Ra mắt Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ
« Tôi sẽ bắt đầu phát biểu hôm nay với hình ảnh mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi ở Đô Lương - Nghệ An tóc bạc trắng, gầy gò, ngồi trên giường
« Tôi sẽ bắt đầu phát biểu hôm nay với hình ảnh mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi ở Đô Lương – Nghệ An tóc bạc trắng, gầy gò, ngồi trên giường ôm hài cốt của con đã hy sinh 51 năm trước, vừa được tìm thấy, phủ trong lá Quốc kỳ gọi tên con rồi khóc nức nở… Mẹ đã khóc đớn đau trong hạnh phúc khi đã tìm thấy 1 người con nhưng vẫn hỏi sao không đưa luôn người con thứ 2 của mẹ cũng đã hy sinh về, khi con đi con mới chỉ 17 tuổi. Hai con trai của mẹ hy sinh cách nhau chỉ có 2 ngày. Rồi mẹ đã ra đi khi không còn chờ tìm được phần mộ hoặc hài cốt người con thứ 2. Mẹ mang theo cả câu hỏi chưa có câu trả lời về đất mẹ mà ám ảnh tất cả chúng ta.
Có lẽ nỗi đau, mất mát lớn với nhiều gia đình trải qua chiến tranh là nhận được thông tin con qua “Giấy báo tử”. Gần đây, tôi đi dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang quốc tế Việt Lào, có gần 12.000 ngôi mộ thì có tới 7.000 ngôi mộ thiếu thông tin. Nhiều gia đình vẫn ngày đêm mòn mỏi lấy những thông tin trên tờ giấy đã bạc màu, chữ đã mờ để đi nhờ tìm thông tin, giải mã với hy vọng tìm thấy người thân ». (Thủ tướng Phạm Minh Chính)
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ra mắt Ngân hàng Gen (AND) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.
Theo số liệu thống kê từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân. Sau nhiều năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập, 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập, trong đó có tới hơn 500.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin, trong đó có khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa quy tập, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, Lào và Campuchia. Hà Nội là một trong những địa phương có số anh hùng liệt sĩ chưa tìm thấy đứng đầu cả nước hơn 90.000 trường hợp…
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước hơn 8.000, ở Lào hơn 2.000, ở Campuchia hơn 6.000); tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
Các đơn vị đã phân tích, lưu trữ được hơn 23.000 mẫu ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp. Qua hoạt động giám định, lực lượng chức năng cũng xác định, kết luận bổ sung, đính chính thông tin được 1.260/1.736 ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk (đạt tỷ lệ 72,58% số mộ có một phần thông tin; 55,9% tổng số mộ trong nghĩa trang).
Việc xây dựng “Ngân hàng Gen” liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công, mà còn là niềm mong mỏi của toàn dân tộc, rằng trong một tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Việc thực hiện lấy mẫu ADN của liệt sĩ cũng như thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin, được lưu trữ trong Ngân hàng Gen. Đây sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt, bởi vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài. Song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan. Chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các Anh hùng Liệt sĩ”.