Nhất thời và vĩnh cửu
Nhân COP26 họp tại Glasgow (Anh) suy ngẫm về NHẤT THỜI VÀ VĨNH CỬU Jacques-Yves Cousteau, nhà hải dương học người Pháp đã quá cố, người thường được tôn vinh là « thuyền trưởng của hành tinh
Nhân COP26 họp tại Glasgow (Anh) suy ngẫm về
NHẤT THỜI VÀ VĨNH CỬU
Jacques-Yves Cousteau, nhà hải dương học người Pháp đã quá cố, người thường được tôn vinh là « thuyền trưởng của hành tinh xanh », từng nói : « Chúng ta không thể nào tiếp tục xử lý như thể mình là thế hệ cuối cùng của trái đất này » bởi vì « con cháu chúng ta có quyền đòi hỏi chúng ta phải để lại cho chúng một hành tinh có thể sống được ».
Quả là một nghịch lý, khi quá trình công nghiệp hóa đang nhân danh lợi ích hàng trăm năm của con người lại hủy diệt chính những nguồn nuôi dưỡng sự sống của nhân loại. Để thỏa mãn nhu cầu trước mắt, con người đang gặm đần cái bánh của thiên nhiên : rừng bị phá trụi, thú bị săn bắt, nguồn nước bị khai thác cạn kiệt, hải sản không kịp sinh sôi, khí thải làm tăng hiệu ứng nhà kính…
Cuộc chạy đua theo nhịp phát triển đang cuốn hút các quốc gia đề ra những chỉ tiêu tăng trưởng vượt quá sức mình, và bằng mọi giá, không để bị cộng đồng nhân loại bỏ lại đằng sau. Lịch sử đã cung cấp bài học xương máu rằng sự chậm tiến về kinh tế, khoa học và kỹ thuật có thể là cái giá đắt phải trả cho việc duy trì nền độc lập và tự chủ của đất nước. Trong một thế giới liên lập như hiện nay, rõ ràng con người không thể sống thuần phác theo lẽ tự nhiên, tự bằng lòng với những gì mà tạo hóa ban phát cho mình, như triết lý của Lão Tử.
Nhưng cũng đã qua rồi cái thời ấu trĩ, tin rằng con người có thể chinh phục thiên nhiên, « vắt đất ra nước, thay trời làm mưa », nghĩ rằng con người là « chúa tể của muôn loài » nên có thể sai khiến thiên nhiên theo những mệnh lệnh ngông cuồng nhất của mình. Hậu quả của những chính sách duy ý chí đã để lại những di chứng nặng nề như thế nào, mọi người đều biết, và việc sử chữa đòi hỏi không biết bao nhiêu công sức và thời gian. Việc khai thác gỗ ở rừng đầu nguồn cũng như xây dựng « những công trình thế kỷ » thiếu luận chứng khoa học đã gây nạn lũ lụt tác hại đến đời sống của hàng chục triệu cư dân châu Á.
Bên cạnh những hậu quả trực tiếp có thể nhận ra tức thời, có những hậu quả lâu dài, âm thầm, mà những người quản lý thực dụng và thiếu tầm nhìn xa, dễ dàng bị mối lợi làm cho lóa mắt. Những nhà máy được đầu tư với công nghệ lỗi thời đang làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và cả các dòng sông, với chất thải không được xử lý của nó. Cuộc sống đòi hỏi thái độ dũng cảm của các cấp chính quyền, như thời gian gần đây cho thấy, mạnh dạn nói không với những dự án đầu tư hàng triệu đô-la của nước ngoài có nguy cơ gây ra tổn hại về môi trường sinh thái.
Nhãn quan duy kinh tế nơi những người hoạch định và thi hành chính sách thật ra chỉ phản ánh một thái độ thiển cận về phát triễn. Sự phát triễn đích thực của một quốc gia, nói riêng về lĩnh vực kinh tế, không chỉ được đo đếm bằng các nhà máy, khu công nghiệp … được xây dựng mỗi năm, mà còn là quy mô của ngành du lịch, xuất khẩu văn hóa và giáo dục… Liệu sẽ có bao nhiêu du khách quay trở lại vùng đất, nơi mà tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên không kiểm soát nổi và các di sản văn hóa bị lai tạp đến mức biến dạng ?
Tất nhiên, nhân dân và chính phủ không khỏi tự hào về mức độ tăng trưởng kinh tế, thông qua các con số GDP như là một ám ảnh không rời trong những bản báo cáo. Nhưng một thời đại, một xã hội, một nhiệm kỳ công tác hẳn nhiên không chỉ được đánh dấu son bằng con số GDP. Người dân chờ đợi và ghi nhớ thời đại đó, xã hội đó, nhiệm kỳ đó trước hết qua tỷ lệ giường bệnh và nhà thương, tỷ lệ lớp học và trường học, tỷ lệ mét vuông cây xanh trên đầu người, tỷ lệ trẻ em đi học và người già được chữa bệnh miễn phí.
Tăng trưởng kinh tế, suy cho cùng, là vì con người. Và đây là con người lao động, sự phát triễn bền vững của một đất nước đòi hỏi chăm lo đến môi trường điều kiện, phương tiện và mức sống của bản thân người lao động. Một không gian sống hài hòa có thể kích thích sự sáng tạo cá nhân, cho ra đời những sản phẩm có chất lượng phục vụ cộng đồng. Và đó chính là là mối quan hệ hỗ tương giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng sống của con người.
Mỗi con người chỉ có một cuộc đời để sống. Và con người có nhu cầu tận hưởng hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Liệu người ta có thể hạnh phúc đích thực, khi ra đường thì đương đầu với nạn kẹt xe, khói bụi, tiếng ồn, về nhà thì nơm nớp lo sợ thức ăn nhiễm hóa chất ? Những mối nguy này không chừa một ai, người giàu cũng như kẻ nghèo, quan chức cũng như dân thường. Phát triển trong bền vững, đó là mệnh lệnh của cuộc sống, vì những mục tiêu nhất thời cũng như vĩnh cửu mà chính xã hội và con người theo đuổi.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Trích từ tập tản văn Thành phố những thước phim quay chậm