Việt Nam : Tình hình kinh tế- xã hội từng bước được phục hồi
Hơn 60.000 doanh nghiệp gia nhập mới hoặc trở lại thị trường Trong tháng 3/2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 14.300 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng
Hơn 60.000 doanh nghiệp gia nhập mới hoặc trở lại thị trường
Trong tháng 3/2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 14.300 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 193,6 nghìn tỉ đồng, tăng 96,3% về số doanh nghiệp và tăng 127,3% về vốn đăng ký so với tháng trước đó. Bên cạnh đó, trong tháng này cả nước còn có 4.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,6% so với tháng trước.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 34.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 471,2 nghìn tỉ đồng, tăng 18,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký.
Có 25.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2022 lên 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo cơ quan Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), con số trên nhiều gấp 1,5 lần so với trung bình của quí I giai đoạn 2017-2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này đã phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Với việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và Nghị quyết QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, nền kinh tế đang có những dấu hiệu khởi sắc ngay trong quí I-2022.
Các địa phương trên cả nước đã dần thích ứng theo đúng tinh thần vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời, triển khai có hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin năm 2022. Cùng với đó, ngành du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn với chính sách nới lỏng điều kiện nhập cảnh cho khách quốc tế. Điều này hứa hẹn sẽ tác động tích cực cho nền kinh tế sau khoảng thời gian dài dịch bệnh.
Tỷ lệ lao động gia tăng
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2022 ước tính là 51,2 triệu người, tăng 441,1 nghìn người so với quý trước, bao gồm 15,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,7 triệu người ; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2022 ước tính là 2,24%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,69% ; khu vực nông thôn là 1,97%.
Cũng trong quý I/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) ước tính là 7,93%, trong đó khu vực thành thị là 9,30% ; khu vực nông thôn là 7,20%.
An sinh xã hội
Trong quý I năm nay, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương được từng bước thực hiện.
Tính đến ngày 22/3/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ đạt gần 40,6 nghìn tỷ đồng (1 tỷ 624 triệu €) hỗ trợ cho 35,6 triệu lượt người lao động và 378,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh ; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đạt gần 38,6 nghìn tỷ đồng (1 tỷ 544 triệu €) hỗ trợ cho trên 13 triệu lượt lao động và 363,6 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động.
Ngoài ra, để đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng do thiếu đói giáp hạt, ngày 15/3/2022 Chính phủ cũng quyết định cấp xuất 1.006,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La và Điện Biên.
Bên cạnh đó, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa là gần 1 nghìn tỷ đồng (40 triệu €) ; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 1,3 nghìn tỷ đồng (52 triệu €) ; trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 2,1 nghìn tỷ đồng (84 triệu €) ; hỗ trợ tình hình đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ,…) phát sinh tại địa phương gần 1,9 nghìn tỷ đồng (76 triệu €). Ngoài ra, có hơn 25,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Xuất nhập khẩu tăng
Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn kín đơn hàng, xuất siêu đã quay trở lại… là những dấu ấn trong xuất nhập khẩu quý 1/2022.
Tính chung quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 88,58 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,27 tỷ USD ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 65,31 tỷ USD.
Cả nước có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 58%).
Quý 1/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 87,77 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỷ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,34 tỷ USD, tăng 17,1%.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng qua, với kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 27,6 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 7 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước ; nhập siêu từ Trung Quốc 14,3 tỷ USD, tăng 21%; nhập siêu từ Hàn Quốc 10,4 tỷ USD, tăng 39,1%; nhập siêu từ ASEAN 3,3 tỷ USD, giảm 6,6%; nhập siêu từ Nhật Bản 434 triệu USD, tăng 23,1%.
Tính chung quý 1/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính vẫn xuất siêu 809 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,16 tỷ USD ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỷ USD.