Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong tháng 4/2025
Theo quy định hiện hành, chính quyền địa phương gồm ba cấp : Tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ; huyện (quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành

Theo quy định hiện hành, chính quyền địa phương gồm ba cấp : Tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ; huyện (quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) và xã (xã, phường, thị trấn). Việt Nam hiện có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương ; 705 quận, huyện ; 10.595 xã, phường.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tỉnh thành phải đảm bảo ba tiêu chí gồm quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện. Tỉnh miền núi, vùng cao phải có dân số từ 900.000, diện tích 8.000 km2 ; tỉnh ở những nơi khác dân số 1,4 triệu, diện tích 5.000 km2. Đồng thời, tỉnh thành phải có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó ít nhất một thành phố hoặc một thị xã. Đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng có tiêu chuẩn về dân số và diện tích.
Như vậy, diện tích đất dân số của đơn vị hành chính cấp tỉnh như sau :
– Quy mô dân số:
+ Tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên ;
+ Tỉnh từ 1.400.000 người trở lên.
– Diện tích tự nhiên:
+ Tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên ;
+ Tỉnh từ 5.000 km2 trở lên.
Dựa trên số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê có 21 tỉnh thành chưa đủ tiêu chuẩn về cả 2 tiêu chí diện tích và dân số bao gồm : Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Đắk Nông, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Hậu Giang, Hà Nam, Bạc Liêu, Ninh Bình, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Sóc Trăng, Hưng Yên, Bến Tre.
Từ thời Nhà Nguyễn đến nay, lịch sử hành chính của Việt Nam luôn chứng kiến quá trình tách nhập các tỉnh nhằm thích ứng với những biến đổi về chính trị, kinh tế – xã hội và công nghệ. Số lượng các tỉnh luôn thay đổi, không phải là một con số cố định, mà phản ánh nhu cầu và mô hình quản trị của từng thời đại. Việc tách nhập các tỉnh luôn phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính theo điều kiện thực tế: từ mô hình phong kiến với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ ; đến thời kỳ thực dân nhằm khai thác kinh tế ; đến giai đoạn thống nhất và sáp nhập để tối ưu hóa nguồn lực, và sau đó là quá trình phân chia nhằm thúc đẩy phát triển địa phương.
Trong bối cảnh hiện nay, khi bộ máy hành chính cần được tinh gọn, và thời đại số hóa, cách mạng 4.0 đòi hỏi một hệ thống quản trị hiện đại với khả năng liên thông, điều phối nhanh chóng và hiệu quả, việc sáp nhập các tỉnh lại trở nên cần thiết. Một cấu trúc hành chính lớn, với năng lực quản trị được nâng cao, sẽ tạo điều kiện để trung ương có thể phân quyền nhiều hơn cho các tỉnh, tận dụng tối đa nguồn lực và triển khai các chính sách phát triển đồng bộ trên toàn quốc. Qua đó, sáp nhập không chỉ giúp loại bỏ những chồng chéo trong quản lý mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.