Home / Trang chủ  / Tin tức  / Tân Bộ trưởng y tế Việt Nam : những thách thức

Tân Bộ trưởng y tế Việt Nam : những thách thức

Sau việc Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt liên quan đến vụ án Việt-Á, ngày 15/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan lên thay thế. Bà Lan

Sau việc Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt liên quan đến vụ án Việt-Á, ngày 15/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan lên thay thế.

Bà Lan sinh năm 1971, quê ở Hải Dương, hiện là Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.

Việc bà được bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Y tế rất được dư luận quan tâm, bởi lẽ chiếc ghế Bộ trưởng Y tế Việt Nam không những nóng, rất nóng, mà còn nhạy cảm, bởi xuyên suốt bao thập kỷ, nhiều vấn đề tồn tại của ngành Y tế như cái u, cái nhọt từng bước được bộc lộ qua đợt dịch Covid-19, chưa thể giải quyết dứt điểm. Nhưng nay, những vấn đề nhức nhối ấy lại được giao cho một người không xuất thân từ ngành Y, nói cho đúng, bà Lan là “người ngoại đạo”.

Tuy nhiên, qua hàng loạt vụ án liên quan đến lĩnh vực Y tế thời gian qua đã cho thấy nhiều người có trình độ chuyên ngành giỏi, nhưng về quản lý và đạo đức nghề nghiệp lại gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ đã rành rành trước mắt, đó là Giám đốc CDC các tỉnh thành, rồi các giám đốc BV lớn  tuyến Trung ương, như BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội và hàng loạt giám đốc các bệnh việc khác, họ đều là những chuyên gia hàng đầu trong Y học, nhưng lại vấp phải sự ma lực của đồng tiền.

Bàn về chuyên môn, bà Lan không xuất thân từ ngành Y, không học Y dược, nhưng không thể nói bà Lan không có kinh nghiệm và chưa va chạm lĩnh vực này, mà ngược lại bà là người từng có kinh nghiệm về quản lý, điều hành lĩnh vực này.

Bằng chứng là đầu tháng 5/2021, trong đợt bùng phát dịch Covid.19, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên phải đối đầu với làn sóng dịch Covid.19 rất phức tạp và khốc liệt, sau này mới đến Bắc Giang và các tỉnh thành khác trong cả nước. Lúc đó, phương án chống dịch của các địa phương thường áp dụng là phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập, nhưng đối với Bắc Ninh, một địa phương có tới 10 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp với khoảng nửa triệu công nhân, người lao động, nếu thực hiện phong tỏa, đóng cửa nhà máy, xí nghiệp thì thiệt hại sẽ lên tới cả trăm triệu USD/ngày.

Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà không phải ai cũng có thể quyết định được. Mặt khác, là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước, việc đóng cửa chống dịch sẽ vô tình đánh mất lợi thế và lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thế nhưng, tỉnh Bắc Ninh quyết định phương án không đóng cửa mà chuyển sang « 3 tại chỗ », cho phép công nhân ăn, nghỉ và làm việc luôn tại nhà máy để duy trì sản xuất, giúp cho hàng nghìn doanh nghiệp thoát được sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sau này Bắc Ninh được coi là điển hình trong việc vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững được kinh tế, đó là do sự quyết đoán của cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan.

Nay, quyền Bộ trưởng Y tế mới phải giải quyết bốn vấn đề cụ thể trước mắt của ngành.

Thiếu thuốc diện rộng

Cuối tháng 6/2022, 28 Sở Y tế và 12 bệnh viện Trung ương thiếu thuốc điều trị như biệt dược, thuốc y học cổ truyền, hướng thần, gây nghiện, cấp cứu. 26 Sở Y tế và 15 bệnh viện Trung ương thiếu hóa chất, chủ yếu là hóa chất xét nghiệm. 14 Sở Y tế và 8 bệnh viện trung ương thiếu thiết bị phòng mổ, chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi, tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực…

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 23/6, nhiều nguyên nhân được chỉ ra, như dịch bệnh làm đứt chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu thế giới tăng. Covid-19 được kiểm soát, bệnh nhân các loại đến khám và điều trị nửa đầu năm 2022 tăng 20-30% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến xác định nhu cầu và kế hoạch mua sắm thuốc của các bệnh viện. Nguyên nhân chính là sau hàng loạt cán bộ vướng lao lý do liên quan đến đấu thầu, mua sắm thiết bị, nhiều cán bộ sợ sai, không dám làm.

Nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công

Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc, tập trung nhiều ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Số người thôi việc năm 2021 là 5.200; 6 tháng đầu năm 2022 hơn 4.000, gồm 3.700 người do Sở Y tế quản lý, gần 360 người công tác tại cơ sở thuộc Bộ Y tế.

TP HCM có hơn 400 người nghỉ việc trong quý I/2022 ; hơn 1.100 người nghỉ việc năm 2021. Hà Nội có hơn 900 người nghỉ việc trong 18 tháng qua.

Lý do chủ yếu là thu nhập của nhân viên y tế khu vực công thấp. Áp lực và cường độ công việc tăng cao khi Covid-19 bùng phát ; môi trường làm việc nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhân viên y tế nghỉ việc còn có nguyên nhân từ gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý từ những vụ vi phạm pháp luật trong mua sắm, đấu thầu gần đây… Trong khi đó bệnh viện tư có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn khu vực công.

Covid-19 vẫn khó lường

Dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn quốc, nhưng xuất hiện thêm nhiều biến chủng, biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh hơn. Từ tháng 6/2022, biến thể BA.5 của chủng Omicron (lây lan nhanh hơn, có thể gây bệnh ở người từng nhiễm), đã xuất hiện tại Việt Nam, gây nguy cơ tạo làn sóng dịch mới. Nhiều nước đã ghi nhận biến chủng mới, với hàng trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày.

Tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đang bị chậm

Sau khi cơ bản phủ đủ hai liều vắc-xin Covid-19 cho nhóm dân số từ 12 tuổi, tốc độ tiêm mũi nhắc lại đang chậm lại. Việt Nam đã tiêm được 238 triệu liều, vượt mục tiêu WHO đặt ra. Nhưng việc tiêm chậm xảy ra ở mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Người dân không muốn tiêm mũi nhắc lại khiến vắc-xin bị tồn. Nhiều địa phương thậm chí buộc người dân không tiêm phải ký cam kết “chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch bệnh”, một biện pháp hành chính cực đoan.

 

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content