Không dung túng “ông to bà lớn” làm càn
"Chống dịch như chống giặc", là đối diện với chuyện sinh tử, là tính bằng sinh mạng con người chứ không hề đùa. Vậy sao vẫn có chuyện làm càn ở đây ? Nhưng có đấy.
“Chống dịch như chống giặc”, là đối diện với chuyện sinh tử, là tính bằng sinh mạng con người chứ không hề đùa. Vậy sao vẫn có chuyện làm càn ở đây ?
Nhưng có đấy. Mà không chỉ là những kẻ “điếc không sợ súng” vì có sự lệch lạc về tâm thần kinh, mà có cả doanh nhân từng nổi tiếng trên thương trường như ông Hồ Hữu Nhân (41 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận 7); thậm chí là cả những vị cán bộ đầu ngành cấp tỉnh như các ông Nguyễn Văn Dũng (Giám đốc Sở Du lịch) và Nguyễn Công Thành (Cục phó Cục thuế) ở tỉnh Bình Định.
1. Ông Hồ Hữu Nhân đưa vợ đến siêu thị để mua sữa cho con. Nhân viên siêu thị thông báo đơn vị không bán hàng tại chỗ vì dịch bệnh đang phức tạp và hướng dẫn đặt mua qua online. Việc rất đơn giản, và người ta cũng hướng dẫn theo đúng cách để bảo đảm việc phòng chống dịch.
Thế mà, Hồ Hữu Nhân đã quát nạt nhân viên bảo vệ siêu thị với những lời lẽ mà ai cũng phải sửng sốt, căm phẫn khi xem đoạn clip ghi lại cảnh đối thoại này.
Những lời lẽ của Hồ Hữu Nhân không chỉ bịp bợm về nhân thân của mình nhằm hù dọa người yếu thế hơn, mà còn bộc lộ sự thấp kém về giao tiếp nơi công cộng.
Không chỉ thế, Hồ Hữu Nhân còn sử dụng thẻ công vụ không phải của mình để chứng tỏ ta đây có quyền sinh quyền sát, ta là ngoại lệ, là “con trời” bất chấp luật lệ.
Hành vi của Hồ Hữu Nhân là không thể du di trong bối cảnh chính quyền đang cần người dân hợp tác chống dịch thông qua việc tự giác chấp hành các biện pháp về giãn cách.
Công an quận 7 (TP HCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hồ Hữu Nhân về tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” theo điều 339 Bộ luật Hình sự. Đây là quyết định cần thiết và thoả đáng với hành vi của Hồ Hữu Nhân.
Nhưng chưa hết, dư luận yêu cầu chính quyền quận 7 phải xử lý nghiêm cả công chức nào đã cho Hồ Hữu Nhân mượn thẻ công vụ để phục vụ vào mục đích cá nhân, cụ thể ở đây là để luồn lách các qui định về phòng chống dịch?
2. Cũng là làm càn, nhưng trường hợp của 2 quan chức ở tỉnh Bình Định thì khác. Giữa lúc cả nước, trong đó có cả những đồng nghiệp và người thân của mình, nỗ lực hợp tác với chính quyền chống dịch, thì 2 vị vác gậy đi chơi golf, hưởng thú an nhàn bất chấp lệnh cấm.
Giám đốc một sở như ông Nguyễn Văn Dũng, hay cục phó cục thuế như ông Nguyễn Công Thành, lẽ ra phải là những tư lệnh của đơn vị mình để lãnh đạo cán bộ, nhân viên dưới quyền chấp hành các biện pháp phòng chống dịch. Lẽ ra người dân phải được nhìn thấy các ông trong sự gương mẫu, xả thân. Thế nhưng, họ lại hành xử như việc đó là chuyện của ai chứ không liên quan đến mình.
Thật vô cảm!
Chưa kể, khi bị lộ, các ông này còn thiếu trung thực trong khai báo, thậm chí nguỵ tạo việc được mời “khảo sát thực địa” sân golf nhằm hợp thức hóa cho hành vi chơi golf trái quy định.
Chưa nói đến đạo đức công vụ, chỉ nói về trách nhiệm của một cán bộ công chức là công bộc của dân, hưởng đồng lương từ ngân sách nhà nước, thì đã thấy hành vi của 2 vị này là quá ngông nghênh. Những người như ông Dũng, ông Thành chỉ để lại trong cán bộ, công chức và nhân dân hình ảnh của những công bộc vô cảm, lệch lạc, biến chất.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định và lãnh đạo ngành thuế đã kỷ luật cảnh cáo không chỉ đối với ông Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Công Thành, mà còn cả với bà Huỳnh Thị Kim Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Định, do bà này có hành vi gửi giấy mời “khảo sát thực địa” để hợp thức hoá việc chơi golf như đã nêu (trong đó ông Dũng và bà Bình còn bị miễn nhiệm chức vụ).
Xử lý ngay và xử lý nghiêm những cá nhân làm càn, bất luận là ai, kể cả người vi phạm lẫn người bao che, dung túng cho hành vi coi thường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Phải xem đó là khẩu lệnh của “cuộc chiến chống Covid-19” đòi hỏi các tổ chức, các cấp, ngành, địa phương phải thực hiện ngay và thực hiện nghiêm, nếu không muốn hàng ngày phải tiếp tục nhìn thấy đồng bào, đồng chí, người thân của mình phải tử vong vì Covid-19; nếu không muốn công sức, nhân lực của đất nước tiếp tục bị bào mòn vì tập trung cho chống dịch.
473.530 ca nhiễm Covid-19, trong đó đã có 11.868 ca tử vong… là những con số được Bộ Y tế công bố vào sáng 2-9, về hậu quả của dịch Covid-19 gây ra ở nước ta. Dù tốc độ lây lan và độc lực ở những chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 là rất kinh khủng, nhưng đừng quên là SARS-CoV-2 sẽ càng nguy hiểm hơn nếu được cộng hưởng bởi những hành vi càn quấy, coi thường các biện pháp phòng chống dịch.
Lương Duy Cường – Người lao động online