vậy bệnh viện tạm thu và sẽ trả lại cho bệnh nhân khi được Nhà nước thanh toán », chị P. cho biết.
Chị P. kể rằng hoàn cảnh gia đình hiện khá khó khăn, các thành viên trong gia đình mất việc, số tiền viện phí gia đình phải đi vay mượn nhiều nơi. Đến nay khi người nhà đã xuất viện, số tiền “tạm thu” vẫn chưa được phía bệnh viện chi trả.
“Lách luật”, “không thu thì lấy đâu kinh phí”
Đại diện một bệnh viện tư đang điều trị COVID-19 cho biết đến nay đơn vị tiếp nhận điều trị khoảng 400 bệnh nhân, trong đó có khoảng 250 người được xuất viện và khoảng 20 người tử vong.
Để tham gia điều trị COVID-19, theo vị này, bệnh viện phải đầu tư đầy đủ các trang thiết bị máy móc hiện đại. Vị này còn cho biết cơ sở điều trị chuẩn 3 sao, bệnh nhân có chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ thoáng mát, cơm ngày 3 bữa ăn theo chế độ của bác sĩ dinh dưỡng, có nước uống, trái cây hoặc các loại sữa chua tráng miệng. Việc vệ sinh tắm rửa đều bằng nước nóng có sự hỗ trợ của điều dưỡng.
Để duy trì hoạt động khi chưa được thu phí dịch vụ điều trị COVID-19 « từ trên rót xuống », một số bệnh viện tư “lách luật” bằng cách vận động bệnh nhân ủng hộ quyên góp hoặc đề nghị bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả viện phí với chi phí hàng chục đến trăm triệu đồng. Lý giải điều này, giám đốc một bệnh viện tư điều trị COVID-19 cho rằng không còn cách nào khác.
« Tiền vận hành, oxy, thuốc, có những loại thuốc đặc trị cực hiếm chúng tôi cũng phải mua để điều trị. Ngoài ra lương của nhân viên y tế cũng phải trả gấp đôi, nếu ngân sách không chi trả, không được thu phí, chúng tôi không biết lấy đâu kinh phí để duy trì hoạt động ».