Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê trả lời báo VnEconomy Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê trả lời báo VnEconomy
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ cao hơn tốc độ của 6 tháng đầu năm 2020 (Covid19). Điều này cho thấy nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Bà có thể phân tích rõ hơn về những yếu tố “kéo lùi” GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ?
GDP 6 tháng đầu năm 2023 không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân là do nền kinh tế phải đối mặt với quá nhiều khó khăn và thách thức từ bên ngoài cũng như từ nội tại nền kinh tế.
Từ bên ngoài, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia, khu vực ; lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.
Ở trong nước, động lực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, bị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Đặc biệt, đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi.
Giải ngân vốn đầu tư công – một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay – chưa có cải thiện đáng kể. Ngoài ra, một số thị trường then chốt, như : tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động… đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn ; vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, đang là thách thức đặt ra.
Với mức tăng trưởng không như kỳ vọng, theo bà, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm có đạt mục tiêu 6,5% ? Đâu là động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm?
Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2% (trong đó quý 1 tăng 5,6%, quý 2 tăng 6,7%).
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP thực tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72% (trong đó quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,14%), không đạt mức tăng đề ra, thậm chí thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Trong đó, chủ yếu do các ngành công nghiệp với tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,44%, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt tốc độ khiêm tốn với giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 0,37% ; ngành khai khoáng giảm 1,43% ; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo (như linh kiện điện tử, dệt may, da giày…) sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo để gia công, sản xuất tại Việt Nam.
Do vậy, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét khi nền kinh tế thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn nên cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu và khó dự báo.
Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang thúc đẩy nhiều giải pháp nhằm tạo động lực đột phá để tăng trưởng kinh tế phù hợp với một số động lực chính.
- đầu tư công đang được ráo riết đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển. Nhiều ngành sẽ có cơ hội hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng…
- hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.
- hoạt động nông nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục ổn định; nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa có khả năng xuất khẩu cao. Xuất khẩu hàng nông, thủy sản tăng trưởng tốt (6 tháng đầu năm đạt gần 14 tỷ USD, chiếm gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế cả nước).
- tăng lương cơ sở mới kể từ tháng 7/2023 sẽ là nhân tố để kích thích nhu cầu tiêu dùng do tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Đồng thời, lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng.
- chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt tiếp tục hỗ trợ như giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh