Home / Trang chủ  / Lịch sử  / Ngày này, 49 năm trước

Ngày này, 49 năm trước

Ngày 27-01-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (lịch sử gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết tại Trung tâm hội nghị quốc tế tọa

Ngày 27-01-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (lịch sử gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết tại Trung tâm hội nghị quốc tế tọa lạc trên đại lô Kléber thuộc quận 8, thành phố Paris, giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH), Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN), Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Đây là kết quả của gần 5 năm đàm phán bắt đầu từ ngày 13/05/1968, trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn. Là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới.

Đây cũng là một giai đoạn lịch sử rất tự hào của phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp, trong đó phải kể đến vai trò trụ cột của Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) ngày nay.

Từ những năm 1940 đến năm 1968, đa số Việt kiều sang Pháp đều là những thanh niên Việt Nam bị điều động để tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, một phần khác là đi du học, đoàn tụ gia đình… xuất thân từ các thành phố miền Nam Việt Nam, cùng nhau tập hợp dưới mái nhà chung là “Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp” với mục tiêu ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hội lúc đó gồm nhiều tổ chức như : Liên hiệp sinh viên, Liên hiệp trí thức, Hội công nhân, Hội thương gia, Hội phụ lão, Hội y học…

Nhớ lại chặng đường lịch sử cách đây gần nửa thế kỷ khi diễn ra các cuộc đàm phán công khai cũng như bí mật để đi đến ký kết Hiệp định Paris, ký ức của những Việt kiều năm xưa như vẫn còn vẹn nguyên mang đầy xúc động.

Việt kiều Pháp góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris | VOV.VN

Thời kỳ đó, các tổ chức hội đều tham gia hỗ trợ các phái đoàn đàm phán bằng cả tấm lòng của một con dân đất Việt. Hàng ngày, ba bộ phận cùng phối hợp làm việc là nhóm làm báo, dịch tài liệu ; nhóm chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong đoàn và nhóm theo dõi hoạt động của đối phương. Cứ vào thứ ba hàng tuần, các nhóm lại họp với ông Nguyễn Minh Vỹ (VNDCCH) và bà Nguyễn Thị Trơn (thư ký của bà Nguyễn Thị Bình – Trưởng đoàn CPCMLTCHMNVN), ông Phan Văn Soàn (Thanh Nam – phụ trách công tác bảo vệ an ninh cho hai đoàn Việt Nam)…

Có 5 thành viên của Hội liên hiệp Việt kiều đã trở thành đoàn viên chính thức của hai đoàn đàm phán Việt Nam. Đó là những người đã tình nguyện ngưng hoạt động kiếm sống cho bản thân, có trình độ kiến thức, trình độ chính trị, am tường nhuần nhuyễn cả hai thứ tiếng Pháp – Việt, thông thạo về nghiệp vụ báo chí và thái độ ứng xử như làm phiên dịch, lập biên bản các cuộc họp, họp báo, trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế…

Năm người đó là các anh Huỳnh Hữu Nghiệp, Nguyễn Vĩnh Mỹ, Nguyễn Ngọc Giao, Lê Quang Trọng, Nguyễn Hữu Động.          

Có một số người đã được bố trí đến sống chung hẳn với hai đoàn như là bác sĩ Nguyễn Văn Lâm (Montpellier) để thường trực lo chăm sóc sức khỏe cho các thành viên, cùng với các bác sĩ như chị Thérèse Nguyễn Văn Ký, anh Ngô Thuần Phương, bà Jeanne Phi, v.v…. Riêng đối với đoàn miền Nam ở thành phố Verrrières-les-Buissons (ngoại ô nam Paris) có các anh Nguyễn Văn Lâm, Đỗ Chí Dũng, Đào Thị Hoàng Anh, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Thị Như Phi, Phạm Gia Thái, Lê Tâm…

Anh Lê Ủy được phân công lo về tất cả những gì thuộc về hậu cần cho hai đoàn, điều động xe hơi, tài xế, mua xăng với giá ngoại giao đoàn, tiếp xúc với các bộ phận chính quyền Pháp liên quan.

Điểm qua lịch sử báo chí tại Pháp sau một thế kỷ – MEDIA 99

Ngoài ra còn có anh Nguyễn Đức Phương, vốn là thành viên trong Ban Biên tập báo Ðoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Hội, đã quen việc viết báo, tham gia làm Bản tin hằng tuần về Hội nghị Paris, nhằm tuyên truyền nhanh chóng và kịp thời để cộng đồng Việt kiều và quốc tế nắm bắt đầy đủ nhất những thông tin về diễn tiến của Hội nghị Paris.

Có một bộ phận « đặc biệt » do anh Nguyễn Văn Bổn (thành viên Ban chấp hành Hội) phụ trách đưa một số người xung phong từ giã bạn bè trong phong trào, gia nhập vào hàng ngũ của các tổ chức chính quyền Sài Gòn để nắm tình hình. Chính nhờ các thông tin của các anh chị đó, Hội đã nắm được các âm mưu của « phía bên kia », ví dụ như ngày ký kết Hiệp định, Hội đã biết trước địa điểm tập hợp và kế hoạch của họ trước phòng Hội nghị Kléber.

Một loạt các bác gái tham gia vào việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày sao cho tốt nhất cho sức khỏe các thành viên hai đoàn.

Có thể nói, hàng trăm người đẫ được Hội điều động trong suốt 5 năm trời để giúp trực tiếp cho hai đoàn đàm phán của Việt Nam.

Đó là chưa kể đến các hoạt động bên ngoài đàm phán của Hội như vận động bà con tham gia các cuộc biểu tình, các cuộc tuần hành, mít-tinh cùng bạn Pháp để ủng hộ lập trường của Việt Nam, đưa cán bộ của mình sang các nước Tây Âu nhằm truyền đạt nhiệm vụ cho các hội đoàn Việt Nam…

Như đại sứ Võ Văn Sung (đại sứ đầu tiên của VNDCCH tại Pháp) đã nêu : « Liên hiệp Việt kiều là lực lượng hậu thuẫn rất hùng hậu cho hai đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris. Tôi thấy ít có nơi nào, nếu không nói là chưa hề có một hội nghị đàm phán quốc tế kéo dài trong gần 5 năm mà lực lượng kiều dân tại chỗ tham gia trực tiếp vào công việc như cuộc đàm phán của ta với Mỹ tại Paris, mà nổi bật là hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, xứng đáng là đội quân xung kích, là binh chủng đặc biệt ».

Phạm Nguyên Thy

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content