Home / Trang chủ  / Tin tức  / Internet và chủ quyền quốc gia

Internet và chủ quyền quốc gia

Là một đất nước dân số trẻ với 97,3 triệu người, trong đó hơn 70% là người sử dụng Internet, Việt Nam đã và đang trở thành mảnh đất đầy tiềm năng cho các nhà

Là một đất nước dân số trẻ với 97,3 triệu người, trong đó hơn 70% là người sử dụng Internet, Việt Nam đã và đang trở thành mảnh đất đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp nền tảng số. Nhiều nền tảng số đã phủ sóng rộng khắp và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của dân mạng Việt Nam. Đó là công cụ tìm kiếm Google, Gmail, dịch vụ gọi xe Grab, GoJek hay phổ biến hơn cả là các mạng xã hội. 

Theo thống kê mới nhất của We are social năm 2022, Facebook hiện là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam với 93,8% người dùng Internet sử dụng hàng tháng. Công cụ nhắn tin Messenger, mạng xã hội chia sẻ video TikTok và mạng xã hội chia sẻ ảnh Instagram cũng là những nền tảng số được nhiều người Việt Nam sử dụng (đều chiếm trên 60%). 

Sự có mặt của các nền tảng số xuyên biên giới đã mang tới cơ hội tiếp cận dịch vụ Internet cho nhiều người dân Việt Nam. Tuy vậy, nó kéo theo những hệ lụy lớn liên quan đến câu chuyện chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng. 

Từ trước đến nay, nhận thức của phần lớn người dân vẫn thiên theo hướng bảo vệ chủ quyền quốc gia truyền thống, đó là những vấn đề về lãnh hải, lãnh thổ. Thế nhưng, trong một thế giới mới, nơi dòng chảy vật chất song song cùng tồn tại với dòng chảy dữ liệu, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng là một vấn đề cần lưu tâm. 

Đó là việc dữ liệu của người dân Việt Nam đang ở đâu ? Ai là người hiểu được hành vi của người dân cũng như các cơ quan, tổ chức Việt Nam trên không gian mạng ? 

Nếu những dữ liệu đó nằm trong tay các công ty cung cấp nền tảng xuyên biên giới, liệu chúng ta có an toàn ? Sẽ thế nào nếu các nền tảng xuyên biên giới được sử dụng vào mục đích chính trị để tác động lên các cuộc bầu cử hay thực hiện những “lệnh cấm vận”… trên không gian số ?

Mở cửa với thế giới nhưng không được phép phụ thuộc về công nghệ. Đó là thách thức của rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ đối với riêng Việt Nam. 

Điều này còn được đặt trong bối cảnh thế giới đang có những biến động khó lường, bao gồm các cuộc xung đột quân sự, chiến tranh thương mại lẫn những thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu hay dịch bệnh Covid-19. 

Cùng với việc đẩy nhanh xây dựng xã hội số, kinh tế số và chính phủ số, Việt Nam sẽ đối phó với những thách thức từ không gian mạng. Hơn lúc nào hết, việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng và ứng phó với những nguy cơ mới trở thành vấn đề sống còn.

Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng việc thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng nội địa « Make in Vietnam » : Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã tiên phong để đưa ra các sản phẩm, giải pháp dịch vụ Make in Việt Nam.  

  • Ngày 17/1/2020, Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị của Viettel sản xuất. Việc triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công thiết bị mạng cho 5G bao gồm : Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 sản xuất thiết bị này. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể sản xuất thiết bị 5G.
  • Không chỉ có những doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT…, hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cũng đã có những sản phẩm số Make in Việt Nam có thể thay thế những dịch vụ của các công ty công nghệ xuyên quốc gia. Trong đó, ứng dụng nhắn tin Zalo đang trở thành một nền tảng truyền thông xã hội với 91,3% người dùng Internet Việt Nam sử dụng. Tỷ lệ người dùng Zalo tại Việt Nam chỉ kém Facebook (93,8%) và bỏ xa các nền tảng xuyên biên giới khác. Không chỉ Zalo, Facebook, TikTok hay Instagram, thị trường mạng xã hội Việt Nam còn có sự góp mặt của Gapo và Lotus
  • Ở lĩnh vực gọi xe, ứng dụng Be của Việt Nam cũng cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng số ngoại như Grab (Malaysia) hay Gojek (Indonesia). Tổng thị phần của 3 nền tảng gọi xe này chiếm tới 99% thị trường gọi xe Việt Nam năm 2020. Đó là một miếng bánh khổng lồ với tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35% mỗi năm và tổng doanh thu đạt 2,4 tỷ USD trong năm 2021.
  • Trong lĩnh vực công nghệ số, Cốc Cốc là một sản phẩm Make in Việt Nam khá quen thuộc với người dùng. Thống kê về thị phần trình duyệt ở Việt Nam của StatCounter cho thấy, tính đến tháng 2/2021, Cốc Cốc đang nằm trong top 3 trình duyệt phổ biến nhất với 8,9% thị phần, chỉ sau Chrome và Safari. Trong đó, phiên bản máy tính của Cốc Cốc hiện chiếm 14,12% thị phần. 

Sự tự chủ về công nghệ, hay có thể gọi là “chủ quyền số”, “tự do số” có thể hiểu là việc sở hữu những nền tảng, sản phẩm công nghệ có chất lượng, năng lực ngang, thậm chí vượt trội với các sản phẩm nước ngoài.

Tự do số giúp phá bỏ thế độc quyền, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, giảm tải sự phụ thuộc vào công ty công nghệ nước ngoài. Đặc biệt, nó còn đóng vai trò như giải pháp giúp người dùng nội địa có sản phẩm thay thế những sản phẩm nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam cần đóng vai trò tiên phong để hạn chế sự chi phối của các “ông lớn”, góp phần tích cực vào công cuộc chống độc quyền công nghệ.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content