Home / Trang chủ  / Tin tức  / Cầu Mỹ Thuận II : Người Việt không còn phải dựa ở nước ngoài

Cầu Mỹ Thuận II : Người Việt không còn phải dựa ở nước ngoài

Cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam - cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang với Vĩnh Long, được xây dựng năm 1997, một phần nguồn vốn do Chính phủ

Cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam – cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang với Vĩnh Long, được xây dựng năm 1997, một phần nguồn vốn do Chính phủ Australie tài trợ. Thời điểm đó, đây là công trình quy mô lớn, kỹ thuật cao, toàn bộ khâu thiết kế, giám sát, thi công do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Phía Việt Nam chỉ có công ty Cienco 6 tham gia là nhà thầu phụ. Khi hoàn thành năm 2000, cầu Mỹ Thuận tạo nên điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan trên sông Tiền.

Năm 2002, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước. Đây là cầu dây văng đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế và là tổng thầu xây dựng. Các doanh nghiệp trong nước như Cienco 1, Cienco 5 và Cienco 6 bắt đầu tiếp cận công nghệ xây cầu dây văng. Bộ Giao thông Vận tải cử đoàn kỹ sư đi học hỏi, cập nhật công nghệ xây cầu tại nước ngoài. Tuy nhiên, thi công cáp dây văng – khâu khó nhất – vẫn do các kỹ sư hãng SVL (Thụy Sĩ) thực hiện.

Hàng loạt cầu dây văng quy mô lớn sau đó như Cần Thơ, Cao Lãnh, Nhật Tân, Vàm Cống, Bạch Đằng… được xây dựng. Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam đã học hỏi công nghệ thế giới để thiết kế và thi công các hạng mục quan trọng như xây trụ cầu, trụ tháp, dầm cầu…, nhưng khâu căng cáp dây văng vẫn do các kỹ sư nước ngoài đảm nhiệm.

Đến tháng 2/2020, cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công và hoàn thành vào cuối tháng 12/2023. Đây là cầu dây văng đầu tiên hoàn toàn do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công căng cáp.

Cầu dài 1,9 km, rộng 28,3 m, được xây dựng với mỗi bệ móng gồm 26 cọc khoan nhồi. Trên cầu có hai trụ, mỗi trụ cao 125 m được kết nối với 128 bó dây văng với dầm cầu vượt nhịp 350 m, tổng cộng 32 đốt đúc nhịp chính, 28 đốt đúc nhịp biên, thi công trong 26 tháng. So với cầu Mỹ Thuận 1 có 4 làn xe, cầu Mỹ Thuận 2 kết cấu nhịp giống nhau, nhưng bề rộng 6 làn xe.

Từ trước đến nay, việc tính toán cầu dây văng chủ yếu do kỹ sư, chuyên gia nước ngoài phụ trách, có phòng kỹ thuật ở nước ngoài tính toán. Đội thi công trong nước cập nhật số liệu rồi chuyển ra nước ngoài, sau đó nhận lại số liệu để thi công. Thời gian tính toán và chuyển dữ liệu mất vài ngày, đội thi công phải nằm chờ tại hiện trường.

Tại cầu Mỹ Thuận 2, việc tính toán kỹ thuật do đội ngũ kỹ sư trong nước thực hiện. Dầm đúc tới đâu có người đi đo đạc, nhập dữ liệu vào máy tính. Đội ngũ kỹ sư làm việc xuyên đêm tính toán để hôm sau có dữ liệu cho đội thi công. Do đó mỗi đốt dầm được hoàn thành chưa đầy hai tuần, tiến độ được đơn vị thi công làm chủ từng ngày.

“Đây là điển hình cho tinh thần học hỏi, đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành của nhân lực ngành giao thông Việt Nam”, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông nhận định.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content