Một số nguyên nhân của tham nhũng
Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Sau đây là một số nguyên nhân : Nói cho cùng, nguyên nhân
Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Sau đây là một số nguyên nhân :
- Nói cho cùng, nguyên nhân và động cơ chủ yếu của tham nhũng là lòng tham của con người. Về phía tư nhân : Sự cạnh tranh khốc liệt trong làm ăn, sự chi phối của lợi ích vật chất làm cho người sản xuất, kinh doanh có xu hướng tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá, tìm cách hối lộ để tạo lợi thế trong kinh doanh. Mục tiêu kiếm nhiều tiền bằng bất cứ giá nào đôi lúc đã trở thành thói quen, làm xuất hiện tâm lý mọi việc đều có thể mua bán bằng tiền hoặc bằng những lợi ích vật chất khác : « Tiền có thể không giải quyết được vấn đề nhưng rất nhiều tiền sẽ giải quyết được ». Về phía cán bộ công quyền : Phẩm chất đạo đức của một số không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái, họ dùng quyền lực có trong tay để tham nhũng. Dù dưới hình thức nào chăng nữa đều có thể quy về lợi ích cá nhân. Vì lợi ích cá nhân, người ta có thể làm tất cả, bất chấp mọi thủ đoạn, mọi hậu quả để đạt được dù biết rằng hành vi đó là vi phạm đạo đức, pháp luật.
- Trong nền kinh tế thị trường, sự phân cực giữa các giai tầng trong xã hội ngày càng sâu sắc làm cho giá trị đạo đức bị đảo lộn. Sự đố kỵ lẫn nhau trong việc so sánh giàu nghèo, việc chạy theo sức mạnh của đồng tiền trở thành phổ biến, đôi lúc, vì tiền, con người có thể quên đi những nét đẹp truyền thống vốn dĩ của cha ông ta : « đói cho sạch, rách cho thơm ».
- Chính sách pháp luật của Việt Nam còn chưa đầy đủ, nhiều lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, thậm chí yếu kém. Việc xây dựng thể chế pháp luật vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như điều chỉnh kịp thời những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển, tạo nên những « lỗ hổng » để hối lộ, tham nhũng chui lọt qua.
- Chế độ chính sách, tiền lương còn thấp, chưa bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức đủ sống để “không cần và không muốn tham nhũng”. Hiện nay, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức còn quá thấp so với mức lương tối thiểu khu vực sản xuất, tư nhân. Hệ thống lương công vụ vẫn nặng tính bình quân, “cào bằng”, nặng tính bằng cấp, chưa phù hợp với năng lực làm việc. Điều này khiến cho cán bộ, công chức “không đủ sống”, từ đó dẫn đến việc hình thành hành vi tiêu cực, từ « chạy chức, chạy quyền », « tham nhũng vặt” đến những hành vi tham nhũng lớn hơn nếu có điều kiện.
- Tập quán văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng có rất nhiều điều kiện khiến tệ nạn tham nhũng nảy nở mà biểu hiện tập trung nhất là nạn quà cáp. Chuyện biếu quà được coi là một nét văn hóa của người Việt Nam đã và đang bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng. Môi trường làm việc là điều kiện khách quan ảnh hưởng đến sự suy thoái đạo đức. Hiện tượng đút lót, quà cáp để vụ lợi trong các cơ quan công quyền không phải là điều quá xa lạ và diễn ra ở hầu hết mọi nơi. Nguyên nhân này dần dần hình thành hiện tượng tham nhũng tập thể, khi có thanh tra, kiểm tra thì bao che lẫn nhau, dẫn đến việc khó khăn trong vấn đề phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, tâm lý, truyền thống văn hóa và trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn yếu kém với quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” và nghĩ rằng đây là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để giải quyết công việc. Vô hình trung điều này tạo nên một cách suy nghĩ, một thói quen xấu trong cả cán bộ công chức và cả những người muốn dùng tiền để giải quyết công việc, dần dần hình thành nên “văn hóa phong bì”.