Home / Trang chủ  / Tin tức  / Việt Nam : Một đất nước còn nghèo, dân thu nhập thấp mà giá đất lại ‘trên trời’

Việt Nam : Một đất nước còn nghèo, dân thu nhập thấp mà giá đất lại ‘trên trời’

Hậu quả của buôn đất Tại Việt Nam một người bắt đầu đi làm công, có thu nhập trung bình, tăng lên theo thâm niên, không chi tiêu bất cứ thứ gì xa xỉ, cũng phải

Hậu quả của buôn đất

Tại Việt Nam một người bắt đầu đi làm công, có thu nhập trung bình, tăng lên theo thâm niên, không chi tiêu bất cứ thứ gì xa xỉ, cũng phải mất xấp xỉ 20 năm mới có thể mua được một căn hộ bình dân khoảng 60m2 ở đô thị. Trong khi thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp, thuộc nước nghèo của thế giới thì giá bất động sản từ lâu đã ở “trên trời”. 

Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, từ năm 2014 đến nay, giá bất động sản liên tục giữ đà tăng, với mức tăng bình quân hàng năm trên 10%/năm, thậm chí ở một số địa phương tăng trên 20%/năm. Nguyên nhân chính là do tình trạng mua đi bán lại, thổi giá, đẩy giá làm lũng đoạn thị trường, chứ không phải từ nhu cầu thực của người dân.

Phong trào người người đua nhau sở hữu bất động sản đã dẫn đến hiện tượng giá thị trường liên tục leo thang và một nguồn lực xã hội lớn bị “chôn” vào đất. Không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi mà ngay cả giới doanh nghiệp cũng nhập cuộc. Đầu tư cho sản xuất, kinh doanh đang bị lép vế so với đầu cơ tài sản.

Một doanh nghiệp đang sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử tại Bắc Ninh cho hay đầu tư cho sản xuất linh kiện điện tử hiện là một quá trình rất vất vả, tốn kém cả thời gian lẫn chi phí, nhưng lợi nhuận lại thấp, chỉ từ 10-18%/năm. Trong khi đó, giá đất tại nhiều địa phương trên cả nước liên tục tăng. Có nơi giá đất tăng hơn 100%, có nơi tới 200% sau thời gian ngắn. Vì thế, bỏ tiền mua miếng đất để đó mấy năm sau ăn lời bạc tỷ mà không phải vất vả gì.

Ông Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch tập đoàn bất động sản hàng đầu tại Việt Nam Cen Group từng tiết lộ kỷ lục tăng giá đất phải kể đến 3 khu vực Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc khi có thông tin quy hoạch 3 khu vực này thành đặc khu kinh tế vào những năm 2018.

Ông Hưng cho biết ông đã từng chứng kiến một miếng đất của người dân ở khu vực Bắc Vân Phong được “hét giá” tăng tới 100 lần sau 3 năm. “Cụ thể, thời điểm trước khi có thông tin Bắc Vân Phong được quy hoạch trở thành đặc khu, tôi được biết miếng đất đó được rao 40-50 triệu đồng (1600-2000 €). Cũng miếng đất đó năm 2017 được rao tới 400-500 triệu đồng (16 000-20 000 €). Đến đầu năm 2018, vẫn chính miếng đất đó giờ có giá 5,5 tỷ đồng (220 000 €), tức là tăng 100 lần”.

Cũng như Vân Phong, Phú Quốc cũng từng là thị trường khiến giới buôn đất choáng váng với những cú tăng giá phi mã. Anh Toàn (môi giới lâu năm tại Dương Đông) cũng từng chứng kiến cảnh giá đất tăng theo giờ. Anh Toàn kể, hồi đầu năm 2018 một công (1000m2) đất ở tại khu vực xã Cửa Dương có giá khoảng 2,5 tỷ (62 500 €) nhưng sau vài ngày được bán với giá 5,3 tỷ đồng (212 000 €). Sau khi sang tay, lô đất này ngay lập tức được nhà đầu tư rao bán với giá hơn 6 tỷ đồng (240 000 €).

Tuy nhiên, nhà đất nếu không đưa vào khai thác, sử dụng sẽ không tạo ra của cải cho xã hội. Hơn nữa, việc đầu tư vào bất động sản còn đẻ ra những tầng lớp người bỗng nhiên trở nên giàu có mà không có đóng góp chút gì cho nền kinh tế.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, đề xuất, để hạ giá bất động sản, hạn chế đầu cơ, cần xem xét áp dụng mức thuế suất rất cao nếu chuyển nhượng lại nhà đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ 2, thứ 3. Sau thời gian đó nếu chứng minh được nhu cầu chuyển nhượng là chính đáng thì áp dụng mức thuế suất bình thường. Đặc biệt, những cá nhân, tổ chức sở hữu nhiều bất động sản nhưng không ở, không đưa vào sản xuất, kinh doanh thì cần đánh thuế suất lũy tiến.

Giới chuyên môn cũng cho rằng, việc tăng tỷ suất thuế, định giá đúng giá trị thửa đất là việc cần phải làm, khi đó mới ngăn được tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất tăng lên.

Trên thực tế, Luật Thuế tài sản đã được nghiên cứu từ 10 năm qua. Bộ Tài chính từng đưa ra đề xuất đánh thuế bất động sản theo phương pháp lũy tiến như nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, nhắm vào đối tượng là người sở hữu nhiều nhà đất có giá trị lớn, nhà đất không khai thác, sử dụng.

Năm 2018, Dự thảo Luật Thuế tài sản đã được hoàn thiện, nhưng rồi lại không được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội bởi có nhiều ý kiến phản đối. Mới đây, trong văn bản ngày 24/2/2022 gửi các bộ, ngành, địa phương, lấy ý kiến để đánh giá, rà soát lại một số Luật, Bộ Tài chính có đề cập đến việc “có gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không và bổ sung đánh thuế với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản”. Tuy nhiên, ngày 14/3, Bộ này lại khẳng định chưa có “bất kỳ chủ trương nào” về việc xây dựng một luật riêng về đánh thuế tài sản.

Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, con đường trở thành nước thu nhập cao, không thể bỏ qua phát triển công nghiệp.

Nhưng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hiện nay chưa đủ hấp dẫn, còn chính sách về bất động sản lại khuyến khích, thậm chí để thả lỏng cho mọi người đi buôn đất.

Vì đó là miếng bánh ngon nên phần lớn các vụ việc tham nhũng cũng bắt nguồn từ bất động sản mà ra.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content