Những đóng góp của Hội người Việt Nam ở Pháp tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024
Từ ngày 21-24/8/2024, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ
Từ ngày 21-24/8/2024, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 (Hội nghị VK4) và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 (Diễn đàn) tại Hà Nội.
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 03 lần trước đây vào các năm 2009, 2012 và 2016 với sự tham dự của kiều bào tiêu biểu đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Năm nay, Hội nghị được tổ chức vào đúng dịp tròn 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, Hội nghị là diễn đàn để các cơ quan chức năng trong nước nắm bắt được tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào. Đây cũng là dịp quan trọng để kiều bào hiến kế cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới; tăng cường kết nối doanh nhân, chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước, thúc đẩy đầu tư của kiều bào, mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo quốc gia nhất là thông qua Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 với chủ đề: “Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước” và 04 phiên chuyên đề của Hội nghị diễn ra vào ngày 22/8, bao gồm: “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”, “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước”, “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào” và “Kiều bào – Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu bao gồm khoảng 400 đại biểu kiều bào hơn 200 đại biểu là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội; đại diện Lãnh đạo các tỉnh/thành phố; các Trưởng một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị đã vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự phiên Khai mạc và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.
Hội người Việt Nam tại Pháp có đạo diện tham dự phiên hội thảo với chủ đề “Kiều bào – Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”.
Tại hội thảo, hội đã trình bày những hoạt động về văn hoá của các hội đoàn tại Pháp như các hội Trong đó khẳng định vai trò đầu tàu của Hội trong việc kết nối các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Pháp.
Hội người Việt Nam tại Pháp là hội có bề dày lịch sử hơn 100 năm, luôn là đầu tàu tiên phong trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hội thường xuyên tổ chức các dịp lễ tết như Tết Nguyên Đán, tết Trung thu, các hoạt động dạy tiếng Việt cũng như các học múa hát, võ Việt Nam diễn ra đều đặn hàng tuần cho các cháu thanh, thiếu niên mỗi thứ 7.
Hội cũng nêu những thuận lợi để phát triển văn hóa, tiếng Việt hiện nay như sự phát triển của khoa học công nghệ nên sự tiếp cận văn hóa truyền thống cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn trước. Cộng đồng người Việt đoàn kết, các thế hệ mới trí thức, giàu lòng nhiệt huyết, quyết tâm giữ gìn văn hóa truyền thống, luôn có ý thức cho bạn bè quốc tế biết đến bản sắc văn hóa riêng của đất nước mình nên các hoạt động văn hóa văn nghệ hay việc giữ gìn, dạy học tiếng Việt luôn được ủng hộ.
Bên cạnh đó cũng có một số khó khăn của các hội đoàn. Có thể nói trừ trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp có các hoạt động theo kế hoạch của nhà nước, các hoạt động của các hội đoàn là tự phát và các hoạt động dựa trên kiến thức và tâm huyết, nhiệt tình của người làm. Các hoạt động này không có kinh phí hoạt động mà chủ yếu là tự kêu gọi trong công đồng.
Các hội đoàn cố gắng giới thiệu văn hóa Việt Nam nhưng thực chất cũng là những chương trình văn hóa thiên về giải trí, chưa có chiều sâu, đa phần là bước đầu giới thiệu về văn hóa Việt Nam như giới thiệu một số nét chấm phá về văn hóa Việt Nam ví dụ như giới thiệu trà, làm tranh, múa lân…. Điều này có thể có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thiếu nguồn nhân lực trong các hội, đoàn được đào tạo chính thống văn hóa như các ngành Văn hóa học, Nhân học, Dân tộc học. Đây là những ngành rất khó xin việc tại Pháp, nên không nhiều người Việt Nam làm. Những người làm các chương trình nghệ thuật đa phần là “tay ngang” và làm vì thích, vì yêu văn hóa Việt Nam nên đòi hỏi một chương tình có chiều sâu về văn hóa là rất khó.
Các hoạt động chủ yếu thiên về giải trí để thu hút được khán giả vì nếu quá học thuật hoặc quá nguyên bản sẽ dẫn đến khán giả không muốn xem. Đây là điều có thể hạn chế tính nguyên gốc của nghệ thuật truyền thống. Vì vậy việc cố gắng giữ tính nguyên gốc, không biến đổi quá để phù hợp với thị hiếu cũng là một trong những khó khăn trong việc bảo tồn và phá triển văn hóa truyền thống tại các hội đoàn tại Pháp.
Vấn đề kinh phí luôn là khó khăn cho các hội đoàn. Nghệ thuật là loại hình đặc biệt, luôn cần được bảo trợ. Trừ trung tâm văn hóa Việt nam tại Pháp có kinh phí của Nhà nước hoặc UGVF có nguồn tài trợ của Nhà nước cho một số chương trình lớn, các hội đoàn đều tự thân vận động. Các hội đoàn phải dựa vào các mạnh thường quân là các công ty lớn, kinh doanh sản xuất thì mới có thể có kinh phí cho các chương trình, còn nếu không thì tất cả chỉ trên dự án. Các chương trình được thực hiện luôn luôn dựa vào sự nhiệt tình, tâm huyết của các hội đoàn và hầu hết phải bỏ tiền túi để làm các chương trình vì cộng đồng.
Một trong những khó khăn, đúng hơn là thách thức vì sự tương đồng văn hóa trong một số cộng đồng châu Á tại nước ngoài. Ví dụ như tết âm lịch thường hay bị gọi là tết năm mới Trung Quốc vì vậy thông qua các hoạt động văn hóa, các hội, đoàn cũng luôn cố gắng để các thế hệ người Việt mới ở nước ngoài hoặc cộng đồng quốc tế tại Pháp hiểu đây là Tết Việt Nam. Hoặc các chương trình luôn luôn phải nhấn mạnh áo dài là của văn hóa Việt Nam, tránh nhầm lẫn với thành áo dài của Trung Quốc, vì trên bìa sách về văn hóa hay một số trang bán hàng trực tuyến vẫn bán áo dài Việt Nam nhưng ghi là áo Trung Quốc. Những hội, đoàn làm văn hóa, dạy tiếng Việt luôn phải nhấn mạnh yếu tố bản sắc của văn hóa Việt Nam để các thế hệ sinh trưởng tại Pháp không bị nhầm lẫn về văn hóa.
Hội cũng nêu những đề xuất để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các hội, đoàn tốt hơn. Đó là các hội, đoàn luôn mong muốn có nguồn kinh phí hoặc có thể có sự giúp đỡ của các hội, quỹ về Bảo tồn văn hóa truyền thống ở Việt Nam để làm chương trình về văn hóa Việt Nam chất lượng hơn, đều đặn hơn.
Để làm được các chương trình bảo tồn văn hóa, việc mở rộng mạng lưới với các trung tâm nghệ thuật trong nước là điều cần thiết để thực sự có được các chương trình thấm đẫm tinh hoa văn hóa Việt Nam. Có thể làm những chương trình mang tính giải trí phục vụ thị hiếu nhưng bên cạnh đó có các chương trình giữ gìn nguyên gốc các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, các loại hình nghệ thuật dân gian ít được biết đến v.v.
Việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống nên làm theo tính chất tổng hợp ví dụ có thể kết hợp quảng bá các nông sản Việt Nam, du lịch Việt Nam lồng ghép vào các chương trình văn hóa, nghệ thuật. Như vậy có thể có thêm kinh phí để cho các chương trình, đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc để có thể quảng bá văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
Hội nghị Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 thực sự là cơ hội để Hội người Việt Nam cũng như các hội đoàn tại Pháp được bày tỏ nguyện vọng với Nhà nước để giữ gìn văn hóa, tiếng Việt cho kiều bào ở nước ngoài.
Hoàng Thị Hồng Hà