Skip to content
Home / Trang chủ  / 7 văn nghệ sĩ tiêu biểu của TP HCM 50 năm qua

7 văn nghệ sĩ tiêu biểu của TP HCM 50 năm qua

Bà Phùng Há (1911-2009) được nhiều thế hệ nghệ sĩ xem là vị tổ của cải lương, bên cạnh bà Bảy Nam (mẹ nghệ sĩ Kim Cương). Tên tuổi bà gắn liền loạt vở diễn kinh điển

Bà Phùng Há (1911-2009) được nhiều thế hệ nghệ sĩ xem là vị tổ của cải lương, bên cạnh bà Bảy Nam (mẹ nghệ sĩ Kim Cương). Tên tuổi bà gắn liền loạt vở diễn kinh điển như Phụng Nghi Đình – vai Lữ Bố, Đời cô Lựu – vai cô Lựu, Giọt máu chung tình – vai Bạch Thu Hà.

Giáo sư Trần Văn Khê – người cùng nghệ sĩ Phùng Há lưu diễn châu Âu thập niên 1980 – từng cho biết bà luôn trăn trở việc quảng bá nét hay, nét đẹp của nghệ thuật sân khấu trong nước ra thế giới. Bà còn xin đất để xây chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp), khu dưỡng lão, nghĩa trang cho các diễn viên gạo cội, công nhân hậu đài.

Giáo sư Trần Văn Khê (1921-2015) dành cả cuộc đời cho âm nhạc dân tộc. Năm 1958, ông là người Việt đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nghệ thuật âm nhạc của đại học Sorbonne (Pháp). Từ đó, ông sưu tầm, quảng bá âm nhạc dân tộc không ngừng nghỉ. Hơn 50 năm, ông dạy học, nghiên cứu âm nhạc ở Pháp và ở hơn 20 đại học các nước, tham gia hàng trăm hội thảo khoa học, diễn thuyết, nói chuyện về âm nhạc khắp nơi.

Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa thế giới, nhờ một phần công sức lớn của ông. Giáo sư Khê còn là cố vấn đặc biệt cho Ủy ban thành lập hồ sơ về Đờn ca tài tử Nam Bộ để gửi UNESCO, nhờ đó bộ môn này được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể năm 2013. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) được biết đến như một trong những tên tuổi nhạc Việt lớn nhất hơn nửa thế kỷ qua. Gia tài âm nhạc của ông có khoảng 600 ca khúc, trong đó 236 bài được biết đến rộng rãi. Đông đảo thế hệ ca sĩ từng thể hiện nhạc Trịnh, Khánh Ly – giọng ca gắn bó với ông từ năm 1967 – được xem là biểu tượng. Sau năm 1975, Hồng Nhung là một trong những người làm mới thành công, nối dài di sản âm nhạc của ông. Nhạc sĩ Văn Cao từng nhận xét ở Trịnh Công Sơn, “nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ”.

Soạn giả Viễn Châu (1924-2016) là cha đẻ của loạt vở tuồng kinh điển. Ông từng sáng tạo thể loại tân cổ giao duyên, giúp những giai điệu cổ nhạc dễ đi vào lòng người. Các sáng tác của ông giúp nhiều ngôi sao thành danh như Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hùng Cường, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên. Ông còn là một trong ba danh cầm của làng nhạc cổ truyền miền Nam, gồm Năm Cơ – Bảy Bá (Viễn Châu) – Văn Vỹ.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM – cho biết với 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản, đến nay, sức ảnh hưởng của soạn giả vẫn to lớn. Mỗi năm, ở các kỳ thi, hội diễn, tác phẩm của ông thường được nhiều đơn vị chọn thể hiện. Năm 2024, chính quyền Trà Vinh – quê soạn giả – vận động 70 tỷ đồng xây khu lưu niệm tưởng nhớ “vua vọng cổ”.

Nghệ sĩ Kim Cương, 88 tuổi, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống sân khấu, cha làm bầu của gánh Đại Phước Cương, mẹ là nghệ sĩ Bảy Nam – một trong những hậu tổ của cải lương. Sau năm 1956, bà lập nên đoàn kịch Kim Cương, góp phần tạo dựng nền móng cho sân khấu kịch miền Nam.

Nhiều vở diễn do bà viết đi vào lòng khán giả các thế hệ, như Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Áo người trinh nữ, Cánh hoa tàn. Sau khi rời sân khấu, bà duy trì công tác thiện nguyện, vận động các nguồn lực để giúp hàng nghìn người mù, trẻ em bệnh tim.

Nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996) là một trong những tên tuổi gạo cội của dòng nhạc cách mạng. Sau Bài ca may áo, ông nổi tiếng với loạt bài Xuân chiến khu (1963), Chiếc khăn tay (1964), Hành quân đêm (1965), Tiếng chày trên sóc Bom Bo (1966). Những năm kháng chiến, âm nhạc của ông vang vọng khắp các chiến trường.

Năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, ca khúc Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh mở đầu cho thời kỳ sáng tác mới của Xuân Hồng, xoay quanh chủ đề tình yêu con người hòa quyện với tình yêu đất nước. Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2005.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919-2002) và tượng đồng Bác Hồ với thiếu nhi  từng được đặt trước trụ sở Ủy ban Nhân dân TP HCM. Ông là gương mặt gạo cội giới mỹ thuật, với hàng nghìn bức tranh và tượng. Giai đoạn ở Việt Bắc hơn 6 tháng, ông sáng tác hơn 30 bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Bố cục nhà Bác trên đồi (lụa, năm 1951), Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc (sơn dầu, năm 1951), Bác câu cá bên bờ suối (sơn dầu, năm 1951), Ánh nắng trưa trước sân nhà Bác (sơn dầu, năm 1951). Ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một về văn học nghệ thuật năm 1996, có tranh triển lãm ở nhiều bảo tàng trên thế giới.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.