Hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm 2/8/2022, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm 2/8/2022, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cho 3.132.138 lao động tại 45.309 đơn vị sử dụng lao động.
Cụ thể, với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, đã xác nhận cho 34.865 đơn vị với 2.957.609 lao động. Việc xác nhận được thực hiện tại 61 tỉnh, thành phố.
Còn với mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, đã xác nhận cho 10.444 đơn vị với 174.529 lao động. Việc xác nhận được thực hiện tại 50 tỉnh, thành phố.
Tới nay, 31 địa phương đã giải ngân hỗ trợ 356 tỷ đồng tới hơn 620 nghìn lao động, mới chỉ đạt tỷ lệ 5,4% so với dự kiến nhu cầu hỗ trợ.
Một số địa phương đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ nhiều người lao động hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh (112,4 tỷ đồng) ; Đồng Nai (72,3 tỷ đồng) ; Bình Dương (74 tỷ đồng) ; Bắc Giang (55 tỷ đồng) ; Hà Nội (45,3 tỷ đồng) ; Long An (31,4 tỷ đồng)…
Có 29 địa phương chưa thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân kinh phí thấp so với tổng kinh phí dự kiến ban đầu. Cụ thể có: Ninh Bình (0,28%) ; Nghệ An (0,21%) ; Quảng Nam (0,06%) ; Quảng Ngãi (0,03%) ; Bình Định (0,13%) ; An Giang (0,07%)…
Theo dự kiến, gói hỗ trợ này lên tới 6.600 tỷ đồng với khoảng 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách. Tuy nhiên, đến nay bên cạnh số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân tương đối thì còn rất nhiều tỉnh, thành triển khai chậm trễ ; thậm chí tính đến đầu tháng 8 này vẫn còn 12 địa phương chưa giải ngân đồng nào. Trong khi đó, chỉ ít ngày nữa là hạn cuối doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động lên UBND cấp huyện (15/8).
Nguyên nhân dẫn đến chậm trễ do một số chủ trọ ngại xác nhận vì sợ ràng buộc tính pháp lý. Nhiều chủ trọ ở xa, giao khu trọ cho người khác trông coi, nên rất nhiều trường hợp chậm được xác nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn doanh nghiệp ngại trách nhiệm nên rất thận trọng khi làm thủ tục ; không ít nơi gộp 2, 3 tháng để làm luôn một lần, sau đó mới gửi hồ sơ đi xác nhận, phê duyệt. Khó khăn khác là một số huyện, thị thiếu cán bộ thẩm định hồ sơ, thậm chí chưa quan tâm đúng mực, còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Nhân lực hạn chế, quá trình thẩm định đòi hỏi phải chính xác nên nhiều cán bộ thực hiện với tâm lý sợ xảy ra sai sót, không dám làm. Bản thân người lao động cũng chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ.