Phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam diễn ra và thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội : từ mức sống kinh tế đến đời sống
Thứ nhất, sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam diễn ra và thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội : từ mức sống kinh tế đến đời sống văn hóa tinh thần ; từ cơ hội tham gia thị trường lao động, việc làm đến các tiếp cận giáo dục, y tế…
Xu hướng chung là các nhóm giàu và khá giả thường được hưởng lợi nhiều hơn và nhanh hơn so với các nhóm nghèo và gần nghèo. Xã hội Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện và hình thành « tầng lớp xã hội ưu trội », « tầng lớp xã hội yếu thế » và nhóm xã hội có hành vi sai lệch, vi phạm pháp luật, tội phạm.
Điều này để lại nhiều hệ quả tiêu cực đối với sự phát triển lành mạnh, an ninh, trật tự của xã hội. Sự phân hóa giữa các tầng lớp xã hội còn biểu hiện rõ qua việc sở hữu tài sản bất động sản. Trị giá tài sản này thường cao gấp nhiều lần so với nguồn thu nhập trong mức sống của người dân.
Thứ hai, bức tranh tổng quan về phân hóa giàu nghèo cho thấy khoảng cách giữa các nhóm hộ gia đình từ giàu đến nghèo đang có khoảng cách còn khá lớn. Cụ thể, qua 11 cuộc khảo sát Mức sống dân cư Việt Nam : 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018, 2020, 2022 đã cho biết hệ số chênh lệch về thu nhập bình quân 1 người/1 tháng giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất lần lượt qua 11 lần khảo sát mức sống tương ứng như sau : 8,1 lần → 8,3 lần → 8,4 lần → 8,9 lần → 9,2 lần → 9,4 lần → 9,7 lần →9,8 lần → 10,0 lần → hơn 8 lần → 7,6 lần.
Thứ ba, có sự khác biệt lớn về phân hóa giàu nghèo xét theo khu vực nông thôn- đô thị giữa các vùng miền và dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh/Hoa. Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 9,184 triệu đồng (năm 2021), cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất). Chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mức độ thụ hưởng dịch vụ và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo, vùng nghèo nói chung vẫn còn thấp hơn đáng kể.
Thứ tư, hố sâu ngăn cách giữa nhóm giàu với nhóm nghèo, dẫn tới mối liên kết giữa các nhóm xã hội ngày càng lỏng lẻo. Đây là một yếu tố gây ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Phân hóa giàu nghèo làm suy giảm lòng tin vào chế độ ; tạo ra tâm lý chống đối với lý do « ý kiến phản biện », làm phát sinh « khiếu kiện » với những diễn biến phức tạp về an ninh xã hội ; các chủ trương, chính sách của Nhà nước bị vô hiệu hóa và bị xuyên tạc.
Thứ năm, các nhân tố thúc đẩy sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam là hết sức đa dạng, phong phú và đa chiều. Tuy nhiên, có thể khái quát thành một số nhóm yếu tố :
a) Về nguyên nhân chủ quan của mỗi cá nhân/nhóm xã hội, đó là năng lực cá nhân/nhóm (về vốn nhân lực, vốn xã hội, vốn tài chính và vật chất) để nắm bắt và tận dụng các cơ hội về việc làm, tham gia các mạng lưới, tận dụng cơ hội về đầu tư, sản xuất kinh doanh và thu lợi nhuận ;
b) Về khách quan, đó là điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, môi trường sống và lao động ;
c) Nhóm nguyên nhân về thể chế chính sách, bao gồm quản lý nhà nước và quản lý xã hội, các chính sách vĩ mô như chính sách về phân phối, phát triển bao trùm, lao động việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo…
Ba nhóm nguyên nhân này tác động qua lại lẫn nhau và tạo nên vận may, cơ hội của mỗi cá nhân, tạo nên sự khác biệt trong thu nhập, tài sản và hàng loạt các mặt khác của cuộc sống, tạo nên sự phân hoá thu nhập và phân hóa giàu nghèo trong xã hội.
Thứ sáu, một nghịch lý đã và đang là cản trở lớn đối với quá trình thực hiện kiểm soát phân hóa giàu nghèo của Việt Nam chính là “nạn tham nhũng”, “lợi ích nhóm”, “kinh tế ngầm”, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế… Tình trạng liên kết, móc ngoặc giữa cá nhân/tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế có động cơ “làm giàu bằng mọi giá, bất chấp tất cả” với người có chức quyền trong hệ thống chính trị, nhưng thoái hóa, biến chất (Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…) đang là một vấn đề nhức nhối hiện nay.