Home / Trang chủ  / Tin tức  / Hàng hóa Việt tiếp tục mắc kẹt tại cửa khẩu phía Bắc

Hàng hóa Việt tiếp tục mắc kẹt tại cửa khẩu phía Bắc

Thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết lượng hàng hóa từ nội địa đưa lên qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu

Thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết lượng hàng hóa từ nội địa đưa lên qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu qua Trung Quốc đang tiếp tục tăng cao.

Tính đến ngày 16-2, lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh lên tới 2.272 xe. Cụ thể, tại cửa khẩu Hữu Nghị đang tồn 1.267 xe, trong đó có 953 xe hoa quả. Cửa khẩu phụ Tân Thanh đang tồn khoảng 1.000 xe, trong đó có hơn 900 xe hoa quả và nông sản.

Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết phía Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, siết chặt công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa.

“Mặc dù đã thường xuyên tổ chức các cuộc hội đàm, trao đổi với chính quyền và các lực lượng chức năng thị trấn Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc để cùng tìm các giải pháp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, nhưng hiệu suất thông quan vẫn rất thấp, trung bình chỉ giải phóng được khoảng 70-90 xe xuất/ngày”.

Với tình hình lưu lượng hàng hóa từ các tỉnh tiếp tục lên cửa khẩu chờ xuất khẩu và năng lực thông quan như trên, dự báo sẽ gây ùn ứ lớn tại các bến bãi, khu vực cửa khẩu, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là mặt hàng hoa quả chờ đợi trong thời gian dài sẽ dễ hư hỏng.

Đây là đợt ùn ứ tại cửa khẩu nghiêm trọng nhất, kéo dài từ cuối tháng 11/2021 tới nay, vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đáng nói, trong những ngày cao điểm, lượng xe nông sản nằm chờ thông quan tại các cửa khẩu của Quảng Ninh, Lạng Sơn lên tới con số gần 6.000.

Thị trường khổng lồ

Năm nào cũng nhận một vài “trái đắng”, từ thông quan chậm tới cửa khẩu đóng đột ngột nhưng doanh nghiệp Việt vẫn thích xuất hàng đi Trung Quốc.

Đã 2 tháng nay, nông sản của Việt Nam ùn ứ ở các cửa khẩu vẫn chưa giải quyết triệt để khi Trung Quốc quyết định cho đóng cửa các khẩu khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như “ngồi trên lửa”. Đây cũng là tình trạng diễn ra liên tục vào mỗi năm khi chính quyền nước này cho ra các quy định mới. Chưa dừng lại ở đó, ngay cả nông sản xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển cũng đột ngột bị tạm ngưng do chính quyền Trung Quốc siết chặt quy định phòng chống Covid-19 khiến thông quan chậm.

Nhưng nhiều doanh nghiệp dù đang gặp khó khăn vì hàng ách tắc, không thể thông quan, vẫn nói sẽ không “bỏ” thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho rằng, gặp khó nhưng công ty vẫn tìm cách xuất hàng sang thị trường này bằng nhiều phương án khác nhau. Doanh nghiệp luôn coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm vì đây là đất nước có dân số đông nhất thế giới và là mảnh đất “hấp thụ” hàng xuất khẩu khổng lồ.

“Có thời điểm, khi cùng các doanh nghiệp khác đánh giá về thị trường này thì chúng tôi đều kinh ngạc khi tổng sản lượng xuất khẩu cả năm của toàn bộ các thị trường EU, Singapour, Nhật… chỉ bằng 2 ngày xuất đi Trung Quốc”.

Cũng thừa nhận khó có thể bỏ mặc thị trường Trung Quốc, Giám đốc doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản ở Vĩnh Long cho biết doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp từ thị trường Trung Quốc chiếm 70%.

Mặt khác, Việt Nam có lợi thế là láng giềng nên thuận lợi trong việc giao thương. Các chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn nhiều lần so với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Do đó, nếu bỏ lỡ thị trường này doanh nghiệp tin sẽ bỏ lỡ khoản lợi nhuận khổng lồ mà các thị trường khác không thể bù đắp.

Thị trường dễ tính

Cùng với sức tiêu thụ khổng lồ, Trung Quốc là thị trường dễ tính nhất với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam – nêu những lý do khiến Trung Quốc là thị trường có sức hấp dẫn. Thứ nhất là giá mua nông sản của phía Trung Quốc cao hơn ở thị trường nội địa. Thứ hai là chất lượng nông sản đòi hỏi không cao hơn các thị trường khác như Âu Mỹ… Yếu tố thứ ba là quốc gia này không đòi hỏi các điều kiện bảo quản hàng sau thu hoạch phải hiện đại, tiên tiến. Cuối cùng là quãng đường di chuyển ngắn giúp nông sản xuất khẩu đảm bảo chất lượng tươi ngon.

Số liệu của Tổng Cục Hải quan mới đây cho thấy, ảnh hưởng của Covid-19 nhưng 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 54% về thị phần. Đây là thị trường tiếp tục dẫn đầu trong số 10 các quốc gia xuất rau quả của Việt Nam.

Con đường tiểu ngạch và cuộc chơi không cân bằng

Các loại trái cây tươi như dưa hấu, mít, thanh long, xoài,… nằm chờ, không thể thông quan được đành quay đầu bán đổ bán tháo tại thị trường nội địa với giá chỉ vài ngàn đồng mỗi cân. Bộ ngành phải kêu gọi doanh nghiệp chế biến, hệ thống bán lẻ vào cuộc chung tay tiêu thụ, đồng thời thu mua giúp bà con nông dân khi trái cây vào đợt thu hoạch rộ.

Thế nhưng, đây không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà năm nào nông sản Việt Nam cũng vài lần ăn “trái đắng” như vậy khi Trung Quốc đóng hoặc mở thất thường.

Chuyển sang xuất khẩu chính ngạch thay cho tiểu ngạch là giải pháp để phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chọn đi con đường tiểu ngạch dù biết sẽ nhiều rủi ro.

Là đơn vị từng xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit – khẳng định, để chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch, là rất khó.

Ông ví dụ, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mít của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 124 triệu USD. Tham gia xuất khẩu trái cây này có 113 doanh nghiệp Việt Nam, 110 doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu. Song, trên thực tế, chuyện mua bán, định giá chủ yếu tập trung vào 4 cá nhân, 1 doanh nghiệp Việt Nam và 3 cá nhân của Trung Quốc.

Rõ ràng mua bán tiểu ngạch sang Trung Quốc là “cuộc chơi” mang tính cá nhân, thương lái giữa hai bên. Nếu không bắt tay, trao đổi với nhóm thương nhân này sẽ không nắm bắt được thông tin, diễn biến thị trường.

Người nông dân trồng cây, lúc thu hoạch bán cho các thương nhân thông qua điểm thu mua. Từ điểm thu mua bán cho thương nhân biên giới. Bây giờ không bán cho họ thì không bán được cho ai. Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam dẫu biết đi đường tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ bị o ép, khó khăn nhưng bắt buộc vẫn phải đi.

Nói cho cùng, cuộc chơi này là của thương nhân Trung Quốc. Họ không tìm đến doanh nhân Việt Nam mà đi tìm cá nhân người Việt để mua bán.

Vậy nên, muốn chuyển sang xuất khẩu chính ngạch rất khó. Chưa kể, nếu xuất chính ngạch, phía Trung Quốc áp thuế VAT 7%, còn đường tiểu ngạch không cần. Như thế, cục diện cạnh tranh trong nội địa tại quốc gia 1,4 tỷ dân sẽ gặp khó khăn, thương nhân nhập chính ngạch không thể cạnh tranh được với thương nhân nhập hàng qua tiểu ngạch.

Trước đó, số liệu do Hải quan Lạng Sơn cung cấp cho thấy tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch qua địa bàn tỉnh rất thấp, chỉ chiếm 3% tổng số nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với cư dân biên giới khi nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, mỗi người là 8.000 NDT/ngày (khoảng 28,7 triệu đồng), nên các DN phía Việt Nam và Trung Quốc không mặn mà với nhập khẩu chính ngạch. Thay vào đó, họ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, sang phía Trung Quốc sẽ gom các lô hàng nhỏ thành lô hàng lớn để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 54% về thị phần. Thị trường 1,4 tỷ dân này tiếp tục dẫn đầu các quốc gia nhập rau quả Việt Nam.

Năm 2021, thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu xấp xỉ 110 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ.

 

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content