Chính thức triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Chiều 30/11/2024, với tỉ lệ 443/454 đại biểu tán thành, chiếm 92,48%, (443 thuận, 7 chống, 4 không ý kiến), Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt
Chiều 30/11/2024, với tỉ lệ 443/454 đại biểu tán thành, chiếm 92,48%, (443 thuận, 7 chống, 4 không ý kiến), Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đánh dấu thời khắc lịch sử của đất nước.
Đầu tư 67,34 tỷ USD thực hiện dự án
Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước với sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc – Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông – Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2035 với nguồn vốn ngân sách nhà nước được bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án).
Tuyến đường sắt tốc độ cao có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, sẽ bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.
Về quy mô đầu tư của dự án, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục ; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Xem thêm :
Trong chủ trương vừa được thông qua, Quốc hội cho phép dự án được áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.
Có thể bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù nếu cần
Các đại biểu đề nghị tính toán, kỹ lưỡng tất cả các yếu tố và rủi ro để có giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định thực tế dự án đã được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư trong thời gian khá dài (khoảng 18 năm) và tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia có phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó đã phân tích, tính toán với kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực, vị thế Việt Nam hiện nay là điều kiện thích hợp để triển khai đầu tư dự án.
Tuy nhiên, các tính toán tại bước nghiên cứu tiền khả thi mới chỉ mang tính sơ bộ. Do đó đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi dự án, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tính toán cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, rủi ro để có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi cho dự án.
Các đại biểu cũng cho rằng cần thiết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khi triển khai dự án,bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Bởi dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế – xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp tiếp tục cần phải bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện, Chính phủ sẽ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.