Home / Trang chủ  / Tin tức  / Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về nguồn lao động

Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về nguồn lao động

Dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng trên cả nước đã tạo ra sự đứt gãy với nguồn nhân lực. Như tại TP HCM, tâm điểm của đợt dịch vừa qua, gần nửa triệu lao

Dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng trên cả nước đã tạo ra sự đứt gãy với nguồn nhân lực. Như tại TP HCM, tâm điểm của đợt dịch vừa qua, gần nửa triệu lao động đã bỏ về quê, trong đó, có khoảng 300.000 công nhân. Với những lao động vẫn bám trụ lại nhà máy, mặc dù doanh nghiệp đã chấp nhận tăng chi phí để hỗ trợ, họ vẫn bị tác động tâm lý nhất định, ảnh hưởng đến sản xuất, cần có thời gian để phục hồi dần.

Nhiều dự báo cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhóm ngành dệt may, da giày sẽ nằm trong nhóm thiếu nhân công khi sản xuất phục hồi hoàn toàn.

Theo Tổng Cục Thống kê, trong quý 3, nguồn cung lao động cho thị trường đã giảm do lao động quay trở về quê vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều doanh nghiệp.

Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ với 30,6%, trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%), Bình Phước (34,4%) và Thành phố Hồ Chí Minh là (31,8%).

Một số ngành có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%).

Theo số liệu tổng hợp nhanh của Tổng Cục Thống kê, có khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch tính từ tháng 7 đến tháng 9. Trong số này, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam.

Lâu nay, các trung tâm kinh tế vẫn thu hút một lượng rất lớn lao động nhập cư đến làm việc, điều này giúp giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận người lao động, tuy nhiên, xét ở góc độ về chính sách an sinh xã hội vẫn còn nhiều bất cập.

Một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh là chủ yếu. Thực tế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp tại đây là rất lớn, như vậy, phần lớn do chính công sức của những người lao động tại các doanh nghiệp và trong đó có lao động ngoại tỉnh. Song các công trình phúc lợi như nhà ở xã hội, nhà trẻ trong các khu công nghiệp vẫn còn rất nghèo nàn so với nhu cầu của người lao động. Đây là sự mất cân đối giữa đóng góp của người lao động và mức độ đầu tư ngược trở lại cho nhóm đối tượng này. Cũng bởi thế nhiều lao động coi công việc tại đây chỉ mang tính tạm thời.

Về quy định nhà nước, người lao động ở đâu thì chính quyền địa phương đó phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho họ. Nhưng đến nay, tại các khu công nghiệp lớn khu vực phía Nam, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa được thực hiện tốt. Cũng bởi vậy, nhiều lao động sống ở đây cả chục năm nhưng ngụ cư vẫn là ngụ cư, họ không xác định sẽ gắn bó lâu dài, nên khi dịch bệnh xảy ra, đồng lương ít ỏi hoặc thậm chí không còn, không thể cầm cự, người dân phải tìm mọi cách để về quê.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content