Lâm Bá Châu (1928-2023)
Lâm Bá Châu, một nhân cách không thể thiếu trong suốt 75 năm phong trào yêu nước của người Việt ở Pháp
Hội người Việt tại Pháp vô cùng đau đớn thông báo ông Lâm Bá Châu đã từ trần ngày 29.11.2023 tại Paris, hưởng thọ 95 tuổi. Chúng ta đã mất đi một nhà hoạt động tích cực và một nhà lãnh đạo đáng kính.
Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chi Margot, các con Marianne và Trí Huệ cũng như các cháu và chắt.
Lâm Bá Châu, một nhân cách không thể thiếu trong suốt 75 năm phong trào yêu nước của người Việt ở Pháp
Lịch sử hàng trăm năm của phong trào người Việt yêu nước ở Pháp được các thế hệ nối tiếp nhau xây dựng, cùng nhau đoàn kết, quyết tâm ủng hộ đất nước Việt Nam đấu tranh giành độc lập, tự do. Một trong những cái tên luôn được nhắc đến và ghi nhớ là Lâm Bá Châu. Tên tuổi của ông gắn liền với những trang lịch sử của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các hồ sơ lưu trữ của Pháp, trong ký ức của những người cùng thời với ông, trong đó nhiều người đã ra đi….
Lâm Bá Châu sinh năm 1928 tại Phước Vĩnh Tây, tỉnh Long An.
Ông sang Pháp du học năm 1948. Ngay trên chuyến tàu thủy đưa ông sang Pháp, trong những buổi tối dài, cùng với các sinh viên khác, nhân những dịp “đốt lửa trại”, ông đã viết những vở kịch ngắn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của thanh niên trong kháng chiến nơi quê nhà.
Sau này, ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc thành lập các hội đoàn của phong trào yêu nước người Việt ở Pháp.- Là thành viên trong Ban Vận động thành lập Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp được thành lập vào tháng 5 năm 1949, phụ trách công tác tuyên truyền.- Là Tổng biên tập tạp chí L’Etudiant từ tháng 11 năm 1948 đến tháng 2 năm 1949.
Từ năm 1950, các hội đoàn người Việt dần dần bị cấm hoạt động, những người có trách nhiệm phong trào đều bị theo dõi, bắt giữ, trục xuất, v.v… Ông cùng 42 đồng chí thuộc Nhóm cách mạng nói tiếng Việt đi vào hoạt động bí mật, tiếp tục viết truyền đơn, in các bản kêu gọi cộng đồng hướng về quê hương, đất nước.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Genève, tháng 12/1955, một hội đoàn người Việt vì hòa bình và thống nhất đất nước Việt Nam mang tên là Liên hiệp Việt kiều tại Pháp (LHVK), tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) được thành lập, ông được bầu làm Ủy viên Ban thư ký.
Tháng 12/1959, LHVK lại bị cấm hoạt động nhưng cộng đồng vẫn bí mật duy trì hoạt động, giữ gìn và bảo vệ phong trào.
Đầu năm 1963, lấy cớ nghiêm cấm việc “thành lập lại một hội đoàn đã bị giải thể”, chính quyền Pháp đột kích bắt giữ một số nhân vật chủ chốt của Hội, trong đó có ông. Ngay từ tháng 1 năm 1968, ông là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trong cộng đồng được thông báo rằng Hội nghị về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam sẽ diễn ra vài tháng sau đó tại Paris.
Các chức vụ chính của ông sau năm 1975 có thể được tóm tắt như sau :
– Phó Chủ tịch Liên Hiệp Việt kiều tại Pháp (1969-1976).
– Ủy viên Đoàn chủ tịch và Tổng thư ký Hội người Việt tại Pháp (1976-1994).
– Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp (1994-1997).
– Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội (1994-1997).
– Thành viên Hội đồng cố vấn Hội người Việt Nam tại Pháp (1997-2000).
– Chủ tịch danh dự Hội người Việt Nam tại Pháp (2000-2003).
Từ năm 1995, ông đặc biệt tham gia một cách kiên quyết và có hiệu quả với chính phủ Việt Nam về các yêu cầu chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như vấn đề cấp hộ chiếu Việt Nam, vấn đề Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, vấn đề hồi hương… Ngày nay, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài trên khắp thế giới vẫn được hưởng lợi rất nhiều từ những chính sách của Nhà nước Việt Nam về những vấn đề nêu trên mà có lẽ không biết do đâu, nhờ ai.
Vì những đóng góp của ông, Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng ông :
– Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
– Huy chương Danh hiệu về Văn hóa.
Trong tâm trí mọi người, suốt 75 năm qua, ông là một nhân tố không thể thiếu trong phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nói chung và đặc biệt trong lịch sử hơn 100 năm của Hội người Việt Nam tại Pháp nói riêng.
Hội người Việt Nam tại Pháp
Paris, ngày 6 tháng 12 năm 2023