Câu chuyện cảm động về người phụ nữ Việt 97 tuổi tại Pháp
Khi Hội NVNTP tổ chức các hoạt động, Bà vẫn luôn đồng hành với các hội viên khác để làm những chiếc bánh cam, bánh bò
Bà Lê Thị Mạnh hay Bà Giớ – tên theo chồng mà Bà đã quen và thích được gọi như vậy, là một trong những hội viên có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào của Hội NVNTP suốt hơn 60 năm qua vừa từ trần vào sáng thứ 7 ngày 04.5.2024 tại nhà dưỡng lão, Paris quận 9, thọ 97 tuổi.
Bất ngờ với con số 97 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm của Bà Giớ nhưng câu chuyện đặc biệt về cuộc đời xa xứtại Pháp của Bà càng làm chúng ta ngạc nhiên hơn về bản lĩnh, ý chí của người con gái Bến Tre năm nào.
Để tỏ lòng tiếc thương và biết ơn về sự đóng góp của Bà Giớ cho Hội NVNTP trong nhiều thập kỷ qua, chúng tôi xin dành bài viết đặc biệt này để kể về cuộc đời và những tình cảm dành cho quê hương Việt nam của Bà tới các Hội viên và quý bạn đọc gần xa.
Vào năm 1951, ở tuổi 26, Bà phải bỏ lại những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ ở quê nhà để theo gia đình ông bà chủ người Pháp tới thủ đô Paris với thân phận một cô hầu. Sau nhiều tháng đi tàu, Bà đặt chân đến Pháp với hợp đồng còn hiệu lực ba năm.
Lẽ thường, tuổi 26 chúng ta đã có thể thực hiện được giấc mơ của đời mình, đi hoc, đi làm hay đã có cuộc sống gia đình ổn định…, nhưng do hoàn cảnh, 26 tuổi Bà vẫn rong ruổi đó đây theo gia đình ông bà chủ (sĩ quan người Pháp lúc bấy giờ) vì vấn đề mưu sinh, giúp đỡ gia đình. Năm 1951 (26 tuổi), Bà bắt buộc phải rời Việt nam tới Paris do gia đình ông bà chủ quyết định trở về Pháp. Có thể nói, hành trình miễn cưỡng tới Paris năm nào vẫn luôn in đậm trong ký ức của Bà . Bởi đây là giai đoạn buồn khổ nhất trong tâm hồn cô gái trẻ – Bà Giớ vì nghìn trùng xa cách với Bố mẹ, gia đình, quê hương…
Sinh ra và lớn lên tại Bến Tre, miền quê của xứ Dừa với nhiều cảnh đẹp thơ mộng, êm đềm của miền sông nước Nam Bộ. Do gia cảnh nghèo khó, Bà phải đi làm mướn, ở đợ. Mọi ước mơ tuổi trẻ của Bà như chiếc kim đồng hồ, chỉ xoay vòng trong ngôi nhà ông bà chủ. Tới Paris với nhiều người là dấu ấn vàng son nhưng với Bà thì ngược lại : Đấy là cột mốc thời gian đánh dấu những chuỗi ngày dài Bà luôn phải sống với những nỗi niềm day dứt của người con xa xứ. Ở nhà Tây, được ăn no, mặc ấm … nhưng nỗi khát khao ngày trở về đất mẹ Việt nam luôn chất chứa trong lòng Bà.
Bà ở nhà chủ, làm việc cả tuần và chỉ được phép đi ra ngoài vào ngày chủ nhật. Rất may mắn là cùng đoàn tàu qua Pháp có một người chị em , bạn cùng chung hoàn cảnh phải xa quê như Bà và khi đến nơi cả hai người đều ở vùng Paris. Vì vậy, mỗi chủ nhật, hai chị em lại hẹn gặp nhau để tìm đến những nơi có hội họp của người Việt. Tại đây, Bà đã gặp được người chồng của Bà- ông Giớ. Hai người kết nghĩa trăm năm và cùng gắn bó với Hội NVNTP suốt hơn 60 năm qua.
Trong suốt ba năm làm việc cho chủ, Bà chỉ gặp ông Giớ vài chủ nhật để làm quen, tìm hiểu, nói chuyện và đồng thời bắt đầu tham gia Phong trào Việt kiều tại Pháp. Ông Giớ đã tham gia hoạt động cộng đồng từ trước đó, là người mang đến những ước mơ mới cho đời Bà trong thời điểm đầy hoang mang và lo lắng lúc vừa tới pháp- miền đất mới xa lạ, buồn, hiu quạnh này.
Gia đình không có điều kiện cho đi hoc, không có nhiều thời gian rỗi để tự trau dồi kiến thức vì Bà phải đi làm thuê kiếm sống, phụ giúp gia đình nên vốn tiếng Pháp của Bà chỉ vừa đủ để giao tiếp được trong nhà với ông bà chủ. Bà không rành về luật pháp, cuộc sống, văn hóa xã hội Pháp, Bà hầu như không biết gì nhiều về nước Pháp. Uóc mơ trở về Việt nam thì thời cuộc lúc ấy mờ mịt lối về. Giai đoạn 1951-1954 chiến tranh đang rất căng thẳng giữu hai nước Việt- Pháp. Bà rơi vào tình cảnh bế tắc, không biết phải quyết định như thế nào.
Như là Duyên Phận, khi hợp đồng làm việc vừa kết thúc, khi người chủ Pháp hỏi Bà có muốn mua vé máy bay về nước không thì Ông Giớ cũng hỏỉ Bà có thể ở lại với ông không. Đó là một lời cầu hôn chân thành của Ông dành cho Bà và Bà đã chọn ở lại theo tiếng gọi của trái tim. Đến nay, gia đình Ông Bà có đông đủ các con, cháu, chắt, dâu, rể…hiếu thảo, thành đạt trên nhiều lĩnh vực tại Pháp.
Theo như Bà nói “Ở bên đây sao bằng ở Việt nam dù ở Việt nam có gì ăn nấy thôi, nhưng tôi may mắn gặp được người chồng tử tế”, lo lắng hết mọi đường cho vợ để Bà cảm thấy thoải mái và vui vẻ với cuộc sống mới. Năm 1953, hai Ông Bà cưới nhau. Năm 1955, Bà chính thức đăng ký hội viên của Phong trào Việt kiều – tên gọi thời kỳ đó của Hội người Việt Nam tại Pháp hiện nay. Đó là những lựa chọn chủ động, tự nguyện và tích cực của Bà.
Sinh ra và lớn lên cùng ruộng lúa Việt nam, Bà là người phụ nữ rất truyền thống, siêng năng, chịu khó, giàu nghị lực. 71 năm ở Pháp, thời trang chính của Bà cũng chỉ là những bộ đồ Bà Ba Nam Bộ, trời lạnh phải đi ra ngoài Bà mới mặc thêm áo khoác, quần Tây.
Giữa những khó khăn do hoàn cảnh phải đến Pháp và cả những may mắn mà cuộc đời đã mang đến cho Bà, Bà đã ở lại thủ đô Paris hoa lệ như một Duyên Tiền định. Có thể nói, những vui buồn trong cuộc đời Bà gắn liền với giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm của đất nước.
Bà Giớ đóng thẻ hội viên lần đầu năm vào năm 1955, cho đến những ngày cuối đời, Bà vẫn giữ hầu như tất cả các thẻ hội viên của mình, điều đó cho thấy tình cảm chân thành, sự trân trọng của Bà Giớ đối với lý tưởng mà Bà đã chọn.
Đối với người bạn đời – Bà luôn là người phụ nữ, người vợ, người mẹ đảm đang, chu toàn mọi việc với tổ ấm hạnh phúc gia đình của Bà nơi xứ người. Tự đáy lòng, Bà biết ơn ông Giớ, chồng Bà rất nhiều. Ông vừa là người yêu nhưng vừa là người bạn, người đồng chí đáng kính của Bà. Chính chồng Bà là người đã dẫn dắt và động viên Bà những lúc Bà mất phương hướng, buồn khổ nhất vì nhớ cha mẹ, gia đình, quê hương Việt nam. Chồng Bà luôn tạo điều kiện, dìu dắt, hướng dẫn giúp Bà tham gia các hoạt động vì đất nước của Phong trào Việt kiều. Tại đây, trước hết Bà được nói tiếng mẹ đẻ, tiếng việt, được thỏa mãn đam mê với văn hóa văn nghệ Việt nam, đặc biệt là bộ môn nghệ thuật cải lương và các làn điệu dân ca Nam Bộ. Đối với Bà « Việt nam luôn trong trái tim tôi ».
Tình yêu âm nhạc, yêu quê hương Việt nam của Bà là vô tận. Năm 2021, do tuổi cao sức yếu, trí nhớ của Bà không còn được như xưa nhưng cái Bà không bao giờ quên là âm nhạc, những ca từ, động tác biểu diễn trong các tuồng cải lương ; các điệu lý Nam Bộ, bài hát trữ tình cách mạng, ca ngợi tổ quốc…luôn ở trong tâm trí của Bà. Mỗi khi có dịp gặp người Việt tới thăm, Bà vui sướng thể hiện niềm đam mê âm nhạc, tình yêu quê hương qua âm nhạc như một lẽ tự nhiên, sẵn có của Bà.
Cùng chung nhịp đập trái tim, cùng chung chí hướng, tình yêu của Ông Bà lớn dần theo chiều dài năm tháng. Hai vợ chồng Ông Bà luôn động viên, nhắc nhở nhau cùng hướng tới : Làm được việc gì đó cho đất nước. Điều bất ngờ là cuộc sống của hai Ông Bà đã từng rất khó khăn nhưng tình cảm vợ chồng, con cái gia đình Bà luôn đầy ắp tiếng cười. Gia đình Bà được xếp vào diện hộ “rất nghèo”, có lúc phải ở trong dãy nhà xây tạm do một cha cố dựng trên một khu đất trống để giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Sau này Ông Bà chịu khó làm việc, dành dụm được ít tiền để mua nhà thì bị chủ nhà gạt tiền. Nhờ có người của Phong trào Việt kiều, luật sư Nhuận, can thiệp, hỗ trợ thì mới lấy lại được phần nào để dành dụm tiền mua nhà khác. Ngôi nhà Bà đang ở hiện nay được mua từ năm 1963, lúc đó giá nhà rất rẻ vì ở rất xa trung tâm, là khu ngoại thành hẻo lánh. Tuy nhà ở xa, muốn đi vào nội thành mất nhiều thời gian, vất vả hơn nhưng hai Ông Bà vui và hài lòng với những gì họ đã tạo dựng được. Sau khi mua nhà, Ông Bà đã sửa sang lại theo ý muốn : Nhà với một mảnh vườn nhỏ tự trồng rau, có lu hứng nước mưa và những vật dụng quen thuộc như ở Việt nam. Từ đây, cuộc sống của gia đình Ông Bà dần được cải thiện.
Với nhiều khó khăn ngay từ khi đám cưới như vậy, Ông Bà vẫn đóng thẻ hội viên – nơi duy nhất lúc ấy cho họ cảm giác kết nối và sống đúng với những giá trị của Nguồn gốc Việt Nam. Dù cuộc sống mưu sinh vất vả, Ông Bà vẫn tham gia các hoạt động của Hội Công nhân, Hội Phụ nữ Hội NVNTP ; vẫn trích tiền ra đóng góp cho các hoạt động hướng về đất nước, có mặt đầy đủ trong các sự kiện vì Việt nam, tham gia công việc tổ chức, phục vụ đông đảo người Việt nam tham gia sự kiện… Như Bà nói, những người bạn mà Bà có đều từ Hội NVNTP, họ vừa là bạn giúp nhau trong cuộc sống đời thường, vừa là bạn cùng chung lý tưởng : Tất cả cho Việt nam.
Ông Bà có ba người con. Cả ba người đều yêu thương và rất nghe lời ba mẹ, ngay từ nhỏ đã tham gia cùng ba mẹ trong các hoạt động cộng đồng, được chở đến trường Arcueil để học tiếng Việt. Hiện nay, cả ba người đều ổn định cuộc sống và thành tài, trong đó chị Hạnh hiện đang giảng dạy ở trường Đại học Sorbonne, hàng năm đều về Việt Nam để tham gia các dự án giáo dục và hỗ trợ học bổng cho sinh viên Việt Nam. Cả ba người con của Ông Bà đều có thẻ hội viên của Hội NVNTP. Cũng như với ba mẹ mình, Hội NVNTP là nơi kết nối họ với cội nguồn, quê hương Việt Nam.
Sau khi chồng mất, Bà Giớ sống lặng lẽ trong căn nhà kỷ niệm của hai người và không ngừng đóng góp công sức của mình cho Việt nam. Bà vẫn luôn nghiêm túc có mặt đầy đủ tại các cuộc họp của Hội NVNTP vì Bà là thành viên Ban Chấp hành của Hội. Bà luôn nhiệt tình, hồ hởi phát biểu ý kiến đóng góp cho công việc chung. Khi Hội NVNTP tổ chức các hoạt động, Bà vẫn luôn đồng hành với các hội viên khác để làm những chiếc bánh cam, bánh bò…, hát cải lương, kể chuyện vui ngày cũ… để cho không khí ở các sự kiện, các buổi gặp gỡ của Hội thêm phần sôi động, ấm áp tình quê hương.
Từ hơn 2 năm nay, do tuổi cao, sức yếu các con phải đưa Bà vào nhà dưỡng lão để Bà được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên thường xuyên chăm sóc với những điều kiện tốt nhất. Gia đình các con cháu luôn dành thời gian cũng như vấn đề tài chính để lo lắng vẹn toàn mọi việc cho Bà đến ngày cuối đời.
Hành trình đi cùng cộng đồng, tham gia phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp của Bà đến nay là 69 năm (1955-2024). Dù cả hai Ông Bà đã về với Phật, với ông bà Tổ Tiên nhưng ở cõi Niết Bàn chắc Ông Bà vẫn đang tiếp tục, vẫn luôn dặn dò các con, cháu phải tiếp tục…đi theo con đường « Hướng về Việt nam » cùng với Hội NVNTP mà Ông Bà đã trọn đời dành tâm huyết cho lý tưởng của mình.
Paris Chủ nhật, ngày 12.5.2024
Hội Người Việt Nam tại Pháp