4 lý do khiến tôi du học nhưng ngại về nước
Tôi là người xin được học bổng du học và sau đó ở lại định cư. Thực tế, chúng tôi, những người chỉ tập trung học chuyên môn, nhất là các ngành kỹ thuật ở
Tôi là người xin được học bổng du học và sau đó ở lại định cư. Thực tế, chúng tôi, những người chỉ tập trung học chuyên môn, nhất là các ngành kỹ thuật ở nước ngoài, gần như không đủ « kỹ năng mềm » để làm việc ở Việt Nam.
Thứ nhất, văn hóa làm việc ở trong nước cần nhiều thứ ngoài chuyên môn. Tôi từng làm Nhà nước mấy năm trước khi đi du học. Thời gian đó, tôi không có xích mích với ai cả, nhưng hầu như ngày nào cũng lo lắng mình có hành xử sai, không khéo léo. Bố mẹ tôi xuất thân lao động, ít học, nên chẳng thể giúp được gì.
Lúc ấy, tôi chỉ có một mình, thân cô thế cô, không “ô dù”, mỗi ngày đều phải căng tai, căng mắt quan sát và học hỏi cách cư xử của mọi người để làm theo, cố đọc ý nghĩ của họ khi xung quanh chỉ toàn nói những điều đầy ẩn ý.
Để có thể sống an toàn những năm đó, tôi chọn cách thành thật, dù có phần ngu ngơ. Đổi lại, tôi không làm mất lòng ai, cũng không ai chấp nhặt tôi. Nhưng ngược lại, vì không khéo léo nên tôi cũng không được ai nâng đỡ cả. Tôi có thể học cách gọt hoa quả, nấu vài món để mời đồng nghiệp vào buổi trưa, nhưng thật sự không thể thoải mái, tự nhiên đến nhà sếp để biếu xén lấy lòng mỗi dịp Tết.
Tôi là một người hướng nội, cả ngày im như thóc, nên không hợp làm việc ở Việt Nam. Mặc dù tôi xin được học bổng của Chính phủ, sau này còn tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài, nhưng ở chỗ làm cũ, tôi chỉ là một nhân viên bình thường.
Thứ hai, công việc của tôi tại nước ngoài chủ yếu là nghiên cứu khoa học. Các ngành này ở Việt Nam lại ít công việc, lương thấp, dù phải học rất nhiều. Trong khi xã hội vốn nhiều áp lực về vật chất, nhà cửa, xe hơi, học hành của con cái… Dù tôi là người biết đủ, không ham xa hoa, nhưng liệu con tôi có hiểu cho mẹ chúng ? Hay một ngày nào đó, nó cũng sẽ chạnh lòng vì “nhà mình không giàu”.
Vì thế, tôi chọn ở lại lập nghiệp ở nơi xa, ít áp lực hơn. Ít nhất, ở bên này, con tôi có thể ngủ nhiều hơn, sau này muốn làm công nhân, nông dân gì cũng được, cuộc sống cũng không quá vất vả.
Thứ ba, giá nhà ở Việt Nam đang tăng quá nhanh. Là mẹ đơn thân, gia đình nghèo, tôi không thể mua nhà ở Hà Nội, trong khi nghề khoa học như tôi bắt buộc phải làm ở thành phố lớn. Ở nước ngoài, họ cho vay gần 100% giá trị nhà trong 30 năm, nên tôi sớm mua được nhà. Dù còn nợ, nhưng dẫu sao tôi còn có nhà để ở. Chứ muốn tự mua nhà ở Hà Nội, hoặc là tôi phải cực kỳ giỏi, hoặc phải nhanh nhạy, biết làm ăn, có ý tưởng, biết đầu tư… Rõ ràng tôi không thể cạnh tranh nổi.
Thứ tư là lý do cá nhân, sợ định kiến, nhiều cám dỗ, nhiều khi bị lừa. Khi ra nước ngoài, tôi bớt lo lắng những điều đó hơn. Nước sở tại cũng đãi ngộ nhiều, ví dụ tiền trợ cấp nuôi con nhiều hơn, bảo hiểm rẻ hơn, đóng thuế ít hơn, con cái được ưu tiên đến nhà trẻ vì tôi là mẹ đơn thân…
Đúng là sống ở Việt Nam sướng vì xã hội yên bình, khí hậu ấm áp, đồ ăn ngon lành, dịch vụ sẵn có… Nhưng bạn cần có tiền, có sức khoẻ, có gia đình hỗ trợ, có chút kỹ năng khéo léo, linh hoạt, biết đầu tư… Sau này về hưu, tôi có thể cũng về nước để an hưởng tuổi già bên người thân. Ai chẳng muốn ở gần gia đình, ở gần quê hương. Nhưng những người có hoàn cảnh không hạnh phúc, phải tự lập từ nhỏ, tính cách hướng nội như tôi thì đúng là không đủ giỏi để sống ở Việt Nam.
SVK
Theo Cục Lãnh sự, Bộ ngoại giao, khoảng 70-80% du học sinh ở lại nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Đây là số du học tự túc, một phần theo các học bổng hợp tác nhưng không về theo cam kết. Ghi nhận từ 12 địa phương năm 2022 cho thấy, hơn 8.800 người du học nhưng chỉ có hơn 1.000 người trở về. Năm 2023, số trở về là 543 người. Số người Việt du học tăng đều các năm qua nhiều con đường, ước tính hiện trên 250.000 người, tính riêng diện tự túc mỗi năm tăng khoảng 10.000 người.