Trích sách Quyển sách Một thế kỷ/CUỘC SỐNG CỘNG ĐỒNG 3
Phong trào thể thao, nơi tìm nguồn nhân sự : Để có thêm cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tập hợp người và từ đó tìm ra những gương mặt tiêu biểu cho công tác về
Phong trào thể thao, nơi tìm nguồn nhân sự :
Để có thêm cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tập hợp người và từ đó tìm ra những gương mặt tiêu biểu cho công tác về sau, các hội viên cũng đã tích cực tham gia các hoạt động thể thao.
Từ những năm 1955-1956, đã có Ban bóng chuyền và sau đó là Ban bóng bàn. Từ những cuộc chơi này, khả năng tham gia của các cầu thủ vào các công việc thích hợp giúp Hội cũng dần được phát hiện. Như vậy Hội có thêm nhân lực hỗ trợ công tác, tổ chức như tham gia trang trí phòng, sảnh vào các dịp lễ, Tết.
Hội cũng bắt đầu có Ban thể thao, nhưng sau năm 1959, các hoạt động của Hội bị chính quyền sở tại cấm.
Sau này, khi có thể tiếp tục phong trào thể thao, Hội đã đề nghị Liên đoàn Thể thao và Lao động Pháp (FSGT) cho Hội cùng tham gia và đã được họ giới thiệu cho Hội thể thao Arènes (Association sportive des Arènes) tại quận 5 Paris. Và khi tham gia, Hội được hoàn toàn độc lập, cử người đi họp, có phòng để tập luyện, để tập hợp… Với tên riêng của mình « Association sportive Arènes Việt Nam », Hội thay mặt cho Việt Nam trong một số giải đấu và đặc biệt các hoạt động thể thao của Công đoàn.
Từ năm 1965, về công tác thể thao, Hội tổ chức thi đấu bóng chuyền để gặp gỡ, liên hệ với các Hội ở châu Âu như Đức, Bỉ, Thụy sĩ, Hà lan, Luxembourg, Ý.
Mục đích tham gia thể thao một mặt là để tập hợp những người yêu thể thao, từ đó có thể gợi ý họ đi trại hè hay tổ chức Tết, mặt khác tạo cơ sở cho hoạt động của Hội. Những người tham gia chơi bóng bàn, bóng chuyền sau này hầu hết là những người có trách nhiệm của Hội như các anh Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Văn Bổn, Lê Bá Bính, Nguyễn Quang Tiến, Ngô Kim Hùng…
Ngoài bóng chuyền nam còn có đội bóng chuyền nữ (trong đó có một số bạn Pháp).