Kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Lê Bá Đảng
Ngày 27-6 cách đây tròn 100 năm, họa sĩ Lê Bá Đảng (1921 – 2015) đến với nhân gian. Sinh năm 1921, năm 18 tuổi Lê Bá Đảng rời mảnh làng Bích La Đông (Quảng Trị)
Ngày 27-6 cách đây tròn 100 năm, họa sĩ Lê Bá Đảng (1921 – 2015) đến với nhân gian.
Sinh năm 1921, năm 18 tuổi Lê Bá Đảng rời mảnh làng Bích La Đông (Quảng Trị) trong đội quân « lính thợ » mà người Pháp đưa sang « mẫu quốc » để phục vụ cho Thế chiến thứ 2.
Sau chiến tranh, người lính thợ ấy vừa đi làm vừa đi học để tốt nghiệp thủ khoa Trường Mỹ thuật Toulouse. Ông đã phải mưu sinh độ nhật qua ngày đói khổ trong con ngõ vừa ngắn vừa nhỏ ở quận 5, trung tâm Paris với những bức ký họa mèo một nét độc đáo : Ngõ « Con mèo câu cá » (Rue du Chat qui pêche).
Rồi từ những con mèo ký họa ấy, cùng với thời gian, ông đã tạo nên một trường phái hội họa của riêng mình với thuật ngữ lebadagraphic, được giới nghệ thuật tôn vinh là « bậc thầy của hai thế giới đông – tây ».
Trung tâm tiểu sử quốc tế của Đại học Cambridge (Anh) đưa ông vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới, nhà nước Pháp tặng ông Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp. Ông qua đời năm 2015 tại Paris, thọ 94 tuổi.
Dù là một họa sĩ tên tuổi, ông dành tình cảm nhiều cho những thân phận lính thợ hơn là những salon trí thức nơi xứ người. Chỉ mấy tháng trước khi ông mất, tháng 10-2014, tại thị trấn Salin-de-Giraud ở cửa khẩu sông Rhône nước Pháp đã khánh thành tượng đài tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương – một bức tượng bằng thép cao 2m, đặt trên bục đá cao 80cm có bia khắc chữ tiếng Pháp và tiếng Việt của ông rất hiện đại, sống động.
Ra đi từ làng Bích La Đông trong thân phận một người lính thợ, tác phẩm cuối cùng của ông lại là bức tượng tưởng nhớ những người lính thợ. Lê Bá Đảng đã đi trọn cuộc tuần hoàn của phận người.
Vượt lên thân phận người lính thợ, bằng tài năng của mình, ông đã cống hiến cho quê hương, gắn bó với xứ sở, dốc lòng cho đất nước mà những tên gọi của các dự án nghệ thuật của ông đã nói lên tất cả :Vườn mộ Loa Thành, Hạt gạo Trường Sơn, Dấu chân Giao Chỉ, Làng hoa Bích La, Tượng đài Thánh Gióng, Cọc chông Bạch Đằng…
Những ngày đất nước còn chiến tranh, ông có những Hậu quả chiến tranh (1965), Phong cảnh bất khuất (1973) – những bức tranh về Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh. Những bức tranh ấy đang im lặng đầy náo động trên bức tường của Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng – một biệt thự đẹp nhất cố đô Huế trên con phố Lê Lợi.
Với Lê Bá Đảng, không có nghệ thuật nào nghịch lý với khó nghèo, mà từ khó nghèo vẫn làm được nghệ thuật, và rồi chính nghệ thuật ấy sẽ làm cho người dân no ấm hơn, giàu có hơn. Bằng sức sáng tạo nghệ thuật của mình, ông đã làm cho nhân loại biết đến quê hương và quê nhà trong niềm kính ngưỡng.
Giấc mơ Lê Bá Đảng
Bích La Quảng Trị trăm năm trước,
Lính thợ Thế chiến 2 đỗ Thủ khoa
Trường Mỹ thuật Toulouse “mẫu quốc”,
Từ mưu sinh độ nhật trở nên “Thầy”.
*
Núi non sông bể hữu tình,
Chim bay nhìn xuống con người sinh sôi.
Tình quê tình nước xa xôi,
Nhưng anh chiêm bái lung linh gụi gần.
Nguyễn Duy Tân
Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Pháp (2000)
Cachan, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của anh bạn cũ.