1. Lịch sử
Phong trào hoạt động của người Việt Nam tại Isère bắt đầu vào cuối những năm 1940 bởi bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, khi ông đang dưỡng bệnh ở St Hilaire du Touvet (cách Grenoble 30 km). Bác sĩ Viện là linh hồn của hoạt động tranh đấu của chúng tôi chống lại cuộc chiến tranh của thực dân Pháp vừa bùng nổ ở Việt Nam.
Thời đó, Grenoble là nơi tập hợp rất nhiều “lính thợ Đông Dương” được Pháp huy động cho cuộc chiến 39-40. Các cuộc họp đã diễn ra ở đây cùng các hoạt động mừng Tết và ngày độc lập tổ chức tại hai thành phố St Martin d’Hères và Fontaine.
Từ năm 1949 đến 1973, năm mà Mỹ rút lui quân, chúng tôi, cùng với những người bạn Pháp, tham gia nhiều cuộc biểu tình chống lại hai cuộc chiến tranh phi nghĩa tàn phá đất nước chúng ta.
Chính sự phi lý của các cuộc xung đột đẫm máu này đã duy trì ngọn lửa đấu tranh của Phong trào chúng tôi; đây là một trong những Phong trào tích cực nhất của Chi hội Liên Hiệp Việt Kiều ở các tỉnh của Pháp.
2. Lãnh đạo
Từ năm 2006 đến nay, ông Nguyễn Khắc Nhẫn được vinh dự làm Chủ tịch Hội. Ông là Nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) – Nguyên Cố Vấn Kinh tế và Dự báo Chiến lược EDF Paris – Nguyên GS Viện Kinh tế Năng lượng và Đại học Bách khoa Grenoble.
3. Mục tiêu
Bên cạnh những hoạt động bảo vệ quyền lợi và tương trợ lẫn nhau của cộng đồng, những mục đích chính của UGVI, là:
Đóng góp vào sự phát triển các mối quan hệ khoa học kỹ thuật Pháp – Việt
Hợp tác với Hội sinh viên Việt Nam tại Grenoble (AEVG) – Chủ tịch hiện nay là Anh Trần Ngọc Anh, chùa Hoa Nghiêm (do Sư cô Đàm Hải chủ trì) và VNED (Tổ chức trẻ em bị dioxin Việt Nam).
Ở chùa Hoa Nghiêm, UGVI có mở lớp tiếng Việt và tổ chức Tết Trung thu, tụ họp đông đủ những gia đình có các cháu bé. Các đêm biểu diễn ca nhạc Tết nguyên đán của sinh viên AEVG hàng năm quy tụ rất nhiều hội viên UGVI và kiều bào vùng Isère.
4. Những đóng góp nổi bật
Một trong những đóng góp nổi bật nhất là hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Viện Bách khoa quốc gia Grenoble (INPG) và ba trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao ở Việt Nam (PFIEV) được ra mắt ngày 12/11/1999 tại Đà Nẵng. Chương trình này bao gồm ba trường Bách khoa Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đại học xây dựng Hà Nội.
Về phía Pháp, những Trường kỹ sư và Đại học, thành viên sáng lập PFIEV gồm có:
- Viện bách khoa quốc gia Grenoble (Grenoble – INP)
- Viện bách khoa quốc gia Toulouse (INP-Toulouse)
- Đại học Trung tâm Paris (ECP)
- Đại học quốc gia cầu đường (ENPC)
- Đại học điện tử viễn thông quốc gia Brest (ENSTB)
- Viện Khoa học ứng dụng quốc gia Lyon (INSA Lyon)
- Đại học Cơ khí và kỹ thuật hàng không Poitiers (ENSMA).
- Trường trung học Louis- le-Grand (LLG Paris)
Bằng cấp của PFIEV được chứng nhận bởi Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp (CTI). Những kỹ sư tốt nghiệp giỏi nhất được chấp nhận làm tiến sĩ trực tiếp ở Pháp, mà không cần phải học một năm cao học như trước đây.