Home / Trang chủ  / Tin tức  / 70 năm trước, lần đầu tiên có một Hội nghị quốc tế về Việt Nam

70 năm trước, lần đầu tiên có một Hội nghị quốc tế về Việt Nam

Bối cảnh chung Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), chiến sự vẫn còn tiếp diễn giữa Việt Nam và Pháp trên một số địa phương còn lại trên lãnh thổ hình chữ S này. Thời

Bối cảnh chung

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), chiến sự vẫn còn tiếp diễn giữa Việt Nam và Pháp trên một số địa phương còn lại trên lãnh thổ hình chữ S này. Thời điểm đó, quan hệ quốc tế có nhiều biến động, nước Pháp coi như bị kiệt quệ do chiến tranh ở Đông Dương, nước Anh muốn vớt vát vai trò quốc tế đang bị mai một dần trên trường quốc tế, nên chấp nhận sáng kiến của Liên Xô (Nga) triệu tập hội nghị “tứ cường” tại Berlin ngày 25-01-1954 gồm các nước lớn : Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ. Các nước “tứ cường” này nhóm họp bàn những vấn đề có lợi ích và mối quan hệ quốc tế của họ, đặc biệt bàn về số phận tương lai của nước Đức. Riêng Mỹ, lúc đầu muốn duy trì căng thẳng để thao túng Tây Âu, kiềm chế Liên Xô, nên không muốn dự họp với nhóm “tứ cường”. Về sau, Mỹ không thể bỏ qua lợi ích của mình, nên đã đồng ý tham gia họp. Tại Hội nghị này, ngoại trưởng Pháp Georges Bidault gặp riêng Ngoại trưởng Liên Xô Molotov, Ngoại trưởng Anh Eden và Ngoại trưởng Mỹ Dulles để thuyết phục các nước này đưa vấn đề Đông Dương ra thảo luận tại một hội nghị sẽ được tổ chức trong tương lai.

Ngày 07-05-1954, quân đội Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ. Sáng ngày 08-05-1954, vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn đàm phán tại Hội nghị Genève. Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ cho biết : “Liên Xô thấy một mình “đơn thương độc mã” trong cuộc đối đầu với phương Tây, nên đòi phải có sự tham gia của Trung Quốc, là nước lớn ở vùng Viễn Đông, đồng thời có chung biên giới với cả Triều Tiên lẫn Đông Dương. Xét về quan hệ quốc tế, đây chính là cơ hội ngàn vàng đối với Trung Quốc đang khát khao và tranh thủ sự công nhận quốc tế, xác lập vai trò nước lớn của mình ở khu vực” [1]. Trung Quốc là thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Genève.

Tóm lược bối cảnh ra đời Hội nghị và đàm phán Hiệp định Genève năm 1954 như trên để thấy Việt Nam nằm trên “bàn cờ” quốc tế quan trọng như thế nào. Vậy, quốc gia nào và vì sao họ đã đưa ra sáng kiến chia cắt nước Việt Nam thành hai miền Bắc – Nam ?

“Trong báo cáo đầu tiên gửi về nước ngày 4/5/1954, ông Phạm Văn Đồng cho biết, lúc đầu là Anh, sau đó cả Mỹ và Pháp chủ trương chia cắt Đông Dương thành hai miền hoặc theo vĩ tuyến 20, hoặc theo vĩ tuyến 16. Không chỉ phương Tây mà Trung Quốc cũng có lập trường tương tự” [2].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác định : “Ngày 29/6/1954 xuất hiện bản ghi nhớ giữa Mỹ và Anh, bày tỏ sự đồng tình với những mục tiêu của Mendès France (Thủ tướng Pháp) đề ra tại Hội nghị Genève, tán thành việc phân chia tạm thời Việt Nam thành hai miền để thực thi một cuộc ngừng chiến. Riêng về giới tuyến tạm thời, hai cường quốc này chọn vĩ tuyến 17 thay vĩ tuyến 18 do Pháp đề nghị” [3].

Đầu tháng 7/1954, ông Chu Ân Lai (trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc) từ Genève trở về Trung Quốc, đề nghị gặp lãnh đạo Việt Nam tại Liễu Châu, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc gặp trực tiếp Chu Ân Lai. Tại buổi gặp, đoàn Trung Quốc đã trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình quốc tế và âm mưu của Pháp, Anh, Mỹ muốn chia cắt đất nước ta ra hai miền Bắc – Nam.

Rõ ràng, các nước lớn vừa phía địch lẫn phía bạn đã quyết định chia cắt đất nước Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại : “Bác nói, với so sánh lực lượng trên thực tế chiến trường hiện nay, ta đề ra vĩ tuyến 13 là hợp lý, vĩ tuyến 17 đối với ta là không thể chấp nhận, chí ít cũng phải giành được vĩ tuyến 16. Trước đây đã có tiền lệ khi đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật ở hai miền Nam, Bắc Đông Dương cũng lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới tạm”[4].

Cục diện chiến trường ở Việt Nam lúc đó, Pháp còn gần nửa triệu quân, lại thêm Mỹ giúp sức cả kinh tế và quân sự, thì rất ít có khả năng hòa bình thống nhất ở Việt Nam ngay được. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rất rõ, nếu muốn chấm dứt chiến tranh, phải chấp nhận một giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch.

Hội nghị Genève họp cuối cùng vào ngày 20/7/1954, phía Việt Nam chấp nhận vĩ tuyến 17. Các bên tham gia hội nghị thừa nhận về nguyên tắc sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Thời hạn tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam, Bắc Việt Nam là hai năm. Một năm sau từ ngày ký hiệp định bắt đầu hiệp thương giữa hai miền về Tổng tuyển cử (20/7/1955), Tổng tuyển cử tiến hành vào tháng 7/1956. Cuộc đàm phán nhất trí chọn Ấn Độ, Ba Lan, Canada làm Ủy ban giám sát quốc tế thực hiện Hiệp định Genève, Ấn Độ giữ chức Chủ tịch.

Đoàn Mỹ không ký vào Hiệp định Genève, chỉ ra một bản tuyên bố ghi nhận và hứa sẽ không gây trở ngại cho việc thi hành hiệp định.

Hiệp định Genève thực thi tại vĩ tuyến 17

Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi gửi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ cả nước nhân dịp Hiệp định Genève được ký kết: “Vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc mà 8, 9 năm nay, nhân dân, quân đội, cán bộ và Chính phủ ta đoàn kết chặt chẽ, trên dưới một lòng, chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết kháng chiến và đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang… Ta đã thu được thắng lợi lớn : Chính phủ Pháp đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, thừa nhận quân đội Pháp sẽ rút khỏi đất nước ta. Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”[5].

Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (Tổng tham mưu trưởng) được chỉ định làm Trưởng đoàn đại biểu QĐND Việt Nam tham gia Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương. Ngày 1/8/1954, ông ký Quyết định số 33, thành lập Ban liên hiệp đình chiến Bình Trị Thiên. Đến cuối tháng 8/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương. Ngày 25/8/1954, Ban liên hiệp đình chiến Bình Trị Thiên đổi thành Ban liên hiệp Khu phi quân sự đóng ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Bộ Tư lệnh Liên khu 4 ra Quyết định số 817, ngày 1/8/1954, thành lập “Đại đội 1 Công an giới tuyến”. Cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ các đơn vị thuộc Tỉnh đội và Công an tỉnh Quảng Trị, chuyển sang làm nhiệm vụ Công an giới tuyến. Thành lập Đồn Công an liên hợp Cửa Tùng kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa sông Bến Hải (Cửa Tùng) và Đồn Công an liên hợp Hiền Lương (cầu Hiền Lương), đây là địa điểm quy định chính quyền hai miền (tức giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Quốc gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu) sẽ gặp nhau hiệp thương, tuyển cử thống nhất nước nhà.

Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị nhớ lại : “Việc bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự do lực lượng công an và cảnh sát hai bên bờ sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) đảm nhiệm. Mỗi bên có một đại đội gồm 100 người, được trang bị 100 khẩu súng, làm nhiệm vụ kiểm soát người qua lại giới tuyến và vào ra khu phi quân sự. Đồn Công an liên hợp Cửa Tùng được triển khai làm việc từ ngày 23/11/1954. Đồn Cửa Tùng có nhiệm vụ kiểm soát thuyền bè ra vào cửa sông Bến Hải. Theo thỏa thuận hai bên, Đồn bờ Bắc sang đi tuần ở bờ Nam sông Bến Hải. Đồn cảnh sát bờ Nam sang đi tuần bờ Bắc. Mỗi lần đổi bờ đi tuần giữa đồn công an bờ Bắc – đồn cảnh sát bờ Nam, đều có sự chứng kiến của hai đại diện chỉ huy đại đội công an – cảnh sát.

Ngày 16/10/1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành nghị định thành lập quân Trung Lương sát bờ sông Bến Hải, gồm 3 xã Trung Giang, Trung Hải và Trung Sơn. Đồng thời tuyên bố không công nhận Hiệp định Genève, bắt đầu việc ngăn sông, cấm chợ, không cho nhân dân hai bờ sông Bến Hải qua lại giới tuyến, biến giới tuyến quân sự tạm thời thành tuyến chia cắt hai miền Bắc – Nam lâu dài. Ông hô hào lấp sông Bến Hải tiến quân ra Bắc. Mỹ nhảy vào ủng hộ chính quyền miền Nam,  tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài suốt 20 năm, chỉ chấm dứt vào ngày 30-04-1975.

[1] Vũ Khoan Tâm tình gửi lại, NXB Hội Văn học, trang 82

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam. Điện Biên Phủ, Hội nghị Genève. Văn kiện Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội 2014, trang 372.

[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội 2000, trang 427.

[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội 2000, trang 428.

[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1996, trang 321-323.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content