Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng trong năm 2022
Trong thập kỷ trước đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh trên thế giới (được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Trong thập kỷ trước đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh trên thế giới (được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài -FDI- mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất). Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt 7% trong cả hai năm 2018 và 2019.
Đà tăng trưởng kinh tế đã giảm đáng kể vào năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên năm 2020, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương 2,9% (so với mức tăng trưởng GDP 7,1% của năm 2019). Vốn FDI giải ngân ở mức khoảng 20 tỷ USD và vốn cam kết mới là 28,5 tỷ USD.
Với việc đại dịch trong nước được kiềm chế, đà tăng trưởng kinh tế được củng cố trong nửa đầu năm 2021 với mức độ GDP trong quý II/2021 tăng 6,6% so với mức tăng trưởng 4,65% được ghi nhận trong quý đầu tiên của năm 2021.
Tuy nhiên, vào giữa năm 2021, làn sóng dịch bệnh COVID-19 với biến chủng Delta đã lan nhanh khắp Đông Nam Á và gây những tác động mạnh đến kinh tế – xã hội của Việt Nam từ quý III/2021. TP. Hồ Chí Minh, một trung tâm thương mại trọng điểm đã phải đối mặt với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với nhiều hoạt động, bao gồm cả giao thông công cộng cũng như các hoạt động kinh doanh không thiết yếu. GDP giảm -6,17%.
Trong quý III/2021, các công ty đã ghi nhận sự gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng. Theo đó, mức độ chậm trễ giao hàng đạt mức cao nhất. Khó khăn trong việc vận chuyển cả trong nước và quốc tế, cũng như tình trạng thiếu nguyên liệu khiến nền kinh tế bị tụt hậu.
Trong nửa đầu năm 2021, chương trình vắc-xin COVID-19 của Việt Nam rất thấp so với tiến độ tiêm chủng ở nhiều quốc gia phát triển cũng như ở hầu hết các thị trường mới nổi khác. Thậm chí đến cuối tháng 8/2021, tỷ lệ tiêm vắc-xin liều đầu tiên chỉ đạt 15% tổng dân số, so với 80% ở Singapour, 56% ở Malaysie và 50% ở Nhật. Tỷ lệ dân số Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 8/2021 chỉ ở mức 3%. Tuy nhiên, tốc độ triển khai tiêm chủng đã tăng rất nhanh trong tháng 9 và tháng 10/2021, với tỷ lệ tiêm mũi đầu tiên tăng lên 63% vào ngày 8/11/2021, trong khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trong dân số đã tăng lên 31%, đặc biệt đến tháng 12/2021, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi trong dân số đã tăng lên 80%.
Dữ liệu kinh tế mới nhất cho quý IV/2021 cho thấy, có nhiều tín hiệu tốt cho đà phục hồi của nền kinh tế.
Triển vọng cho 2022
Năm 2021, GDP của Việt Nam đạt 2,58%, so với mức tăng trưởng 2,9% năm 2020. Đà tăng trưởng GDP sẽ phục hồi mạnh mẽ cho năm 2022, được FMI dự báo với tốc độ 6,3%, do việc tăng cường triển khai vắc-xin giúp hạn chế dần đại dịch và cho phép mở cửa dần đối với du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do có tác động tích cực đến xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là một động lực quan trọng đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, với 99% thuế quan song phương dự kiến được xóa bỏ trong vòng bảy năm tới, cũng như cắt giảm đáng kể các hàng rào thương mại phi thuế quan.
Từ 01/08/2021 71% các loại thuế được xóa bỏ khi EVFTA đã có hiệu lực. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được thực hiện từ ngày 1/1/2022. (15 quốc gia RCEP gồm 10 quốc gia ASEAN, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australie và Nouvelle Zélande. Hiệp định RCEP bao gồm nhiều lĩnh vực : thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và mua sắm chính phủ.
Tuy nhiên, một điểm không chắc chắn trong triển vọng này vẫn là biến thể COVID-19 mới đang tấn công các quốc gia trên thế giới nói chung. Nếu trường hợp đó xảy ra, sẽ tiếp tục gây ra rủi ro đối với triển vọng phát triển của Việt Nam.
GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 270 tỷ USD vào năm 2020 lên 433 tỷ USD vào năm 2025, tăng lên 687 tỷ USD vào năm 2030. Điều này có nghĩa là GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 2.785 USD/năm vào năm 2020 lên 4.280 USD/năm vào năm 2025 và 6.600 USD vào năm 2030, dẫn đến sự mở rộng đáng kể về quy mô thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam.
Cơ hội tăng trưởng trong những năm tới
Về triển vọng trung hạn trong 5 năm tới, một số cơ hội mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh trong khu vực châu Á. Cụ thể :
Một là, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí lương sản xuất tương đối thấp hơn so với các tỉnh ven biển của Trung Quốc, nơi tiền lương sản xuất đã tăng nhanh trong thập kỷ qua.
Hai là, Việt Nam có một lực lượng lao động tương đối lớn, có trình độ học vấn tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực ở Đông Nam Á, trở thành trung tâm sản xuất chế tạo hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia.
Ba là, Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, khi mức thuế cao hơn của Mỹ đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà sản xuất chuyển sản xuất hàng xuất khẩu khỏi Trung Quốc sang các trung tâm sản xuất thay thế ở châu Á.
Bốn là, nhiều công ty đa quốc gia đã và đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của họ trong suốt thập kỷ qua để giảm nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung cấp và các sự kiện địa chính trị. Xu hướng này càng được củng cố bởi đại dịch COVID-19, khi sự gián đoạn nguồn cung kéo dài từ Trung Quốc trong năm 2020 đã tạo ra sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho nhiều ngành khác nhau, nhất là về điện tử, mà Việt Nam hiện là một trung tâm sản xuất lớn cho thế giới.