Home / Trang chủ  / Tin tức  / Nhìn lại những đại án liên quan đại gia, quan chức bị xét xử trong năm 2024

Nhìn lại những đại án liên quan đại gia, quan chức bị xét xử trong năm 2024

Năm 2024, tòa án nhân dân các cấp đã đưa loạt đại án kinh tế, tham nhũng ra xét xử, cùng với các bị cáo là các quan chức còn có những cái tên tuổi

Năm 2024, tòa án nhân dân các cấp đã đưa loạt đại án kinh tế, tham nhũng ra xét xử, cùng với các bị cáo là các quan chức còn có những cái tên tuổi trng giới doanh nhân như bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ; Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC ; Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh…

Vụ án Công ty Việt Á

Vào tháng 1/2024, TAND TP Hà Nội đã xét xử 38 bị cáo trong đại án Việt Á, liên quan việc nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Đáng chú ý, trong vụ án có 3 cựu Ủy viên Trung ương ‘dính chàm’, gồm hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương – Phạm Xuân Thăng.

Với cáo buộc nhận hối lộ số tiền lớn nhất trong các bị cáo (2,25 triệu USD), cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị tuyên phạt 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Chu Ngọc Anh bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Còn bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nhóm bị cáo vụ án Việt Á tại tòa

Hồ sơ vụ án xác định, bằng việc “thổi giá” kit xét nghiệm lên gấp nhiều lần, được Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức giá 470.000 đồng/1 kit, Công ty Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng (49,4 triệu USD), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng (17,3 triệu USD). Cơ quan tố tụng đánh giá vụ án Việt Á là “một điển hình cho lợi ích nhóm” và “thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống”…

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phong tỏa, thu hồi tài sản tổng trị giá 1.400 tỷ đồng (56 triệu USD).

Vụ án Vạn Thịnh Phát

Trong năm 2024, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, cùng các đơn vị liên quan.

Vào tháng 4/2024, sau hơn 1 tháng xét xử 86 bị cáo trong giai đoạn 1 của vụ án, HĐXX đã tuyên án sơ thẩm, trong đó nữ đại gia Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã bị tuyên án tử hình, đây là mức án chung cho 3 tội danh : « Tham ô tài sản ; Đưa hối lộ ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ».

Liên quan đến vụ án, bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) bị tuyên án tù chung thân. Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB ; trong quá trình thanh tra Ngân hàng SCB, bà Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD từ bà Trương Mỹ Lan thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) để bao che, bưng bít sai phạm của Ngân hàng SCB.

Ở giai đoạn 1, cơ quan tố tụng cáo buộc, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm tại SCB giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ 677.000 tỷ đồng vừa gốc và lãi (27,08 tỷ USD).

Giai đoạn 2, tòa án kết luận bà Lan bàn với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB… phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, bán và chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) của 35.824 bị hại.

Ngoài ra, bà Lan đã chỉ đạo các cá nhân thuộc Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB 445.748 tỷ đồng (17,8 tỷ USD). Từ 2012 – 2022, thông qua các hợp đồng “khống” với doanh nghiệp nước ngoài, bà Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới 4,5 tỷ USD.

Đến thời điểm hiện tại (giai đoạn 2 của vụ án chưa kết thúc), qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng đã thu hồi số tiền mặt là 4.250 tỷ đồng (170 triệu USD) và 27 triệu USD. Còn lại đang bị cơ quan kê biên có 23 sổ sở hữu cổ phần với hơn 2,34 tỷ cổ phần ; 1.386 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tổng cộng lên đến hàng chục ngàn ha ; 34 sổ tiết kiệm đứng tên khác nhau trị giá hơn 617 tỷ đồng…

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

Vụ án AIC

Đầu tháng 11/2024, TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt ông Nguyễn Nhân Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) 4 năm 6 tháng và Nguyễn Tử Quỳnh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Riêng Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) bị tuyên 13 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Một số đồng phạm khác trong vụ án bị phạt từ 2 – 17 năm tù về các tội danh khác nhau.

Bản án xác định, các cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, trong đó có ông Chiến, ông Quỳnh, đã có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thống nhất việc phân chia, tạo điều kiện” cho Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm Công ty Sông Hồng thông thầu, trúng thầu, thực hiện 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đây là việc làm trái pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền gần 49 tỷ đồng (1,96 triệu USD).

Sau khi giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhóm các công ty trên trúng thầu, nhóm bị cáo đã nhận tiền hối lộ từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty Sông Hồng, trong đó ông Chiến nhận 14 tỷ đồng, ông Quỳnh nhận hơn 10 tỷ đồng.

Đối với khoản tiền nhận hối lộ, các bị cáo trong vụ án đã nộp khắc phục hậu quả. Cơ quan tố tụng cũng phong tỏa nhiều tài sản của Công ty AIC, Công ty Sông Hồng.

Cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch Nguyễn Tử Quỳnh

Vụ án Xuyên Việt Oil

Cuối tháng 11/2024, TAND TPHCM đã tuyên án sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Xuyên Việt Oil và các cơ quan liên quan. Theo đó, bà Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) lĩnh 30 năm tù ; ông Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) nhận 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) nhận 28 năm tù về hai tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Cơ quan tố tụng đánh giá, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại công ty, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, bà Hạnh đã vi phạm các quy định về sử dụng Quỹ bình ổn giá và tiền thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát tài sản Nhà nước 1.463 tỷ đồng (5,85 triệu USD).

Để được tạo điều kiện hoặc không bị xử lý các hành vi vi phạm, bà Hạnh đã trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho một số quan chức. Trong đó, ông Đỗ Thắng Hải nhận 1,1 tỷ đồng để giúp cho Công ty Xuyên Việt Oil ; ông Lê Đức Thọ nhận hối lộ hơn 13,8 tỷ đồng. Ô Thọ còn bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi hơn 22 tỷ đồng.

Cựu Bí thư tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ

Một số tang vật cho thấy mức độ thoái hóa của ông Lê Dức Thọ khủng khiếp như thế nào :

Cơ quan tố tụng thu giữ của bị can 1 xe ô tô Mercedes – Benz ; 3 bộ gậy Golf hiệu Honma (giá cả ngàn USD 1 bộ) ; 10 đồng hồ đeo tay của các hãng Patek Philippe, Speak – Marin, Breguet, Blancpain trị giá cả chúc ngàn USD mỗi chiếc) ; 134 sổ tiết kiệm ; 4 sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sừ dụng đất ; 97 miếng kim loại nghi là vàng ; 440.000 USD, hơn 1,7 tỷ đồng tiền mặt trong nhà…

Vụ án tại Tập đoàn FLC

Đầu tháng 8/2024, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 3 năm tù tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Tổng hợp chung, ông Quyết lĩnh 21 năm tù. 49 bị cáo còn lại (có nhiều người thân, anh em ruột thịt của ông Quyết) lĩnh các mức án từ tù treo đến 14 năm tù giam.

Tòa xác định, từ 2017 – 2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp mở tài khoản và dùng 190 tài khoản chứng khoán thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, gây thiệt hại 723 tỷ đồng  (28,9 triệu USD) cho các nhà đầu tư, trừ chi phí thu lợi hơn 600 tỷ đồng (24 triệu USD).

Ngoài hành vi thao túng 5 mã chứng khoán trên, ông Quyết còn chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros từ 1.197 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng (14,4 triệu USD) của các nhà đầu tư.

Cơ quan tố tụng đã phong tỏa tổng tài sản trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng (14 triệu USD).

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.

Vụ án tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Tháng 3/2024, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) mức án 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sang tháng 9, TAND Cấp cao xem xét đơn kháng cáo đã giảm án cho ông Dũng còn 7 năm tù.

Cùng vụ án, 12 bị cáo khác bị tòa phạt tù treo đến mức cao nhất 36 tháng tù giam.

Vụ án xuất phát từ những khó khăn tài chính của Tân Hoàng Minh khi doanh nghiệp này còn dư nợ ngân hàng lên tới 20.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ. Để có tiền trả nợ, ông Đỗ Anh Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu thông qua các công ty thuộc hệ sinh thái như Ngôi Sao Việt, Cung Điện Mùa Đông, Soleil.

Thực hiện việc này, Đỗ Hoàng Việt và thuộc cấp liên hệ với hai công ty kiểm toán để “làm đẹp báo cáo tài chính” sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Theo cơ quan tố tụng, hơn 90 triệu trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng (400 triệu USD), được bán lại cho Tân Hoàng Minh bằng cách “chạy dòng tiền khống”, để tập đoàn này sau đó chia nhỏ kỳ hạn, bán lại cho dân, thu 14.000 tỷ đồng (560 triệu USD). Số tiền được Tân Hoàng Minh dùng sai mục đích (trả nợ, trả lãi cho người mua trái phiếu) còn lại hơn 8.600 tỷ đồng (344 triệu), cơ quan điều tra quy kết là Tân Hoàng Minh chiếm đoạt của nhà đầu tư.

Tính đến nay, hơn 8.600 tỷ đồng trong vụ án đã được chuyển giao và Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cơ bản đã hoàn thành khắc phục, trả lại cho người bị hại.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm tại tòa.

Vụ án Tân Hiệp Phát

Tháng 4/2024, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) 8 năm tù ; hai con gái ông Thanh là bị cáo Trần Uyên Phương lĩnh 3 năm, 3 tháng tù ; Trần Ngọc Bích 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2019 – 2020, ông Trần Quí Thanh thông qua môi giới đã cho ông Lâm Sơn Hoàng, Nguyễn Huy Đông, Nguyễn Văn Chung và bà Đặng Thị Kim Oanh vay tiền với lãi suất 3%/tháng ; lãi chậm trả 4,5%/tháng. Kèm theo là yêu cầu chủ tài sản/dự án phải kí hợp đồng chuyển nhượng tài sản/cổ phần của dự án để che giấu bản chất cho vay.

Khi bên đi vay đồng ý trả lại đủ tiền trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận thì các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian đối, nêu ra các lí do bất hợp lí, buộc người vay trả thêm lãi phạt… để không trả lại tài sản. Tổng giá trị tài sản mà các bị cáo chiếm đoạt của 4 bị hại là 1.048 tỷ đồng (42 triệu USD). Số tiền chiếm đoạt lớn nhưng trước khi hầu tòa cha con ông Trần Quí Thanh mới nộp 183 tỷ đồng.

Vụ án Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Ngày 24/12/2024, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng

Trong nhóm bị cáo có 3 cựu Phó giám đốc Sở, gồm : ông Trần Tùng (cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) ; Nguyễn Văn Văn (cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) ; Lê Ngọc Tường (cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam)… Các quan chức này bị cáo buộc nhận hối lộ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng từ đại diện các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước cách ly. Chiều 27/12, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết dành cho 17 bị can trong giai đoạn 2 vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Người duy nhất bị xét xử với 2 tội danh – bị cáo Trần Tùng  bị tuyên phạt 7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 5 năm tù về tội Nhận hối lộ, tổng hình phạt 12 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường cùng bị phạt 2 năm tù về tội Nhận hối lộ. Bị cáo Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải hàng không bị phạt 6 năm 6 tháng tù, các bị cáo còn lại nhận các mức án từ 12 tháng tù treo đến 3 năm tù.

Các bị can trong vụ án đã nộp khắc phục gần 20 tỷ đồng.

Vụ án Phúc Sơn

 Đây là một vụ án rất phức tạp, liên quan đến số lượng lớn quan chức địa phương.

Đến nay đã khởi tố bà Hoàng Thị Thúy Lan (đương kim Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc) ; ông Lê Viết Chữ (cựu Bí thư tỉnh Quảng Ngãi) ; ông Lê Duy Thành (đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ); ông Đặng Văn Minh (đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ); ông Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) ; ông Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) ; ông Phạm Hoàng Anh (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) ; ông Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc); ông Ngô Đức Vượng (cựu Bí thư tỉnh Phú Thọ) và ông Nguyễn Doãn Khánh (cựu Bí thư tỉnh Phú Thọ).

Ngoài ra trong vụ án này còn có các cựu cán bộ từng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Giám đốc Sở.

Đối với tiến độ chung của vụ án Phúc Sơn, đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 3 vụ án với 38 bị can về 5 tội danh : “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng ; Nhận hối lộ ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ hơn 315 tỷ đồng ; 1,97 triệu USD ; 534 cây vàng và 1.444 sổ đỏ của các bị can.

Dự kiến, đầu quý I/2025, C03 sẽ có kết luận điều tra vụ án.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content