Cô Thérèse Phan- 70 năm cuộc đời gắn bó với các phong trào yêu nước
Phóng viên của UGVF có dịp được trò chuyện, ghi lại những lời tâm sự của cô để độc giả có thể hiểu thêm về cô và những đóng góp không nhỏ cho cộng đồng
Trong bài viết này chúng ta sẽ làm quen với một gương mặt tiêu biểu đại diện cho Hội người Việt Nam tại Pháp, đó là cô Thérèse Phan (tên thường gọi là Ký) . Cô Ký đã có những năm tháng gắn bó với UGVF từ những ngày đầu thành lập, đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Là người Việt Nam yêu nước, trong những năm tháng của cuộc đời mình, cô đã tích cực tham gia các phong trào cách mạng. Cô cũng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của mình trong ngành Y để giúp đỡ đất nước trong thời chiến cũng như thời bình.
Phóng viên của UGVF có dịp được trò chuyện, ghi lại những lời tâm sự của cô để độc giả có thể hiểu thêm về cô và những đóng góp không nhỏ cho cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
1-Những ký ức về tuổi thơ
Tôi là Thérèse Phan , thường gọi chị Ký theo tên chồng. Tôi sinh năm 1929, xuất thân từ gia đình khá giả miền Nam, cha tôi là bác sĩ do Pháp đào tạo, mẹ là con của công chức cao cấp trong chính quyền thuộc địa Pháp , là người công giáo rất sùng đạo.
Tôi được nuôi nấng theo phương Tây, nhưng lại được dạy dỗ theo kiểu Nho giáo nề nếp, theo truyền thống Việt Nam, biết thương người, biết giúp đỡ người nghèo hay địa vị thấp hơn mình, không làm gì hại ai, không hiếp đáp ai. Tôi còn nhớ những lời ba tôi thường nói, người ta nghèo, người ta mới đi làm mướn cho mình, mình có phước, khá giả hơn, nên phải thương họ. Lúc nào ba tôi cũng dạy con nhẹ nhàng, không một lời rầy la mà chị em tôi vẫn nghe lời. Ba tôi sống theo phương Tây, nhưng dạy con gái trong nhà phải biết ‘’công, dung, ngôn, hạnh » biết : may vá, thêu thùa, nấu cơm, đi chợ, ngoài những lúc học hành.
2- Những năm tháng thanh niên và các hoạt động cách mạng
Ngày 14 tháng 8 năm 1950 tôi rời Việt Nam sang Pháp du học. Từ đây tôi mới bắt đầu có ý thức về Cách mạng của dân tộc ta. 23 ngày lênh trên biển, trong con tàu mang tên « Champollion » có khoảng 200 sinh viên, ngày nào chúng tôi cũng tập hát những bài ca của Lưu Hữu Phước và những bài tiền chiến, cách mạng. Chúng tôi có làm Lễ Quốc Khánh trên tàu và lần đầu tiên tôi thấy hình cờ đỏ sao vàng.
Đến Paris, tôi đươc nhập ngay vào một nhóm anh chị em ủng hộ cách mạng Việt Nam và thường xuyên đến ăn tại hội ‘’Ái Hửu- Jean de Beauvais’’. Tại đây dần dần được tiếp xúc với những bạn bè tốt của anh Ký (sau này là chồng của tôi) tôi mới hiểu vì sao nhân dân ta đấu tranh để giành độc lập cho nước nhà. Nhờ đó, tôi hiếu thêm cách mạng rồi bắt đầu tham gia vào các hoạt đông của phong trào. Tuy nhiên, tôi nhận thấy mình cần học trước mới có thể giúp nhiều hơn cho đất nước. Trong ba năm đầu tôi cố gắng học thêm trong điều kiện khó khăn, vất vả để được bằng tú tài.
Đến năm 1960, khi tôi bước vào năm thứ năm trường Y, việc học ổn đinh hơn, tôi bắt đầu tham gia thường xuyên sinh hoạt của Phong trào Việt Kiều yêu nước, ví dụ như ủng hộ tích cực các đợt kêu gọi, cùng ký tên với một số sinh viên, trí thức chống chính quyền Diệm đàn áp trí thức sinh viên ở Sài Gòn.
Sau khi tốt nghiêp, tôi quyết đinh ở lại Pháp một phần vì lấy chồng tại đây, một phần bị lo bị bắt khi về nước do tham gia phong trào yêu nước điều này khiến ba tôi rất buồn. Nhưng rồi, có lẽ ông hiểu tôi nên qua thư từ có nói ‘’nếu con thấy ở đâu sinh sống được thì con hãy quyết định vì tương lai của các con, các cháu ». Sau đó tôi tìm mướn được nhà tại La Varennes-Saint Hilaire ở Saint Maur, ngoại ô Paris và ở đó cho đến ngày nay. Tại đây tôi mở phòng mạch vùng ngoại ô Paris với rất nhiều khó khăn vì tôi là phụ nữ ngoại quốc và vùng ngoại ô này rất nhiều người Pháp giàu có sinh sống nên yêu cầu cao.
Tuy nhiên, trong thời gian mở phòng mạch tôi mới có thời gian nhiều hơn để tham gia công tác phong trào, hoạt động trong nhóm nòng cốt và hoạt động âm thầm nên đối phương vẫn tưởng tôi không theo Cách mạng. Những người biết gia đình tôi thì nói « làm sao tôi có thể theo Cách mạng được » nên họ tin tôi. Nhờ đó mà tôi dể dàng giao thiệp với thành phần phật giáo, cựu thủ tướng chánh quyền Sài Gòn, cựu bí thư ngoại giao vv….(đều là bạn của ba tôi ). Cho đến tận sau này, sau 1975 thấy tên tôi trên nhiều giấy kêu gọi vận động giúp trong nước thì họ mới vỡ lẽ .
Năm 1969 tôi tham gia trong ban vận động thành lập Hội Y học Việt Nam. Tôi được giao trách nhiệm chọn thuốc men và sắp xếp các kiện thuốc để gửi về trong nước lúc chiến tranh. Lúc ấy anh em hội Y chưa ai có nhà to để chứa thuốc nên tất cả hẹn nhau lặng lẽ, tập trung một ngày trong tuần để làm, vào lúc 20 giờ tại 13 rue Payenne, quận 4 Paris. Đây là nhà của vợ chồng bác sĩ Henri Carpentier, ông là Chủ Tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt thời đó. Những kỷ niệm này tôi không thể nào quên được trong cuộc đời mình.
3- Những hoạt động kết nối với Việt Nam sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sau 1975 khi hòa bình được lập lại trên đất nước Việt Nam, với danh nghĩa Ủy viên BCH Hội Y học Việt Nam tại Pháp, tôi được hoạt động công khai, tham gia tất cả các sinh hoạt của Hội như các đợt vận động gửi thuốc men, máy móc về Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh năm 1976.
Thời gian vừa mới giải phóng, trong nước vẫn còn thiếu thốn thuốc men, dụng cụ y tế nhiều. Lúc đó tôi có nhà rộng nên tập trung tất cả về đó nên lúc nào nhà của tôi cũng đầy thuốc men, dụng cụ, tài liệu y tế. Có những lúc có cả tấn kháng sinh do bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng, hmột ội viên hội Y làm trong công ty sản xuất thuốc cung cấp. Cũng có lúc có cả trăm ngàn cặp kính mắt do bác sĩ Quyền, chịu trách nhiệm phân hội Strasbourg gửi lên Paris đê hội Y tìm cách chuyển về Việt Nam giúp viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, phát cho bệnh nhân sau mổ và khám.
Năm 1976, tôi được bầu vào BCH Hội Y học với trách nhiệm Ủy viên. Đến năm 1982 thì được bầu làm Phó Tổng thư ký rồi Tổng thư ký đến nay. Tôi nhận thêm trách nhiệm Ủy viên BCH Hội người Việt Nam tại Pháp . Đại hội 7 tôi được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực đến năm 1997. Đại hội 8, tôi làm thường trực Ban Chủ tịch và Ủy viên Đoàn chủ tịch phụ trách sinh hoạt nhân đạo và y tế trong khóa 2001-2003. Thời gian này tôi thường xuyên về nước. Qua những chuyến đi tôi đã đến thăm các cơ sở y tế xã hội, những nơi bị bom đạn chiến tranh tàn phá, để tìm cách giúp bà con. Theo đề nghị của bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Thứ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ, Hội có chương trình giúp huyện Đức Huệ xây dựng một bệnh viện. Đây là huyện ở gần biên giới Campuchia, là một vùng nghèo, đường đi lại rất khó khăn. Tôi còn nhớ có hôm lúc đi gặp mưa to, chúng tôi không thể di chuyển bằng ô tô mà đi bằng thuyền, lội bùn vào làng là ngã sấp mặt. Tôi cùng các anh chị em đi thăm nhiều cơ sở, bệnh viện, công trường bị chiến tranh tàn phá. Sau đó trở lại Pháp, chúng tôi lại tiếp tục quyên góp thuốc men, dụng cụ y tế, khoảng từ 3 đến 5 tấn hàng mỗi năm.
Rồi các năm, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về tim hiểu châm cứu của ta, trao đổi với đồng nghiệp Việt Nam như GS Nguyễn Tài Thu, hội thảo về Y tế để tìm ra những cách chữa trj tốt nhất cho đồng bào.
Hai vợ chồng tôi cũng tham gia chương trình ’’Chaine de l’Espoir’’ do GS Alain Deloche, Hội trưởng Médecin du Monde lập ra để giúp các cháu Việt Nam bị bệnh tim bẩm sinh sang Pháp mổ khi bên Việt Nam chưa có viện tim. Chủ trương của Hội Y là tìm các gia đình cơ khả năng nhận các cháu sau khi mổ xong, săn sóc các cháu trong thời gian 6 tuần và sau đó đưa các cháu trở về nước. Trong thời gian này có lúc tôi phải thường xuyên lái xe lên sân bay Roissy lúc 6 giờ sáng rước các cháu và đưa về nhà. Chương trình đã giúp được nhiều trẻ em Việt Nam làm chúng tôi rất hạnh phúc.
4- Những ghi nhận của Nhà nước Việt Nam
Tháng 5 và tháng 10 năm 2002, gia đình chúng tôi được Nhà Nước Việt Nam, do Bà Nguyễn Thị Bình, Phó chủ tịch nước thay măt, trao tặng Huân chương, Huy chương chống Mỹ cứu nước và Kỷ niệm chương Hội nghị Paris về Việt nam cùng với một số đông các bác, các anh chị trong Hội NVNTP.
Tôi rất xúc động và không thể không nhắc đến những đóng góp từ lâu của Phong trào người Việt Nam tại Pháp và các bác, các anh chị đã từng cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc qua các thời kỳ như cụ Tỵ, cụ Mạc, anh Phạm Huy Thông, anh Trần Thanh Xuân, anh Nguyễn Khắc Viện, của những người đã khuất cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Phong trào ở Pháp là con đẻ của phong trào đấu tranh giành độc lập đất nước do Bác Hồ, Bác Tôn sáng lập với sự cống hiến của các bậc chí sĩ như cụ Nguyễn An Ninh, cụ Phan Chu Trinh, đã rèn luyện và thúc đẩy những con người đi sau, những người trong các giới công nhân, thủy thủ, thương gia, trí thức, sinh viên mà trong đó tôi may mắn được đứng trong hàng ngũ. Chúng tôi tiếp tục đi trên con đường để giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước. Trải qua những bước thăng trầm, với những hy sinh, mất mát, mỗi người chúng tôi một hoàn cảnh để đóng góp cho đất nước. Những người tha phương như chúng tôi được hãnh diện ngẩng cao đầu là người Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng làm những gì mình cho là đúng với lương tâm, đúng với bổn phận người con sống xa đất nước, giúp đất nước, giúp đồng bào thì cứ cố gắng không nghỉ. Vả lại những gì mà mình làm khi mình ở đất Pháp, theo tôi không đáng kể so với cái hy sinh to lớn của bà con ta trong nước đã chịu đựng bao năm gian khổ, trong thời kỳ chiến tranh và lúc hòa bình vừa lập lại.
Nhân dịp này tôi xin chân thành cảm ơn bà con và Nhà nước Việt Nam đã nghĩ đến những người con sống xa Tổ quốc mà lúc nào cũng hướng về đất nước. Cảm ơn các bác các anh chị lớn, nhỏ trong phong trào đã tiếp nối bước đường đi trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Và tôi không quên cảm ơn người bạn đời của tôi đã tạo mọi điều kiện để tôi được yên tâm công tác cho phong trào. Trong quãng đời còn lại của mình, tôi sẽ cố gắng cùng bà con tiếp tục chặng đường mà chúng ta đang đi.
Ngày ra đi sang Pháp, những tưởng học thành tài rồi về nước góp phần xây dựng quê hương, rồi vì nhiều lý do, các anh chị em tôi phải định cư lâu dài ở Pháp cùng chồng con. Nhưng tuy cách xa nghìn dặm lúc nào tôi vẫn một lòng với đồng bào trong nước góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, cùng tiến bước với bạn bè năm châu.
5-Đôi lời nhắn nhủ đến thế hệ thanh niên Việt Nam tại nước ngoài
Tôi luôn mong các thế hệ sau nhớ nguồn gốc của mình là một dân tộc thông minh, siêng năng, yêu chuộng hòa bình, sống lương thiện. Vì vậy các con, cháu phải giữ đức tính tốt đẹp đó và cố gắng học hành nên người để có địa vị trong xã hội này.
Các cháu được đi du học nước ngoài hay sống tại nước ngoài là một cơ hội mà không phải ai cũng có được. Nước Pháp là một nước có nền văn hóa từ lâu, mình nên học cái hay và nên tránh cái dở , thích nghi với đời sống hằng ngày của nước sở tại. Nếu có điều kiện, hãy góp sức cùng đồng bào xây dưng nước Việt Nam giàu đẹp.
Sống trên 70 năm nơi xứ người, hoạt động trong phong trào từ những ngày đầu tiên sang Pháp, tôi đã thấy bao nhiêu gương hy sinh của các bác, các anh, các chị đi trước nên cũng cố ghi lại phần của mình để đóng góp vào trang sử của phong trào. Để mọi người có thể hiểu thêm về các phong trào của người Việt ở nước ngoài và các thế hệ con cháu sau này noi gương các bác, cô, chú đã đóng góp cho đất nước và cùng tiếp tục đi trên con đường xây dựng Việt Nam.
Phóng viên Hoàng Thị Hồng Hà