Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden
Sau cuộc hội đàm ngày 10/9/2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden thông báo Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn
Sau cuộc hội đàm ngày 10/9/2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden thông báo Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, sau 10 năm hai nước thiết lập Đối tác toàn diện.
Như vậy, có thêm khái niệm « chiến lược ». Ý nghĩa của nó như thế nào ?
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9 vào tháng 4/2001, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu. Điều đó đặt ra nhu cầu thiết lập các quan hệ đối tác với từng quốc gia trên thế giới, từ Toàn diện, đến Chiến lược và Chiến lược toàn diện. Mục tiêu bao trùm nhằm phát triển và đảm bảo lợi ích của Việt Nam trên ba phương diện là an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế.
Việt Nam xác định trong các quan hệ đối tác, cả ba phương diện an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế có tầm quan trọng như nhau. Yếu tố “chiến lược” không chỉ mang nội hàm về an ninh, quốc phòng như nhận thức thường thấy ở tư duy đối ngoại của nhiều quốc gia khác.
Tư duy đối ngoại của Việt Nam là không đưa vấn đề an ninh, quốc phòng lên hàng đầu trong quan hệ Đối tác Chiến lược, mà nó phải cùng lúc đảm bảo phục vụ hai mục tiêu còn lại về thịnh vượng và vị thế quốc tế.
Trong khi đó, Mỹ từng coi hợp tác chặt chẽ về phương diện an ninh và quốc phòng là yếu tố không thể thiếu trong quan hệ “chiến lược” với các nước khác, điển hình là Arabie Saoudite.
Mỹ và Arabie Saoudite thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược hơn 80 năm qua, trong đó quan hệ an ninh luôn được đề cao. Arabie Saoudite là khách hàng nước ngoài mua vũ khí nhiều nhất của Mỹ, với tổng giá trị vũ khí hơn 100 tỷ USD, theo thống kê của Nhà Trắng. Từ những năm 1950, lực lượng công binh Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng các công trình dân sự và quân sự ở nước này.
Tuy nhiên, các đời chính quyền Mỹ những năm qua đã có bước chuyển biến lớn về nhận thức, không còn xem phương diện an ninh là yếu tố không thể thiếu trong quan hệ chiến lược. Phía Mỹ dường như nhận ra rằng không phải đối tác nào cũng có mong muốn chú trọng yếu tố an ninh quốc phòng để quan hệ song phương có thể phát triển đến cấp độ chiến lược. Từ đó, Mỹ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác mới mang tính chất bình đẳng hơn, không lấy quân sự, an ninh làm trọng tâm.
Điều này được thể hiện rõ ràng khi Mỹ và ASEAN quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia vào tháng 11/2022. Trong quan hệ quốc tế, ASEAN chủ trương không chọn phe và không liên kết thiên về quân sự, thay vào đó chú trọng hợp tác kinh tế và các vấn đề khác thuộc về phát triển.
Nhận thức mới này của phía Mỹ được coi là bước hướng tới xây dựng “lòng tin chiến lược” phù hợp hơn với những nước như Việt Nam, vốn có những chủ trương tương tự chính sách đối ngoại của ASEAN về không liên kết quân sự và tập trung cho phát triển.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao đặc biệt với các nước như sau :
- Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diên với Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đối tác chiến lược với Pháp, Anh. Đây là 5 ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp Quốc.
- Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc
- Quan hệ Đối tác chiến lược với 12 nước : Tây Ban Nha, Đức, Ý, Indonésie, Thái Lan, Singapour, Malaisie, Philippines, Úc, Nouvelle Zélande (cùng với Pháp và Anh đã nêu ở trên)
- Quan hệ Đối tác toàn diện với 12 nước : Nam Phi, Vénézuéla, Chili, Brésil, Argentine, Ukraine, Danemark, Pays-Bas, Myanmar, Canada, Hongrie, Brunei.
- Quan hệ đặc biệt : Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra khung pháp lý cho quan hệ đặc biệt Việt Nam với Lào và Campuchia. Tuy nhiên, sau khi Campuchia ký hiệp định hòa bình, chuyển thể chế năm 1993, quan hệ Việt Nam – Campuchia không còn đặc biệt. Quan hệ Việt Nam – Lào là đặc biệt, vì là đồng minh chiến lược theo ý thức hệ, đồng thời là đối tác chiến lược toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam (thường được gọi là chính sách « cây tre ») được Đại hội lần thứ 11 (năm 2011) của Đảng cộng sản Việt Nam đề ra : Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển ; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế ; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.
Năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư một đảng Cộng sản được chính quyền Tổng thống Barack Obama chính thức mời thăm Hoa Kỳ. Trước đó, tháng 7/2013, ông Trương Tấn Sang, Chú tịch nước cũng đã được Tổng thống Barack Obama mới thăm chính thức Hoa Kỳ.
Năm 2023, lần đầu tiên trong quan hệ giữa hai nước mà vừa Tổng thống, vừa Phó tổng thống Hoa Kỳ lần lượt đến thăm Việt Nam.
Trước ông Joe Biden, các tổng thống Mỹ đương nhiệm từng tới thăm Việt Nam bao gồm Tổng thống Bill Clinton (tháng 11/2000), Tổng thống George W. Bush (tháng 11/2006), Tổng thống Barack Obama (tháng 5/2016), Tổng thống Donald Trump (tháng 11/2017 thăm chính thức Việt Nam và 02/2019, nhân cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội).