Tàu điện (Métro) Cát Linh – Hà Đông khai trương
Đây là tuyến Métro đầu tiên của Việt Nam được đưa vào vận hành. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, với 12 nhà ga thuộc ba quận Đống
Đây là tuyến Métro đầu tiên của Việt Nam được đưa vào vận hành.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, với 12 nhà ga thuộc ba quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông. Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Do vay của Trung Quốc nên điều kiện là phải dùng nhà thầu của họ.
Về tổng mức đầu tư, dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc với tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó “đội vốn” lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay là 13.867 tỷ đồng (668 triệu USD), vốn đối ứng từ phía Việt Nam là 4.134 tỷ (200 triệu USD).
Quá trình triển khai dự án kéo dài qua 5 đời Bộ trưởng GTVT. Bắt đầu từ thời ông Đào Đình Bình và Hồ Nghĩa Dũng, đến thời ông Đinh La Thăng lên làm Bộ trưởng thì dự án được phê duyệt, khởi công xây dựng (10/10/2011) và tiếp tục được triển khai qua thời ông Trương Quang Nghĩa và hiện tại là ông Nguyễn Văn Thể.
Về tiến độ dự án, ngay từ khi khởi công được xác định sẽ hoàn thành đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Sau đó, trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vừa chủ quan lẫn khách quan nên liên tiếp lùi tiến độ tới tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019, cuối năm 2019, đầu năm 2020, cuối năm 2020, đầu năm 2021, giữa năm 2021, và tới nay mới hoàn thành, đưa vào khai thác.
Tháng 9/2019, khi dự án còn 1% liên quan đến hạng mục chỉnh trang làm đẹp, khắc phục một số khiếm khuyết về thiết kế. Tổng thầu Trung Quốc cho rằng dự án có thể đưa vào khai thác thương mại, tuy nhiên Bộ GTVT không đồng ý và cho rằng dự án phải đảm bảo an toàn tuyệt đối mới đưa vào khai thác thương mại. Do vậy tổng thầu phải khắc phục và hoàn thành, đảm bảo dự án.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi bàn giao dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đưa vào vận hành khai thác thương mại, Bộ GTVT đã thuê Tư vấn ACT (Pháp) đánh giá an toàn hệ thống để tiến hành đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống.
Trong ngày đầu tiên khai thác (6/11), đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã thu hút hơn 25.680 người dân đi tàu.
Đại diện Metro Hà Nội cho biết trong vòng 15 ngày đầu (tính từ ngày 6/11) hệ thống tàu Cát Linh-Hà Đông sẽ phục vụ miễn phí cho tất cả người dân đến đi thử. Sau 15 ngày sẽ bắt đầu thu phí. Hành khách có thể chọn mua vé theo hình thức vé lượt, vé ngày, vé tháng.
Giá vé được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất. Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông ; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.
Tuyến có tổng chiều dài là 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao ; tốc độ khai thác là 35km/giờ ; thời gian chạy tàu cho toàn tuyến là khoảng 24 phút ; khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ-23 giờ hàng ngày.
Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến.