Home / Trang chủ  / Hội thảo  / Tưởng nhớ Huỳnh Khương An tại Hội quán HNVNTP (UGVF)

Tưởng nhớ Huỳnh Khương An tại Hội quán HNVNTP (UGVF)

TƯỞNG NHỚ HUỲNH KHƯƠNG AN, NGƯỜI VIỆT NAM, LIỆT SĨ CHÂTEAUBRIANT, HY SINH VÌ NƯỚC PHÁP, VÌ TƯ TƯỞNG TIẾN BỘ CỦA NHÂN DÂN TOÀN THẾ GIỚI. HOMMAGE A HUYNH KHUONG AN, UN MARTYR DE CHÂTEAUBRIANT,

TƯỞNG NHỚ HUỲNH KHƯƠNG AN, NGƯỜI VIỆT NAM, LIỆT SĨ CHÂTEAUBRIANT, HY SINH VÌ NƯỚC PHÁP, VÌ TƯ TƯỞNG TIẾN BỘ CỦA NHÂN DÂN TOÀN THẾ GIỚI.

HOMMAGE A HUYNH KHUONG AN, UN MARTYR DE CHÂTEAUBRIANT, MORT POUR LA FRANCE ET LE PROGRES SOCIAL DES PEUPLES DU MONDE ENTIER.

Ngày 22 tháng 10 năm 2021, nhiều nơi trên nước Pháp tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày mà 27 người kháng chiến, yêu nước Pháp bị phát-xít Đức hành quyết tại Châteaubriant.

Huỳnh Khương An, người Việt Nam là một trong số 27 liệt sĩ đó.

Cũng vào ngày này, Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) và Hội Ái hữu Châteaubriant tổ chức buổi tọa đàm tại Trụ sở của UGVF, 16 rue du Petit Musc 75004 Paris.

Mình được mời tham luận và trao đổi với những người tham dự, cùng với Carine PICARD-NILÈS, tổng thư ký của Hội Ái hữu Châteaubriand-Voves-Rouillé-Aincourt và Alain RUSCIO, nhà sử học.

Buổi tọa đàm đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời dũng cảm và dấn thân phi thường của Huỳnh Khương An, nhà hoạt động cộng sản, người kế thừa truyền thống yêu nước, chống thực dân của tuổi trẻ Việt Nam, thấm nhuần hai nền văn hóa Việt – Pháp.

HUỲNH KHƯƠNG AN sinh ngày 7/4/1912 tại Sài Gòn, là con út trong gia đình trí thức có ba chị em. Bố ông là nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh (1890-1950), quê ở làng Thắng Tam, Vũng Tàu.

Năm 12 tuổi, ông được gia đình gửi sang Pháp tiếp tục việc học tại trường trung học “Lycée du Parc” ở thành phố Lyon.

Tốt nghiệp cử nhân văn khoa Trường đại học Toulouse, Huỳnh Khương An lên Paris năm 1938 để chuẩn bị kỳ thi thạc sĩ, cùng lúc ông được bổ nhiệm làm giáo sư thực tập ở Trường trung học Carnot ở Versailles.

Tuy nhiên, ở Pháp, ông không chỉ học, làm việc và vui chơi, giải trí, mà sớm dấn thân vào phong trào cộng sản quốc tế. Cũng như những thành viên của gia đình ông, bố ông và hai chị gái đều là những nhà cách mạng Việt Nam yêu nước, Huỳnh Khương An từng làm bí thư Đoàn sinh viên cộng sản Lyon và tổ chức phong trào sinh viên hỗ trợ cuộc đình công của công nhân nhà máy xe Berliet.

Đây cũng là thời điểm ông quen biết bà Germaine Barjon – một nữ chiến sỹ cộng sản nắm giữ vị trí lãnh đạo tại tổ chức “Những người bạn của Liên Xô” và từ đó gắn bó với bà. Cả hai sau đó chuyển về Paris, sống cùng ở số 6, đại lộ Porte Brancion, quận 15 Paris và có một con trai.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, nước Đức phát-xít xâm lược Pháp, ông tham gia các hoạt động bí mật, phát truyền đơn của Đảng Cộng sản Pháp và hội “Những người bạn của Liên Xô” nhằm tuyên truyền và kêu gọi người dân Pháp tham gia kháng chiến. Ông nghe đài phát thanh Moskva và lấy thông tin từ đó để viết các bài cho tờ báo được phát hành bí mật tại Pháp có tên gọi “Nước Nga ngày nay.”

Sau khi các tổ chức cộng sản bị giải thể, ông bước vào hoạt động bí mật ở Paris cho đến tháng 6 năm1941 thì bị bắt. Sau vụ ám sát viên sĩ quan Đức tháng 10 năm 1941 ở Nantes, quân đội Đức trả đũa bằng cách hành quyết 27 người cộng sản đang bị giam giữ ở Châteaubriant.

Trong bài phát biểu, mình đã nói lên nhiều giả thiết có thể được đặt ra nếu như Huỳnh Khương An đã không phải chết. Ngoài ra, mình muốn nhấn mạnh rằng, ở Pháp, việc ông gia nhập Đảng cộng sản Pháp, tham gia tích cực vào hàng ngũ những người kháng chiến chống chủ nghĩa phát-xít, vì sự tiến bộ của nhân loại… cũng chính là một cách bày tỏ lòng yêu nước với Việt Nam. Sự dấn thân không ngừng nghỉ đến hơi thở cuối cùng cho cách mạng Pháp, cho phong trào cộng sản quốc tế, sự hy sinh dũng cảm, kiên cường của ông là một tấm gương sáng không chỉ cho thế hệ trẻ Pháp mà còn cho cả thế hệ trẻ Việt Nam.

Năm 2014, một tấm biển ghi tên tuổi và công trạng của ông đã được Tòa thị chính Paris (theo gợi ý của Hội Ái hữu Châteaubriand-Voves-Rouillé-Aincourt, với sự có mặt của ĐSQ Việt nam tại Pháp) dựng lên ở ngay trước tòa nhà nơi có căn hộ mà hai vợ chồng ông đã ở.

Tại Việt Nam, hiện có hai đường phố mang tên ông, một ở Vũng tàu và một ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều người tham dự đã nói rằng, họ mong muốn những buổi gặp mặt tọa đàm như thế này được nhân rộng ra, để những người như ông không bị thế hệ trẻ lãng quên…

Trước lúc ra đi mãi mãi, ông đã để lại cho người vợ trẻ và cũng là đồng chí của mình (bà cũng bị bắt và bị giam ở một nơi khác) một bức thư ngắn nhưng thật cảm động và vô cùng quý giá. Mình tạm dịch dưới đâ :

« Hãy can đảm lên, em yêu của anh. Có lẽ đây là lần cuối cùng anh viết cho em. Ngày hôm nay, chắc anh sẽ vĩnh viễn xa mẹ con em.

Tụi anh, khoảng hai mươi đồng chí đang bị tạm giam trong một doanh trại không có người ở, sẵn sàng dũng cảm hy sinh với phẩm giá của mình.

Em sẽ không phải hổ thẹn về anh. Em cần rất nhiều dũng khí để sống, còn nhiều hơn anh để chết. Nhưng nhất định em phải sống, vì còn đứa con yêu bé bỏng của chúng ta. Khi nào gặp lại con, em hãy hôn con thật chặt cho anh.

Từ nay, em cần phải sống với kỷ niệm về anh, về 5 năm hạnh phúc mà chúng ta đã ở bên

nhau.

Vĩnh biệt em yêu.

Hôn em rất nhiều và gửi tới em những vuốt ve âu yếm cuối cùng của anh.

Hãy ôm hôn bố mẹ em thật tình cảm cho anh.

An »

« Sois courageuse, ma chérie. C’est sans aucun doute la dernière fois que je t’écris. Aujourd’hui, j’aurai vécu.

Nous sommes enfermés provisoirement dans une baraque non habitée, une vingtaine de camarades, prêts à mourir avec courage et avec dignité.

Tu n’auras pas honte de moi. Il te faudra beaucoup de courage pour vivre, plus qu’il n’en faut à moi pour mourir.

Mais il te faut absolument vivre. Car il y a notre chéri, notre petit que tu embrasseras bien fort quand tu le reverras.

Il te faudra maintenant vivre de mon souvenir, de nos heureux souvenirs, des cinq années de bonheur que nous avons vécu ensemble.

Adieu ma chérie.

Mes baisers, mes dernières caresses.

A tes parents mes affectueux baisers.

An. »

Trần Thị Hảo, ngày 22/10/2021

phamlekicu16@gmail.com

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content