Sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19
Số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã vượt số thành lập mới. Theo đó,
Số liệu kinh tế – xã hội tháng 8 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã vượt số thành lập mới. Theo đó, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Trong số rời khỏi thị trường, 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với 2020, hơn 30.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Trong đó, riêng TP HCM có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường tính từ đầu năm, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với 2020.
5 khó khăn lớn các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đó là :
– thiếu hụt dòng tiền ;
– chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng;
– lưu thông hàng hóa bị cản trở do giãn cách xã hội ;
– tạm dừng sản xuất tại các khu công nghiệp ;
– khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ do qui trình còn phức tạp cộng thêm sự trì trệ của một số bộ phận công quyền tại địa phương.
Hai ví dụ cụ thể :
Cần Thơ có khoảng 9.800 trong tổng số hơn 10.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch. Tính riêng tại các khu công nghiệp ở Cần Thơ, có 1.030 trong tổng số 1.090 doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, chiếm 94,5%. Hơn 65.000 lao động phải tạm nghỉ. Trong khi đó, bên ngoài khu công nghiệp, chỉ còn 6 doanh nghiệp có trên 100 lao động và 34 doanh nghiệp có dưới 100 lao động duy trì được hoạt động cầm chừng.
Một số doanh nghiệp tại Cần Thơ đóng cửa hơn một tháng qua mô tả tình trạng của họ : “Chúng tôi có nguy cơ phá sản và sắp chết rồi, chứ nói là khó khăn thì vẫn còn nhẹ”.
Tỉnh Bình Dương là địa phương có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao thứ hai, chỉ sau TP.HCM, với gần 50.000 ca trên 2,5 triệu dân, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và phải dừng hoạt động, nhất là tại các khu công nghiệp.
Thống kê của Cục Hải quan Bình Dương về số lượng tờ khai hải quan từ ngày 15/7-15/8 cho thấy sự sụt giảm tới 42% và kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm trên 32% so với tháng trước đó. Hàng năm, có trên 2.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động, làm thủ tục tại Cục Hải quan Bình Dương. Tuy nhiên, theo thống kê, trên 600 doanh nghiệp trong số này phải ngừng hoạt động từ giữa tháng 7.