Trích sách Quyển sách Một thế kỷ/CUỘC SỐNG CỘNG ĐỒNG 1
Một cộng đồng giàu truyền thống: I. Ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền
CUỘC SỐNG CỘNG ĐỒNG
Một cộng đồng giàu truyền thống:
Có lẽ trên thế giới, Pháp là nước có cộng đồng người Việt đến định cư lâu đời nhất và số lượng tăng dần vào đầu thế kỷ thứ 20. Sau năm 1975, số người Việt tại đây tăng lên đáng kể và hiện có khoảng 350.000 người thuộc nhiều thế hệ, sinh sống và làm việc tại nhiều vùng, miền khác nhau trên toàn nước Pháp. Với bề dày lịch sử 100 năm tồn tại và phát triển, Hội người Việt Nam tại Pháp (Hội NVNTP – UGVF), với nhiều tên gọi khác nhau, luôn hướng về cộng đồng Việt với mong muốn mỗi người con xa quê luôn yêu thương, tự hào về nguồn gốc của mình cũng như chia sẻ những giá trị tinh thần tương thân tương ái, là điểm tựa cho bà con kiều bào hòa nhập với văn hóa, cuộc sống, thực hiện luật pháp của nước sở tại, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, đóng góp tích cực vào quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước.
Lịch sử của cộng đồng người Việt tại Pháp không được bắt đầu bằng những chuyến đi của các thương gia hay các nhà truyền giáo, cũng không phải thông qua con đường xuất khẩu lao động tự nguyện như một số cộng đồng ở Đông Âu, mà chính bắt đầu từ những lý tưởng, trăn trở, lo âu cho đất nước.
Trải qua nhiều thập niên phấn đấu, cần cù học tập, lao động, sáng tạo, công đồng người Việt tại Pháp đã tạo dựng được cho mình những tiềm lực đáng kể về tri thức và kinh tế, ngày càng có nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hoá, văn học và xã hội Pháp cũng như đóng góp công sức vào sự nghiệp phát triển đất nước. Càng ngày càng có nhiều trí thức Việt kiều tại Pháp trở về tham gia các chương trình hợp tác, trực tiếp giảng dạy cho các sinh viên trong nước, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hoặc làm cầu nối đưa các dự án, nguồn tài trợ trong nhiều công trình có giá trị cho đất nước.
Nhiều người Việt ở Pháp đã thành công và trở nên nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ các ngành khoa học khác nhau cho đến lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, văn học, thiết kế thời trang hay kinh doanh v.v… Phần đông làm việc trong các công sở, một số không nhỏ mở nhà hàng Việt Nam, tập trung trong quận 13 Paris và rải rác khắp một số thành phố khác. Ngoài ra còn có một số là trí thức trong các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu hay hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật v.v…Nhiều người sau
khi tốt nghiệp đảm nhận nhiều trọng trách khác nhau trong những công ty tư nhân, bộ
máy chính quyền và các cơ sở khoa học của Pháp.
Cho dù sống trên nước Pháp nhưng những người con đất Việt luôn có một tinh thần chung là hướng về cội nguồn và không quên được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng nơi quê nhà. Điều đó được thể hiện thông qua các sinh hoạt như:
- Tổ chức Tết,
- Trại hè,
- Sinh hoạt lớp thiếu nhi
- Hoạt động thể thao,
- Thương mại,
- Hoạt động tư vấn.
- Tham gia xây dựng Chùa.
- Hoạt động đặc trưng của thế hệ thứ hai.
A. Phong trào Việt kiều với những hoạt động xây dựng đời sống cộng đồng:
I. Ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền :
Tết Nguyên Đán là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam, vì vậy, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Hội người Việt người Việt Nam tại Pháp lại tổ chức một đêm Tết rộn ràng, náo nức. Việc tổ chức Tết không chỉ là truyền thống hàng năm, mà còn là hoạt động chính của Phong trào, được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau một cách tự nhiên, sâu sắc và thiết thực. Tết cũng là mô hình để tổ chức các sinh hoạt khác của Hội, bởi từ hoạt động có ý nghĩa này đã làm nảy sinh hàng loạt ý tưởng sáng tạo, tinh tế và đậm chất Việt.
Từ năm 1919 đến những năm 1940, rải rác có vài đêm tết nhưng là sáng kiến cá nhân hoặc vài tổ chức đơn lẻ.
Những năm giữa và cuối thế kỷ 20, mỗi năm Hội bắt đầu tập trung chuẩn bị Tết từ khoảng
Noël và sau đó dư âm của Tết vẫn còn lưu mãi. Hầu hết tất cả mọi người đều tham gia,
từ trí thức, công nhân cho đến thương gia, những người lao động, sinh viên, học sinh… Nhiều người xin nghỉ việc ba, bốn ngày để lo Tết cho Hội, vì thời đó, chủ yếu là các thành viên và gia đình của họ đều đón Tết ở Hội mà không tổ chức tại gia. Có những người còn thức suốt hai đêm cuối để chuẩn bị Tết.
Những năm trước 1975, khi đất nước ta còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Tết Nguyên Đán cũng là dịp để bà con bày tỏ thái độ chính trị chống chiến tranh xâm lược thông qua các hoạt động văn nghệ, các hoạt động đoàn kết với nhân dân trong nước, các đóng góp về tinh phần và vật chất. Năm 1973, chỉ một tuần sau ngày ký Hiệp định Paris lịch sử, kiều bào ta tại Pháp vui mừng, hân hoan đón Tết Quý Sửu, Tết chiến thắng, Tết hòa bình, với nhiều hoạt động không thể nào quên. Đêm Tết « Hòa Bình » được Hội Liên hiệp Việt Kiều tại Pháp – tiền thân của Hội người Việt nam tại Pháp – tổ chức vào ngày 03/02/1973 tại Nhà hát Mutualité (Paris) chật kín chỗ ngồi. Những hình ảnh và ký ức ấy đã khắc sâu trong tâm khảm mỗi hội viên không chỉ dịp ấy mà còn lưu mãi về sau, đặc biệt những khi Tết đến..
Ngoài ý nghĩa chính trị, Tết là dịp để quảng bá văn hóa Việt Nam từ những chuyên đề văn nghệ hấp dẫn người xem, giúp họ khám phá truyền thống, đất nước con người Việt Nam. Đội ngũ diễn viên cũng như những người tổ chức là nghiệp dư, nhưng với kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thích, các buổi văn nghệ trong dịp Tết có thể nói đạt trình độ khá chuyên nghiệp trong suốt mấy chục năm và cho đến ngày nay. Về âm thanh, ánh sáng, trang trí, trang phục v.v., Hội có những người biết sử dụng những chất liệu chuyên dụng khá hiện đại, với đội ngũ những người giỏi được đào tạo tại Pháp, làm việc trong các Hãng lớn nhất ở Pháp. Các bác công nhân giỏi chuyên môn, những gì cần đề ra là các bác đều thực hiện tốt, ví dụ việc cần cơi nới sân khấu, tự may trang phục hay tự trang điểm… Nói chung, Hội đã tập trung được những người có khả năng thực hiện, cộng thêm sự tự nguyện và lòng nhiệt tình, tinh thần phục vụ…, đã làm nên những chương
trình văn nghệ khá đồ sộ, phong phú và gây được tiếng vang. Số người tham gia văn nghệ đông, có năm lên đến 80 người cho dàn hợp xướng.
Từ năm 1954 cho đến năm 1975, vì bà con chưa có điều kiện về Việt Nam ăn Tết nên chương trình văn nghệ vào dịp này giúp họ tiếp cận với văn hóa Việt Nam, là dịp để bà con gặp gỡ, trao đổi cùng hướng về Tổ quốc và tri ân công đức của tổ tiên.
Năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, phong trào Việt kiều được tập hợp dưới một mái nhà, chính thức lấy tên là Hội người Việt nam tại Pháp. Từ đây, Hội lại tiếp tục tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết, nhằm tập trung hỗ trợ công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Nhiều năm trở lại đây, Hội kết hợp cùng Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hội Thanh niên Việt nam tại Pháp, tổ chức một đêm Tết đông vui, đầm ấm, có ý nghĩa, với mục đích sao cho các thế hệ sinh sống tại Pháp đoàn kết và ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước. Và từ đó thu hút nhiều người tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ các vùng, miền gặp thiên tai hay những trẻ em nghèo, hoặc hỗ trợ ngư dân ra khơi đánh cá trong vùng biển của Tổ quốc đang gặp khó khăn…Nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc chào đón xuân mới, với sự tham gia tích cực của các thế hệ, đặc biệt là các em thiếu nhi. Những bộ trang phục cổ truyền dân tộc, những làn điệu dân ca thắm đượm bản sắc quê hương, những bài hát tiếng Việt, giúp các em nhỏ biết thêm về đất nước, con người Việt nam, nhớ về nguồn cội.
Từ năm 1982, nhờ sáng kiến và có sự tham gia tích cực của thế hệ thứ hai, các em sinh ra tại Pháp, không khí Tết có sự gắn kết giữa nét cố truyền Việt nam và nét hiện đại Tây phương. Những tiết mục của các em thể hiện bản sắc riêng, bản sắc của sự hội nhập sáng tạo. Đó là sự cảm hứng được tạo ra từ những nền văn hóa khác nhau trên thế giới, truyền thống và hiện đại, đồng thời đòi hỏi nét Việt Nam được ghi dấu ấn trong thời kỳ của nó.
Từ những năm 2000, hoạt động Tết sôi nổi và đa dạng hơn. Tết không chỉ là dịp tập trung Cộng đồng người Việt hay người Pháp gốc Việt mà còn là sự kiện văn hóa của Cộng đồng và người Pháp.
Nhờ hoạt động Tết nên Hội không chỉ giới thiệu văn hóa, văn nghệ mà còn duy trì được sự có mặt của Việt Nam ở Pháp nói chung và ở Paris nói riêng, nhất là những năm chuyển tiếp từ 1954 cho tới 1960. Và hoạt động này vẫn tiếp tục cho đến hiện nay.
Ngoài ngày Tết Nguyên Đán, hàng năm, cứ mỗi dịp ngày rằm tháng tám âm lịch đến, Hội không quên tổ chức Tết Trung thu cho các em thiếu nhi. Một ngày hội nhộn nhịp trong không khí tổ chức và chuẩn bị trung thu. Người lớn thì mua sắm quà cáp cho các bé, còn
trẻ em thì tưng bừng hát ca chào đón bằng giọng hát tiếng Việt còn chưa thật sõi. Để có một chương trình diễn ra thành công và suôn sẻ thì những người chuyên phụ trách thiếu nhi của Hội phải chuẩn bị một kịch bản chu đáo.