Skip to content
Home / Trang chủ  / Tin tức  / Bộ sưu tầm của nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh di sản tư liệu thế giới

Bộ sưu tầm của nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh di sản tư liệu thế giới

Ngày 10/4/2025 tại Paris, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã chính thức thông qua khuyến nghị của Ủy ban Tư vấn Quốc tế (IAC) thuộc Chương trình Ký ức Thế giới, ghi danh “Bộ sưu

Ngày 10/4/2025 tại Paris, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã chính thức thông qua khuyến nghị của Ủy ban Tư vấn Quốc tế (IAC) thuộc Chương trình Ký ức Thế giới, ghi danh “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” vào Danh mục Di sản Tư liệu Thế giới năm 2025. Đây là một trong 74 hồ sơ được UNESCO công nhận trong tổng số 121 hồ sơ đệ trình trong chu kỳ này.

Bộ sưu tập gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc sáng tác từ năm 1951 đến 2010, được lưu giữ dưới nhiều hình thức như bản thảo, bản in, bản sao, hơn 200 bản ghi âm, 100 video, tài liệu lưu trữ cá nhân, phim, ảnh, file âm thanh, bản in, băng, tệp tin số…

Bộ sưu tập này đáp ứng nhiều tiêu chí của UNESCO, đặc biệt là về ý nghĩa lịch sử và giá trị toàn cầu. Các tác phẩm của ông phản ánh sâu sắc những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ, đồng thời kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, tạo nên phong cách âm nhạc độc đáo.

Việc ghi danh này không chỉ là niềm tự hào đối với gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III – nơi đang bảo quản bộ sưu tập, mà còn là lời nhắc nhở cộng đồng, đặc biệt là các văn nghệ sĩ, về tầm quan trọng của việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các bản thảo, tài liệu cá nhân như một phần di sản tư liệu quý giá của quốc gia.

Với việc ghi danh này, tổng số Di sản Tư liệu của Việt Nam được UNESCO công nhận đã nâng lên 11, trong đó có 4 Di sản Tư liệu Thế giới và 7 Di sản Tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn, Trưởng đoàn Việt Nam tại UNESCO, nhấn mạnh: “Việc Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh không chỉ là vinh dự to lớn đối với cá nhân nhạc sĩ và gia đình, mà còn là sự khẳng định vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy di sản trí tuệ nhân loại. Đây là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của âm nhạc Việt Nam, là ký ức sống động về một giai đoạn lịch sử, phản ánh tâm hồn, bản sắc và khát vọng của cả một dân tộc qua từng giai điệu”.

Bộ sưu tập hiện được số hóa và giới thiệu trên nền tảng đa ngữ tại địa chỉ hoangvan.org, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Hoàng Hà (theo Ngày Nay)

Tóm tắt tiểu sử nhạc sĩ Hoàng Vân

Hoàng Vân sinh 24 tháng 7 năm 1930 tại Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học, cha và ông nội đều là nhà nho. Gia đình ông sống ở phố Hàng Thùng.

Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I), Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó ông tham gia Đội Tuyên truyền võ trang Lao Hà, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn, và sau đó phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312.

Sau 1954, hòa bình lập lại, ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, là trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgarie.

Hiện tại ông đang sống ở Hà Nội.

Sự nghiệp sáng tác của Hoàng Vân

Hoàng Vân bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như “Chiến thắng Hoà Bình”, “Tin chiến thắng”, “Chiến thắng Tây Bắc”,… Năm 1954, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng “Hò kéo pháo”. Năm 1964, ông sáng tác bài « Quảng Bình quê ta ơi ». Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với hàng loạt ca khúc, hợp xướng, hòa tấu.

Ngoài công việc sáng tác, ông còn tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Học trò ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang,…

Ông được trao Giải thường Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.

Anh chị em chúng ta sống tại Pháp hẳn không quên bản trường ca bất hủ mà Ban hợp xướng của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp và sau đó là Hội người Việt Nam tại Pháp đã từng trình diễn nhiều lần trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, đó là Hồi tưởng (sáng tác Hoàng Vân). Nay xin mời nghe lại qua biểu diễn của Hợp ca quê hương.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.