Nghị quyết số 57 tạo xung lực đưa Việt Nam lên một tầm cao mới
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định, là
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định, là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường.
Cùng với tầm nhìn đó, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao.
Đây là nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết Khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CĐS quốc gia.
Bình luận về sự kiện này, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện nêu :
« Chúng ta không nói đây là cuộc đổi mới lần thứ 2, nhưng thực chất đó là biểu hiện của cuộc đổi mới lần thứ 2 (sau 1986). Cuộc đổi mới lần này được đặt tên là « kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ».
Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng :
… Cách đây 5 năm, ứng dụng công nghệ thông tin là phổ biến, chuyển đổi số là rất mới. Chuyển đổi số (CĐS) là mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới. Cái mới thì tinh thần dám khai phá là quan trọng nhất. Ai dám khai phá người đó sẽ dẫn đầu.
Năm 2020, Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là một quyết sách mạnh mẽ và tiên phong. 5 năm qua là chặng đường vừa làm vừa khai phá. Và chính tinh thần dám khai phá ấy đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào loại nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, khi đó, xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào nhóm 100 toàn cầu (hiện nay Việt Nam đang xếp hạng khoảng 120). Nhưng hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm 50 toàn cầu, cao gấp đôi xếp hạng kinh tế. Đây là mục tiêu mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra đất nước nó chung và cho ngành truyền thông và thông tin (TT&TT) nói riêng. Liệu chúng ta có làm được không ?
Về Bưu chính, Việt Nam đang xếp hạng quốc tế thứ 31, chúng ta đặt mục tiêu lọt vào nhóm 20 toàn cầu.
Về Viễn thông, chúng ta đang xếp hạng thứ 72, nhưng tăng bậc khá nhanh. Cách đây 6 năm, năm 2018, Việt Nam xếp hạng 108. 6 năm qua, tăng 36 bậc, mỗi năm tăng trung bình 6 bậc. Với tốc độ tăng bậc này, đến năm 2030, viễn thông Việt Nam chắc chắn sẽ vào nhóm 50 toàn cầu, nếu tích cực hơn nữa thì sẽ vào nhóm 40.
Về hạ tầng dữ liệu, Việt Nam đã đạt 2MW/1 triệu dân, mặc dù chưa có đầu tư nước ngoài về trung tâm dữ liệu. Việt Nam đang là nhóm 60 toàn cầu. Nếu thu hút được các công ty Big Tech đầu tư vào trung tâm dữ liệu và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào trung tâm dữ liệu thì năm 2030, Việt Nam có thể vào nhóm 30 toàn cầu.
Về An toàn thông tin mạng, Việt Nam đang có thứ hạng cao, xếp thứ 17 toàn cầu. Mục tiêu của chúng ta là vào nhóm 10 toàn cầu.
Về công nghiệp công nghệ số, hiện nay, Việt Nam đang có thứ hạng cao ở 5 mặt hàng công nghiệp công nghệ số (CNS) : Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh ; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính ; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính ; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị, linh kiện điện tử ; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm. Xét về tổng thể, ngành công nghiệp CNS, xét cả khía cạnh tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu, thì Việt Nam đã vào nhóm 20. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì thứ hạng cao, phấn đấu vào nhóm 15 toàn cầu và tăng tỷ trọng giá trị Việt Nam đang là 32% lên 50% vào năm 2030.
Về kinh tế số (KTS), Việt Nam đang xếp thứ 41 về tỷ trọng KTS/GDP, nhưng cũng tăng thứ hạng khá nhanh. Năm 2024, tỷ trọng KTS của Việt Nam đã gần 19%, năm 2025 sẽ đạt và vượt mục tiêu 20%. Chúng ta đặt mục tiêu KTS chiếm 30-35% GDP vào năm 2030, khi đó, Việt Nam sẽ lọt vào nhóm 30 toàn cầu.
Về chính phủ điện tử (CPĐT) / chính phủ số (CPS), năm 2024, Việt Nam xếp thứ 71, tăng 15 hạng sau 2 năm. Chúng ta cũng đang có sự thay đổi nhanh về thứ hạng. Nếu đạt mục tiêu 80% dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp là trực tuyến toàn trình vào năm 2025 như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thì không cần đến năm 2030 mà chỉ cần đến năm 2028 là Việt Nam sẽ vào nhóm 50 toàn cầu về CPĐT/CPS. Và chúng ta đặt mục tiêu năm 2030 sẽ vào nhóm 40 toàn cầu về CPĐT/CPS.
Như vậy, vào năm 2030, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, chuyển đổi số của Việt Nam phải lọt vào nhóm 50 toàn cầu, một số lĩnh vực vào nhóm 20-30.
Đây là sứ mệnh cao cả. Sứ mệnh đi trước, đi nhanh, lọt vào nhóm các nước phát triển, để tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển đất nước, cho CĐS, cho phát triển KTS, xã hội số. Và chúng ta sẽ quyết tâm đạt mục tiêu này. Muốn làm được việc lớn thì đầu tiên phải dám nghĩ tới và có niềm tin.
Chúng ta vẫn hay so mình với chính mình, nhưng quan trọng hơn là so mình với các nước khác, các nước quanh ta, và so với cả các nước đã phát triển, để từ đó cố gắng thay đổi thứ hạng quốc gia. Việt Nam bây giờ không nhỏ nữa, mà phải vươn mình đứng dậy sánh vai với cường quốc. Chúng ta đã có lực để vươn mình, đã có thu nhập đầu người đạt mức trung bình. Chúng ta đang có cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng công nghệ số. Chúng ta có khát vọng Việt Nam hùng cường. Hội đủ 3 điều kiện này là đủ để vươn mình đứng dậy, để đất nước tăng trưởng 2 con số. Ngành TT&TT là hạ tầng số, là công nghệ số, là công nghiệp số, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là truyền thông số thì phải nhận lấy sứ mệnh tạo ra các nền tảng cho đất nước phát triển ngày càng cao …